♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Thập Điện Diêm Vương

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Thập Điện Diêm Vương _
PostSubject: Thập Điện Diêm Vương   Thập Điện Diêm Vương I_icon_minitime28.09.10 11:13

DIÊM VƯƠNG THẬP ĐIỆN
Tàn Mộng Tử

Trong cổ đại Trung Quốc vốn không có quan niệm về Diêm Ma (閻魔) hay Diêm Vương (閻王), nhưng sau khi Phật Giáo du nhập vào đất nước nầy, Diêm Vương được xem như là vị chủ thần của Địa Ngục và tín ngưỡng nầy bắt đầu lưu hành. Từ Diêm Ma, nguyên ngữ Sanskrit là Yama, âm dịch là Diêm Ma La Xã (閻魔羅社), Diễm Ma La Xà (琰摩羅闍), Diêm La (閻羅), Viêm Ma (炎摩), Diệm Ma (焰摩), Diễm Ma (琰魔), Diêm Ma La (閻摩羅); ý dịch có nhiều nghĩa khác nhau như trói buộc (trói tội nhân), song thế (nơi thế gian thường chịu hai loại quả báo vui và khổ), vua bình đẳng (trừng phạt tội một cách bình đẳng), dứt trừ tội ác, ngăn chận tranh giành và chấm dứt tội ác. Tất cả những ý nghĩa trên đều nói lên trách nhiệm của vua Diêm Ma dưới Minh Phủ nhằm giám thị tội của chúng sanh và làm cho phải khiếp sợ khi làm điều ác. Theo thần thoại cổ đại Ấn Độ, Yama—vị thần của chánh pháp—cùng với Yamī là thần song sinh, là người chết đầu tiên của nhân loại; vì vậy sau nầy họ được xem như là tử thần và thống quản âm giới. Sau khi Phật Giáo có mặt tại Ấn Độ, vua Diêm Ma được xem như là chủ của cõi Ngạ Quỷ, vua quản lý thế giới Địa Ngục, thân của ác nghiệp chiêu cảm, hay hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát (地藏菩薩), v.v. Trong Mật Giáo, vua Diêm Ma là một trong 12 vị trời của Ngoại Kim Cang Bộ thuộc Kim Cang Giới Mạn Trà La (金剛界曼荼羅), là vị thần của Ngoại Kim Cang Bộ thuộc Thai Tạng Giới Mạn Trà La (胎藏界曼荼羅). Có một vài tục ngữ liên quan đến Diêm Vương như “Diêm Vương bất tại gia, nghiệp quỷ do tha náo (閻王不在家、業鬼由他鬧, Diêm Vương không ở nhà, quỷ con gây náo loạn)”, có nghĩa là khi người chủ vắng mặt thì người cấp dưới lợi dụng cơ hội làm náo loạn; “Diêm Vương hảo kiến, tiểu quỷ nan đương (閻王好見、小鬼難當, Diêm Vương dễ thấy, quỷ con khó gặp)” hay “Diêm Vương phán nhĩ tam canh tử, bất đắc lưu nhân đáo ngũ canh (閻王判你三更死、不得留人到五更, Diêm Vương phán ngươi canh ba chết, chẳng được giữ người đến canh năm)”, v.v.

Thập Điện Diêm Vương (十殿閻王), còn gọi là Diêm Ma Thập Điện (閻魔十殿), Diêm Vương Thập Điện (閻王十殿), Thập Điện Minh Vương (十殿冥王), Thập Điện Diêm La (十殿閻羅), Thập Điện Từ Vương (十殿慈王). Nguyên lai chỉ có một vị Diêm Vương, nhưng sau khi Phật Giáo được truyền vào Trung Quốc, tín ngưỡng về Diêm Vương có ảnh hưởng to lớn đối với hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở đây, trải qua nhiều biến hóa, Hán hóa sắc thái và cuối cùng quan niệm nầy trở thành Thập Điện Diêm Vương. Kinh điển ban đầu của Phật Giáo không có đề cập đến Thập Điện Diêm Vương. Tỷ dụ như theo Cấm Độ Tam Muội Kinh (禁度三昧經), Diêm Vương chỉ quản hạ 5 vị quan, gồm: Tiên Quan (鮮官) chuyên ngăn cấm sát sanh, Thủy Quan (水官) chuyên ngăn cấm trộm cắp, Thiết Quan (鐵官) chuyên ngăn cấm tà dâm, Thổ Quan (土官) chuyên ngăn cấm nói lời hai lưỡi và Thiên Quan (天官) cấm việc uống rượu. Hơn nữa, trong Phật Tổ Thống Ký (佛祖統記) quyển 33, bộ sử truyện nổi tiếng của Phật Giáo Trung Quốc, có ghi rằng: “Trên đời truyền tụng rằng Hòa Thượng Đạo Minh (道明和尚) nhà Đường thần du xuống Địa Phủ, thấy có 15 hạng người thuộc hạ (của Diêm Vương), từ đó lưu truyền trên thế gian.” Như vậy, thuộc hạ của Diêm Vương đã biến thành 15 người. Danh hiệu của Thập Điện Diêm Vương xuất hiện đầu tiên trong Dự Tu Thập Ngũ Sanh Thất Kinh (預修十五生七經), Diêm Vương Kinh (閻王經), v.v.


Căn cứ Ngọc Lịch Bảo Sao (玉曆寶鈔), kỳ thư khuyến thiện trừng ác do Đạm Si (淡癡) nhà Tống trước thuật, 10 ngôi điện do Linh Bảo Thập Phương Cứu Khổ Thiên Tôn (靈寳十方救苦天尊) hóa thành, được 10 vị Diêm Ma cai quản, gồm:



Tần Quảng Vương

Thập Điện Diêm Vương 60296899

(1) Tần Quảng Vương (秦廣王, Qín-guàng, hay Tần Quảng Vương Tương [秦廣王蔣]), còn gọi là Thái Tố Diệu Quảng Chân Quân (泰素妙廣眞君), cai quản ngôi điện thứ nhất, do Đông Phương Thiên Tôn (東方天尊) hóa thành, sống ở Huyền Minh Cung (玄冥宮), chịu trách nhiệm trông coi về sanh tử của con người và quản lý toàn bộ việc cát hung của cõi u minh, ngày sinh của ông là mồng 2 tháng 2 âm lịch. Quỷ Phán Quan của cõi nầy sống ngoài tảng đá Ốc Tiêu (沃焦[礁])(1) trong biển lớn. Hướng chính Tây của điện này là con đường tối om dẫn đến Hoàng Tuyền (黃泉); nếu người làm ác thì sau khi chết sẽ bị nhập vào đài cao bên phải của điện này tên là Nghiệt Kính Đài (孽鏡台); đài cao 1 trượng, treo hướng về phía Đông, phía trên có 7 chữ lớn “Nghiệt Kính Đài tiền vô hảo nhân (孽鏡台前無好人, Trước Nghiệt Kính Đài không người tốt)”. Sau khi được chiếu soi ở Nghiệt Kính Đài xong, tội nhân sẽ được phê giải xuống ngôi điện thứ hai để chịu ngục hình thọ khổ tùy theo tội nặng hay nhẹ.



Sở Giang Vương

Thập Điện Diêm Vương 92789770

(2) Sở Giang Vương (楚江王, Chŭ-jiāng, hay Sở Giang Vương Lệ [楚江王厲]), còn gọi là Âm Đức Định Hưu Chơn Quân (陰德定休眞君), cai quản ngôi điện thứ hai, do Nam Phương Thiên Tôn (南方天尊) hóa thành, sống tại Phổ Minh Cung (普明宮) dưới đáy biển sâu, chịu trách nhiệm trông coi Hoạt Đại Địa Ngục (活大地獄, địa ngục sống lâu), Hàn Băng Địa Ngục (寒冰地獄, địa ngục băng lạnh) và Bác Y Đình (剥衣亭, nhà cởi áo) và 16 địa ngục bên dưới như Hắc Vân Sa (黑雲沙), Phẩn Niệu Nê (糞尿泥), Ngũ Xoa (五叉), Cơ Ngạ (飢餓), Khát (渴), Nùng Huyết (膿血), Đồng Phủ (銅斧), Đa Đồng Phủ (多銅斧), Thiết Khải (鐵鎧), U Lượng (幽量), Kê (雞), Hôi Hà (灰河), Chước Tiệt (斫截), Kiếm Diệp (劍葉), Hồ Lang (狐狼), Hàn Băng (寒冰). Ngày sinh của ông là mồng 3 tháng 3 âm lịch.



Tống Đế Vương

Thập Điện Diêm Vương 26144522

(3) Tống Đế Vương (宋帝王, Sòng-dì, hay Tống Đế Vương Dư [宋帝王餘]), còn gọi là Động Minh Phổ Tĩnh Chân Quân (洞明普靜眞君), cai quản ngôi điện thứ ba, do Tây Phương Thiên Tôn (西方天尊) hóa thành, sống ở Trụ Tuyệt Cung (紂絕宮), chịu trách nhiệm trông coi Hắc Thằng Địa Ngục (s: Kālasūtra-naraka, 黒繩地獄, địa ngục có sợi dây thừng đen). Những ai bị kiện tụng, không vâng lời các bậc trưởng thượng, không thương mạng dân, sĩ thứ thấy lợi mà quên nghĩa, chồng bất nghĩa, vợ không thuận, từng thọ ân huệ mà phụ bạc, nô bộc phản gia chủ, hay phạm tội vượt ngục, trốn quân dịch, v.v., sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục nầy. Ngày sinh của ông là mồng 8 tháng 2 âm lịch.


Ngũ Quan Vương

Thập Điện Diêm Vương 20615278

(4) Ngũ Quan Vương (五官王, Wŭ-guān, hay Ngũ Quan Vương Lữ [五官王呂]), còn gọi là Huyền Đức Ngũ Linh Chân Quân (玄德五靈眞君), cai quản ngôi điện thứ tư, do Bắc Phương Thiên Tôn (北方天尊) hóa thành, sống ở Thái Hòa Cung (太和宮), chịu trách nhiệm trông coi Hợp Đại Địa Ngục (s: Sa_gāta-naraka, 合大地獄, địa ngục hợp lại thành to lớn) và Huyết Trì Địa Ngục (血池地獄, địa ngục có hồ máu) cùng với 16 địa ngục nhỏ như Trì (池), Mâu Liên Trúc Thiêm (蝥鏈竹籤), Phí Thang Kiêu Thủ (沸湯澆手), Chưởng Bạn Lưu Dịch (掌畔流液), Đoạn Cân Dịch Cốt (斷筋剔骨), Yển Kiên Loát Bì (堰肩), Tỏa Phu (鎖膚), Tồn Phong (蹲峰), Thiết Y (鐵衣), Mộc Thạch Thổ Ngõa (木石土瓦), Kiếm Nhãn (劍眼), Phi Hôi Tắc Khẩu (飛灰塞口), Quán Dược (灌藥), Du Hoạt Điệt (油滑跌), Thích Chủy (剌嘴), Toái Thạch Mai Thân (碎石埋身). Những ai thường hay lừa dối sẽ bị đọa xuống địa ngục nầy; ngày sinh của ông là 18 tháng 2 âm lịch.



Diêm Ma Vương

Thập Điện Diêm Vương 33563631

(5) Diêm Ma Vương (閻魔王, Yama-rāja, Yán-mó, hay Diêm La Vương [閻羅王], Diêm Ma Vương Thiên Tử Bao [閻魔王天子包]), còn gọi là Tối Thánh Diệu Linh Chân Quân (最聖耀靈眞君), cai quản ngôi điện thứ năm, nguyên trước kia trông coi ngôi điện thứ nhất, nhưng vì đồng tình với tội nhân ở đó, nên bị chuyển xuống đây, do Đông Bắc Phương Thiên Tôn (東北方天尊) hóa thành, sống ở Củ Luân Cung (糾倫宮), chịu trách nhiệm trông coi Khiếu Hoán Địa Ngục (s: Raurava-naraka, 叫喚地獄, địa ngục la hét) và 16 địa ngục nhỏ khác; ngày sinh của ông là mồng 8 tháng giêng âm lịch.



Biện Thành Vương

Thập Điện Diêm Vương 55810892

(6) Biện Thành Vương (卞城王, Biàn-chéng, hay Biện Thành Vương Tất [卞城王畢]), còn gọi là Bảo Túc Chiêu Thành Chân Quân (寶肅昭成眞君), cai quản ngôi điện thứ sáu, do Đông Nam Phương Thiên Tôn (東南方天尊) hóa thành, sống ở Minh Thần Cung (明晨宮), chịu trách nhiệm trông coi Đại Khiếu Hoán Địa Ngục (s: Mahāraurava-naraka, 大叫喚地獄, địa ngục la hét lớn) và Uổng Tử Thành (枉死城, thành chết oan uổng) cũng như 16 địa ngục nhỏ khác như Thường Quỵ Thiết Sa (常跪鐵砂), Thỉ Nê Tẩm Thân (屎泥浸身), Ma Tồi Lưu Huyết (磨摧流血), Kiềm Chủy (鉗嘴), Cát Thận Thử Giảo (割腎鼠咬), Cức Cương Hoàng Toản (棘綱蝗鑽), Đối Đảo Nhục Tương (碓搗肉漿), Liệt Bì Kỵ Lôi (裂皮曁擂), Hàm Hỏa Bế Hầu (銜火閉喉), Tang Hỏa Hồng (桑火烘), Phẩn Ô (糞污), Ngưu Điêu Mã Táo (牛雕馬躁), Phi Khiếu (緋竅), Đầu Thoát Xác (頭脫殼), Yêu Trảm (腰斬), Bác Bì Tuyên Thảo (剝皮揎草). Những ai đã từng chửi mắng trời và hướng về phương Bắc mà tiểu tiện sẽ bị đọa xuống nơi nầy; ngày sinh của ông là mồng 8 tháng 3 âm lịch.



Thái Sơn Vương

Thập Điện Diêm Vương 66062573

(7) Thái Sơn Vương (泰山王, Tài-shān, hay Thái Sơn Vương Đổng [泰山王董]), còn gọi là Thái Sơn Huyền Diệu Chân Quân (泰山玄妙眞君), cai quản ngôi điện thứ bảy, do Tây Nam Phương Thiên Tôn (西南方天尊) hóa thành, sống ở Thần Hoa Cung (神華宮), chịu trách nhiệm trông coi Nhiệt Não Địa Ngục (s: Tapana-naraka, 熱惱地獄, địa ngục đau khổ vì nóng) và 16 địa ngục nhỏ khác như Tuất Tự Thôn (卹自吞), Liệt Hung (冽胸), Địch Thối Hỏa Bức (笛腿火逼), Quyền Kháng Phát (權抗發), Khuyển Giảo Hĩnh Cốt (犬咬脛骨), Úc Thống Khốc Cẩu (燠痛哭狗), Tắc Đảnh Khai Ngạch (則頂開額), Đảnh Thạch Tồn Thân (頂石蹲身), Đoan Bảo Thượng Hạ Trác Giảo (端鴇上下啄咬), Vụ Bì Trư Tha (務皮豬拖), Điếu Giáp Túc (吊甲足), Bạt Thiệt Xuyên Tai (拔舌穿腮), Trừu Tràng (抽膓), Loa Đạp Miêu Tước (騾踏貓嚼), Lạc Thủ Chỉ (烙手指), Du Phủ Cổn Phanh (油釜滾烹). Những ai chế thuốc từ xương người chết và xa lánh người thân sẽ bị đọa xuống nơi nầy; ngày sinh của ông là 27 tháng 3 âm lịch.



Bình Đẳng Vương

Thập Điện Diêm Vương 51961233

(8) Bình Đẳng Vương (平等王, Píng-dĕng, hay Đối Đẳng Vương Lục [對等王陸]), còn gọi là Vô Thượng Chánh Độ Chân Quân (無上正度眞君), cai quản ngôi điện thứ tám, do Tây Bắc Phương Thiên Tôn (西北方天尊) hóa thành, sống ở Thất Phi Cung (七非宮), chịu trách nhiệm trông coi A Tỳ Địa Ngục (s: Avīci-naraka, 阿鼻地獄, tức Địa Ngục Vô Gián) và 16 địa ngục nhỏ khác như Sao Cốt Chước Thân (敲骨灼身), Trừu Cân Lôi Cốt (抽筋擂骨), Nha Thực Tâm Can (鴉食心肝), Cẩu Thực Tràng Phế (狗食膓肺), Thân Tiễn Nhiệt Du (身濺熱油), Não Cô Bạt Thiệt Bạt Xỉ (腦箍拔舌拔齒), Thủ Não Điền (取腦填), Chưng Đầu Quát Não (蒸頭刮腦), Dương Súc Thành Diêm (羊搐成鹽), Mộc Giáp Đảnh (木夾頂), Ma Tâm (磨心), Phí Thang Lâm Thân (沸湯淋身), Hoàng Phong (黃蜂), Hiết Câu (蠍鉤), Nghĩ Chú Ngao Đam (蟻蛀熬眈), Tử Xích Độc Xà Toản (紫赤毒蛇鑽). Ngày sinh của ông là mồng 8 tháng 4 âm lịch.



Đô Thị Vương

Thập Điện Diêm Vương 37641679

(9) Đô Thị Vương (都市王, Dōu-shì, hay Đô Chủ Vương Hoàng [都主王黃]), còn gọi là Phi Ma Diễn Hóa Chân Quân (飛魔演化眞君), cai quản ngôi điện thứ chín, do Thượng Phương Thiên Tôn (上方天尊) hóa thành, sống ở Bích Chân Cung (碧眞宮), chịu trách nhiệm trông coi Đại Nhiệt Não Địa Ngục (s: Mahātapana-naraka, 大熱惱地獄, địa ngục đau khổ vì nóng lớn) và 16 địa ngục nhỏ như Xa Băng (車崩), Muộn Oa (悶鍋), Toái Quả (碎剮), Khổng Tiểu (孔小), Tiễn Chu (翦朱), Thường Thanh (常圊), Đoạn Chi (斷肢), Chích Tủy (炙髓), Ba Tràng (爬膓), Phần (焚), Khai Sanh (開瞠), Quả Hung (剮胸), Phá Đảnh Khiêu Xỉ (破頂撬齒), Cát (割), Cương Xoa (鋼叉). Ngày sinh của ông là mồng 1 tháng 4 âm lịch.



Chuyển Luân Vương

Thập Điện Diêm Vương 24874225

(10) Chuyển Luân Vương (轉輪王, Zhuàn-lún, hay Chuyển Luân Vương Tiết [轉輪王薛]), còn gọi là Ngũ Linh Uy Đức Chân Quân (五靈威德眞君), cai quản ngôi điện thứ mười, do Hạ Phương Thiên Tôn (下方天尊) hóa thành, sống ở Túc Anh Cung (肅英宮); ngày sinh của ông là 17 tháng 4 âm lịch. Ông chuyên trông coi các hồn quỷ được áp giải đến từ các điện khác, phân biệt, quyết định tội phước nặng nhẹ của tội nhân, phân phát đi khắp các bộ châu, tìm đất và loại để cho vong hồn đầu thai. Ông còn có nhiệm vụ xem xét việc thiện ác của tội nhân để thông tri cho cấp trên, thẩm định thọ mạng ngắn dài cũng như tội phước thay đổi của tội nhân. Quá trình khảo tra rất nghiêm mật, cuối cùng mới cho tội nhân cầu vàng, cầu ngọc, cầu đá, cầu gỗ hay Cầu Nại Hà (奈河橋, Nại Hà Kiều) và chuyển tống lên cho đầu thai vào 6 đường. Nếu như ở trên đời làm các việc thiện, khi sanh ra sẽ được trời người kính ngưỡng; sau khi chết đi cũng được quỷ thần cung kính; lúc ấy tự thân Chuyển Luân Vương cũng thân hành dẫn các sứ thần đến nghinh đón. Cho nên dân gian có câu rằng: “Tích thiện chi gia hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia hữu dư ương (積善之家有餘慶、積不善之家有餘殃, Nhà tích lũy việc thiện thì có nhiều điều tốt đẹp, nhà không tích lũy việc thiện thì có nhiều tai ương).”


Từ cuối thời nhà Đường trở đi, tín ngưỡng Thập Điện Diêm Vương trở nên thịnh hành. Thông thường, trong Miếu Thành Hoàng ở các địa phương có thiết lập Diêm Vương Điện (閻王殿) để thờ Thập Điện Diêm Vương. Tại các tự viện Phật Giáo, hai bên phải trái của bàn thờ Địa Tạng Bồ Tát cũng có thờ Thập Điện Diêm Vương. Tín ngưỡng Thập Điện Diêm Vương cũng được du nhập vào Việt Nam và vẫn còn lưu hành cho đến ngày hôm nay. Như trong các lòng văn sớ dâng cúng cầu siêu, thường có đề cập đến Minh Vương (冥王, tức Diêm Vương), Diêm Ma Thập Điện như: “Tư lâm Đại Tường chi trai tuần, chánh trị khôn phủ đệ thập điện, Chuyển Luân Minh Vương án tiền trình quá (茲臨大祥之齋旬、正値坤府第十殿、轉輪冥王案前呈過, Nay gặp lúc tuần chay dịp Đại Tường, đúng vào điện thứ mười, xin trình trước án Chuyển Luân Minh Vương)”, hay “Cung phụng: Diện Nhiên Đại Sĩ, uy quang khắc đáo ư kim tiêu; Địa Tạng từ tôn, thần lực đại chương ư thử dạ; Diêm Ma Thập Điện, chiếu khai Thập Bát Địa Ngục chi môn; Tả Hữu Phán Quan, thiêu tận ức kiếp luân hồi chi tịch; tỷ Lục Đạo Tứ Sanh chi vi mạng, khô mộc phùng xuân; sử cửu huyền thất tổ chi sảng linh, đồng đăng giác ngạn (恭奉、面燃大士、威光刻到於今霄。地藏慈尊、神力大彰於此夜。閻魔十殿、照開十八地獄之門。左右判官、燒盡億刼輪廻之籍。俾六道四生之微命、枯木逢春。使九玄七祖之爽靈、同登覺岸, Cúi xin: Diện Nhiên Đại Sĩ, ánh sáng oai lực đến đêm nay; Địa Tạng từ bi, thần lực hiển bày vào tối nầy. Diêm Ma Mười Điện, mở Mười Tám địa ngục cửa tung; Phán Quan phải trái, đốt sạch hồ sơ luân hồi muôn kiếp; cho mạng nhỏ của Bốn Loài Sáu Đường, cây khô gặp xuân; khiến hương linh của cửu huyền thất tổ, cùng lên bờ giác)”, v.v.


_______________

Phần chú thích:

1. Ốc Tiêu (沃焦[礁]): tên gọi một tảng đá rất to lớn hút nước mà trong Cựu Hoa Nghiêm Kinh (舊華嚴經) quyển 59 có đề cập đến, do vì nó to lớn như núi nên được gọi là Ốc Tiêu Sơn (沃焦山). Dưới núi nầy có hỏa khí của A Tỳ Địa Ngục (s: Avīci-naraka, 阿鼻地獄) bốc lên ngùn ngụt cho nên nó thường nóng bức. Như trong Kim Cang Tam Muội Bản Tánh Thanh Tịnh Bất Hoại Bất Diệt Kinh (金剛三昧本性清淨不壞不滅經) có đoạn rằng: “Như A Nậu đại trì xuất tứ đại hà, thử tứ đại hà phân vi bát hà, cập Diêm Phù Đề nhất thiết chúng lưu giai quy đại hải; dĩ Ốc Tiêu Sơn cố, đại hải bất tăng, dĩ Kim Cang Luân cố, đại hải bất giảm (如阿耨大池出四大河、此四大河分爲八河、及閻浮提一切眾流皆歸大海、以沃焦山故、大海不增、以金剛輪故、大海不減, như hồ lớn A Nậu phân thành bốn con sông lớn, bốn sông lớn nầy lại chia thành tám sông, chúng cùng với tất cả các sông cõi Diêm Phù Đề đều đỗ về biển lớn; vì núi Ốc Tiêu nầy mà biển lớn không tăng; và nhờ có vòng Kim Cang mà biển lớn không giảm)”. Ngoài ra, còn có biển Ốc Tiêu, là nơi chúng sanh thọ khổ. Bên cạnh đó, trong kinh điển Phật Giáo thường dùng từ Ốc Tiêu để ví cho dục tình vô cùng vô tận của kẻ phàm phu ngu muội, cũng như sự nóng bức của viên đá nầy, khổ đau không có ngôn từ nào diễn đạt được. Đạo Giáo giải thích rõ về truyền thuyết, xuất xứ của núi Ốc Tiêu có phần hơi khác. Trong Cẩm Tú Vạn Hoa Cốc (錦繡萬花谷) có đoạn rằng: “Ốc Tiêu tại bích hải chi đông, hữu thạch khoát tứ vạn lí, hậu tứ vạn lý, cư bách xuyên chi hạ, cố hựu danh Vĩ Lư; Sơn Hải Kinh Nghiêu thời, thập nhật tinh xuất, Nghiêu sử Nghệ xạ cửu nhật, lạc vi Ốc Tiêu (沃焦在碧海之東、有石闊四萬里、厚四萬里、居百川之下、故又名尾閭、《山海經》堯時、十日並出、堯使羿射九日、落為沃焦, Núi Ốc Tiêu ở phía Đông biển xanh, có khối đá rộng bốn vạn dặm, dày bốn vạn dặm, nằm dưới trăm con sông, nên có tên là Vĩ Lư; Sơn Hải Kinh cho rằng dưới thời nhà Nghiêu, có mười mặt trời cùng xuất hiện, vua Nghiêu sai Hậu Nghệ bắn chín mặt trời, rơi xuống thành núi Ốc Tiêu).” Bên cạnh đó, Thôi Nam Tử (淮南子) còn cho biết thêm rằng: “Nghiêu nãi mạng Nghệ xạ thập nhật, trung kỳ cửu nhật, nhật trúng ô tận tử (堯乃令羿射十日、中其九日、日中烏盡死, Vua Nghiêu bèn ra lệnh cho Hậu Nghệ bắn mười mặt trời, trong chín mặt trời đều bị trúng tên chết hết)”. Sau nầy mười mặt trời bị Hậu Nghệ (后羿) bắn được giải thích là Thang Quốc (湯國, xứ sở nước nóng); tương truyền 9 mặt trời bị bắn rơi trôi nỗi về phía Nhật Bản, cho nên tại Quận A Tô (阿蘇郡, Aso-gun), Huyện Hùng Bổn (熊本縣, Kumamoto-ken), Cửu Châu (九州, Kyūshū), Nhật Bản có thành lập “Thang Cốc Thiên Quốc (湯谷天國, Thiên Quốc Hang Nước Nóng)”. Người Trung Quốc thường gọi Nhật Bản là “Ốc Tiêu” hay “Vĩ Lư (尾閭)”. Tại ngôi điện phía nam của Cực Lạc Tự (極樂寺), vùng Cáp Nhĩ Tân (哈爾濱), Hắc Long Giang (黑龍江), Trung Quốc có thờ hai vị U Minh Giáo Chủ (幽明教主) và Địa Tạng Vương Bồ Tát (地藏王菩薩); kinh văn có ghi rằng: “Tống Đế Vương cai quản đáy biển lớn, dưới núi Ốc Tiêu phía đông nam, Hắc Thằng Đại Địa Ngục; người sống trên dương thế, nếu người nào không biết ơn quốc gia, thê thiếp phụ tình ân ái của chồng, thọ nhận ân huệ cũng như tài sản của người khác, bản thân phạm tội mà không gắng sức cải tạo; sau khi chết rồi xuống cõi âm, đều do Tống Đế Vương quản lý.”


Thập Điện Diêm Vương Ap20060822123003555
参考
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
 

Thập Điện Diêm Vương

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: 資料館★Tư liệu quán :: 資料★Tư Liệu-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com