♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  _
PostSubject: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận    Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  I_icon_minitime02.02.11 16:06

Tên sách: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận
Tác giả: Nguyễn Vinh Phúc
Nhà xuất bản: Trẻ
Năm xuất bản: 2005
Số hoá: ptlinh, chuongxedap @ QuanSuVN


Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  2s1qd8j


LỜI NÓI ĐẦU

Cách đây hai mươi thế kỷ, vào mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã đập tan bộ máy đàn áp của bè lũ bành trướng Đại Hán, giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Đó là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam, trong đó và trước hết có niềm tự hào của Hà Nội vì châu thổ sông Hồng mà Hà Nội là trung tâm đã là cái nôi sinh thành của cuộc khởi nghĩa vẻ vang này.

Tiếp theo cuộc khởi nghĩa là những năm tháng độc lập. “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh. Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” dù Mê Linh nay là huyện Mê Linh (Yên Lăng cũ) hay huyện Thạch Thất thì cũng là cận kề với Hà Nội.

Ba năm sau, cuộc kháng chiến chống quân Hán xâm lược bùng nổ, quyết liệt và rộng khắp. Nhiều trận đánh đã diễn ra trên đất Hà Nội. Người Hà Nội ngày ấy đã viết tiếp trang sử truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất mà tổ tiên từ thời các vua Hùng, vua Thục đã đắp xây nền tảng.

Cho nên việc tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận thành phố Thủ đô không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có ý nghĩa phát huy truyền thống của nhân dân vùng châu thổ sông Hồng đã có dư mấy nghìn năm lịch sử.

Tuy nhiên, việc làm này không phải là dễ dàng. Vì ngay đối với việc nghiên cứu cuộc khởi nghĩa nói chung thì tài liệu cũng đã là quá ít ỏi. Về nguồn chính sử của Việt Nam thì bộ sử cổ nhất hiện còn cũng là biên soạn sau cuộc khởi nghĩa đó hàng mười bốn thế kỷ, do vậy rất sơ lược. Đó là bộ Việt sử lược (khuyết danh) soạn vào cuối đời Trần, tức nửa sau thế kỷ XIV, chỉ ghi được về cuộc khởi nghĩa chấn động toàn cõi Giao Châu này có khoảng hai trăm chữ!

Bộ thứ hai là Đại Việt sử ký toàn thư (sẽ gọi tắt là Toàn thư) do Ngô Sỹ Liên soạn, hoàn thành năm 1479 (sử thần các đời sau có viết tiếp, bổ sung, sửa chữa), ghi chép có nhiều hơn một chút nhưng cũng không quá sáu trăm chữ.

Còn những bộ sử soạn sau đó như Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sỹ (1725-1779) hay Việt sử thông giám cương mục của sử thần triều Nguyễn soạn khoảng 1856-1889 (sẽ gọi tắt là Cương mục) thì cũng là chép lại các bộ sử cũ, có thêm một vài chi tiết do tham khảo truyền thuyết dân gian hoặc sử sách Trung Quốc.

Về nguồn sử Trung Quốc cổ, những sách đầu tiên ghi chép về thời kỳ Hai Bà Trưng mà nay dễ tìm đọc là ba bộ sau: Hán thư, Hậu Hán kỷ, Hậu Hán thư.

Bộ thứ nhất, còn quen gọi là Tiền Hán thư, do Ban Cố soạn theo thể ký truyện, hoàn thành năm 67 sau Công nguyên, có một số tư liệu về tình hình Giao Chỉ và Cửu Chân thời Tây Hán, tức thời gian trước Công nguyên tới năm thứ 8 sau Công nguyên. Bộ sử này gồm bốn phần, chia ra 100 quyển: phần Đế kỷ 12 quyển, phần Biểu 8 quyển, phần Chí 10 quyển, phần Liệt truyện 70 quyển. Liên quan nhiều đến Giao Chỉ, Cửu Chân là Địa lý chí (quyển thứ 3) và Nam Việt vương truyện (quyển 65).

Bộ thứ hai – Hậu Hán kỷ - là sách của Viên Hoành làm quan đời Tấn Hiếu Vũ biên soạn (376-396). Bộ này viết theo thể biên niên, gồm 30 quyển, chép lịch sử nhà Đông Hán theo trình tự thời gian hàng năm của các đời vua. Phần liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chủ yếu nằm ở quyển thứ 7.

Bộ thứ ba – Hậu Hán thư – là sách của Phạm Diệp (còn có một âm nữa là Việp) sống thời Lưu Tống (420-479), viết theo thể ký truyện. Bộ này gồm ba phần, chia ra 120 quyển: phần Đế ký 10 quyển, phần Chí 30 quyển, phần Liệt truyện 80 quyển. Những quyển có liên quan tới thời kỳ Hai Bà Trưng là phần Đế ký, quyển 1 đời Quang Vũ và phần Liệt truyện gồm các quyển 12 mục Lưu Long truyện, quyển 14 mục Mã Viện truyện, quyển 66 mục Nhân Diên truyện và quyển 76 mục Nam Man truyện.

Do là sử của Trung Quốc nên ở hai bộ đó phần ghi chép về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có cụ thể hơn về phía hoạt động của quân Hán. Nhưng dù vậy, phần ghi chép ấy cũng không quá vài trăm chữ.

Một bộ sách khác cung cấp thêm một ít tư liệu cho việc nghiên cứu thời kỳ Hai Bà Trưng là Thủy kinh chú. Đây là bộ địa lý lịch sử của Lịch Đạo Nguyên viết thời Bắc Ngụy (515-526) nội dung chính là chủ giải sách Thủy kinh (sách ghi chép về các sông ngòi) do Tang Khâm soạn đới Hán. Thủy kinh chú gồm 40 quyển, trong đó, quyển 37 nhân chú giải về sông Diệp Du (tức sông Hồng của Việt Nam) tác giả có đề cập tới quan hệ chiến tranh giữa Mã Viện và Hai Bà Trưng. Điều đáng chú ý nữa là Thủy kinh chú có dẫn một số đoạn văn liên quan đến nước Việt ta thời cổ trích từ những sách cổ hơn mà nay không còn thấy như Giao Châu ngoại vực ký, Việt chí v.v…

Còn như các bộ sử Trung Quốc soạn ở những đời sau như Tư trị thông giám của Tư Mã Quang (đời Tống), Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng (đời Minh), An Nam chí của Cao Hùng Trưng (đời Thanh) v.v… phần viết về thời kỳ Hai Bà Trưng đều là chép từ các bố sử sách nói trên.

Nguồn thư tịch bác học ít ỏi như thế, nếu chỉ dựa vào đó thì nói thêm về cuộc khởi nghĩa Hai Bà cũng chẳng được là bao nhiêu.

*
* *

Điều may mắn là nhân dân ta xưa – người bình dân Việt Nam – có một cách chép sử riêng. Đó là kho tàng các truyền thuyết lịch sử và sự tích những người anh hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, tồn tại mãi tới ngày nay. Đành rằng trong các truyền thuyết đó có nhiều yếu tố hoang đường và không ít những sự gán ghép, thêm bớt, hư cấu của người đời sau, không loại trừ có nhân vật hoàn toàn là hư cấu, nhưng dù sao cũng chắc chắn là có phản ánh một sự thật lịch sử. Ông Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã gửi gắm vào đấy tâm tình tha thiết của mình cùng với thơ và mộng”(*1).

Vậy nên khi tách thơ và mộng - tức phần sáng tạo, hư cấu văn học – thì có thể là còn lại là cái cốt lõi lịch sử.

Thứ nữa, trong nhân dân từ ngàn xưa còn có tục lệ thờ phụng anh hùng. Những người có công với dân với nước, dù trẻ hay già, là nam hay nữ, đều được nhân dân lập đền thờ, tôn làm phúc thần, thành hoàng. Những ngôi đền ấy được dựng hoặc ở ngay quê hương bản quán của nhân vật, hoặc ở nơi là địa bàn hoạt động chính hoặc nơi hy sinh của nhân vật đó. Tại những đền miếu ấy có lưu giữ những thần tích, ngọc phả kể về cuộc đời người anh hùng được phụng thờ. Những văn bản này thực ra cũng là những truyền thuyết dân gian được cố định hóa, văn bản hóa ở một thời điểm nhất định (thời điểm ấy đối với đa số các thần tích thường là thế kỷ XVI). Cho nên khảo sát các đền miếu và thần tích, ngọc phả cũng có thể tìm ra những sự thật lịch sử bổ sung phần nào cho chính sử.

Ngoài ra, ở nhiều làng xóm hiện vẫn còn những địa điểm, địa danh như “đồn quân”, “kho lương”, “cột cờ”, “xóm nhà Bà” v.v… và vết tích những thành xưa lũy cổ. Đó là những chứng tích truyền kỳ nhưng một khi được xác định niên đại chắc chắn thì cũng là một nguồn tư liệu giúp phục hiện lại phần nào quá khứ.

Cuối cùng, trong lòng đất có chứa không ít những di vật của người các đời trước, từ những công cụ sản xuất, công cụ chiến đấu đến những dấu vết nơi ăn, chốn ở và cả những hài cốt… Các tư liệu khảo cổ học này sau khi được phân tích tìm ra niên đại cụ thể thì quan trọng chẳng khác gì tư liệu thư tịch gốc! Nhất là những tư liệu khảo cổ học lại gặp ở cùng một địa điểm có lưu hành truyền thuyết và bảo lưu tục lệ thì các tư liệu văn hóa dân gian và dân tộc học rất có khả năng là đã hàm dưỡng, chất chứa những sự thật lịch sử.

Cho nên, tuy chính sử thì quá ít ỏi nhưng chúng tôi đã dựa vào các nguồn tư liệu trên để phối hợp tiến hành tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo. Thực ra những hoạt động cứu nước của Hai Bà và nhân dân ngày ấy gồm ba giai đoạn: khởi nghĩa – xây dựng chính quyền – kháng chiến, nhưng theo cách nói đã quen thuộc, chúng tôi xin gọi gộp lại là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.


*
* *


Trong dăm chục năm gần đây, nghiên cứu nghiêm túc và khoa học về cuộc khởi nghĩa này thì cũng đã có một số sách và bài báo giá trị như:

- Phần “Cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc” trong Lịch sử cổ đại Việt Nam – giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến của Đào Duy Anh – 1957 (sẽ gọi tắt là Cổ đại Việt Nam - Tập IV).

- Phần “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng” trong Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam - Tập 1 - Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn – 1963.

- Phần “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng” trong Lịch sử Việt Nam, Quyển 1 - Tập 1 – Trương Hữu Quýnh – 1970

- Phần “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng” trong Lịch sử Việt Nam - Tập 1 - Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam – 1971.

- Phần “Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng” trong Lịch sử Việt Nam (từ khởi thủy đến thế kỷ X) - Phần viết của Nguyễn Danh Phiệt – 2001.

- Bài “Tính chất cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng” của Duy Hinh, trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 72-1965.

- Bài “Tài liệu khảo cổ học và việc nghiên cứu thời kỳ Hai Bà Trưng” của Lê Văn Lan, trên Nghiên cứu Lịch sử số 149-1973…

- Bài “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Thủ đô Hà Nội qua các di tích” của Vũ Tuấn Sán, trên Nghiên cứu Lịch sử số 149-1973 v.v…

Nhưng trong phạm vi nghiên cứu chuyên đề về cuộc khởi nghĩa ấy trên vùng đất châu thổ sông Hồng thì chưa có một tác phẩm hoàn chỉnh nào.

Trong khi đó, ngoài các tư liệu lịch sử liên quan đã nêu ở trên, qua các chuyến đi khảo sát thực địa, chúng tôi thấy nổi bật lên một thực tế là ngay ở những nơi mà xưa nay nhiều người đã biết là có gắn bó với sự tích Hai Bà và đã được mô tả thì cũng cón có nhiều điều mới phát hiện rất đáng lưu ý. Và cũng trên địa bàn châu thổ sông Hồng ngày nay có những di tích thuộc về các tướng của Hai Bà. Tại những địa điểm này, ngoài các chứng cứ vật chất (lăng mộ, thành lũy…) còn có những truyền thuyết phản ánh sự tham gia khởi nghĩa và kháng chiến bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau của các anh hùng nam, nữ đó. Có người đã lập đồn đắp thành lũy đánh lại giặc Hán trước cả ngày Hai Bà khởi sự. Có người tay trắng tới đầu quân và nhanh chóng trưởng thành. Có người làm trinh sát. Có người công thành… Họ chặn địch. Họ phá vây. Họ đánh thủy, đánh bộ. Có người bồng con mới sinh mà chiến đấu. Nhiều trường hợp cả gia đình vợ chồng con cái đều tham gia nghĩa quân. Có người đánh giặc ngay tại quê hương. Có người đi chiến đấu tại những miền Cửu Chân, Nhật Nam xa xưa…

Những dấu vết và truyền thuyết phong phú đó có thể giúp hình dung ra được cuộc chiến đấu ngày ấy và cũng với những thư tịch chính sử đã có thể phần nào tạo nên một bức tranh khá hoàn chỉnh về hình ảnh cuộc khởi nghĩa và cuộc kháng chiến trong những năm 40-44 vẻ vang ấy ở địa bàn Hà Nội cùng các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, dù có lượm lặt được một số tư liệu như vậy và đã thừa hưởng kinh nghiệm của những nhà nghiên cứu đi trước, tập sách này tất vẫn còn nhiều thiếu sót. Nhất là do hạn định của mục đích – là chủ yếu tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận – nên trong sách không đề cập hoặc chỉ nói rất sơ lược về sự kiện này ở tất cả các địa phương khác, vì thế mà cách trình bày cũng như cách lý giải một số vấn đề có thể còn chưa toàn diện, thiếu tầm khái quát.

Rất mong bạn đọc lượng thứ và chỉ bảo cho.

Tác giả


________________________________________
*1. “Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch” – Báo Nhân dân số 29-4-1969.



Last edited by Mèo Âu on 02.02.11 16:41; edited 1 time in total
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  _
PostSubject: Re: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận    Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  I_icon_minitime02.02.11 16:20

Chương Một
HÀ NỘI ĐẦU CÔNG NGUYÊN


TRUNG TÂM QUẬN GIAO CHỈ


Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  Giaochicenter


Vào nửa sau thế kỷ thứ III trước Công nguyên (tr.c.n.), Thục Phán - thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt - kế thừa triều Hùng Vương của bộ tộc Lạc Việt, dựng nên nước Âu Lạc với kinh đô là Cổ Loa. Như vậy là lãnh thổ của người Âu và người Lạc được thống nhất lại thành một quốc gia mà trung tâm là một vùng đất nay thuộc về thành phố Hà Nội. Sự thống nhất đó làm cho đất nước thêm mạnh. Chính vì thế mà trong mấy chục năm cuối thế kỷ thứ III - đầu thế kỷ thứ II tr.c.n., quân của nhà Tần (Thủy Hoàng) rồi quân của nhà Nam Việt (Triệu Đà) nhiều lần xâm lược Âu Lạc đều bị thất bại. Chỉ tới năm 179 tr.c.n., dùng mưu mô quỷ quyệt, Triệu Đà mới thắng được Thục Phán và sáp nhập nước Âu Lạc vào lãnh thổ nước Nam Việt của Đà (lập nên từ năm 207 tr.c.n. do việc tách khỏi đế quốc Tần ba quận là Tượng, Nam Hải và Quế Lâm tức hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay). Cũng từ đó, Âu Lạc bị chia làm hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân.

Nhưng nhà Triệu không tồn tại được lâu. Năm 111 tr.c.n., nhà Tây Hán (206 tr.c.n. - 8 s.c.n.) đưa quân đánh Nam Việt. Sau khi tiêu diệt họ Triệu, Tây Hán chia phần đất cũ của Triệu Đà ra làm bốn quận là Nam Hải, Hợp phố, Thương Ngô, Uất Lâm, giữ nguyên hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, lập thêm quận Nhật Nam ở phía Nam quận Cửu Chân, hợp với hai quận ở đảo Hải Nam là Chu Nhai, Đạm Nhĩ thành ra bộ Giao Chỉ. Việc lấy tên của quận Giao Chỉ làm tên gọi chung cho bộ mới đặt ra này chứng tỏ quận Giao Chỉ khi đó là một quận trọng yếu, nếu không là quận lớn nhất thì cũng là đông dân nhất. Vì trong sách Tiền Hán thư (q.8 Địa lý chí) có số liệu về nhân khẩu các quận thuộc bộ Giao Chỉ vào khoảng thời gian cuối Tây Hán:

Quận Nam Hải có 94.253 nhân khẩu, 19.613 hộ.
Quận Thương Ngô có 71.162 nhân khẩu, 24.397 hộ.
Quận Uất Lâm có 146.160 nhân khẩu, 12.415 hộ.
Quận Hợp Phố có 78.980 nhân khẩu, 15.398 hộ.
Quận Giao Chỉ có 746.237 nhân khẩu, 92.440 hộ.
Quận Cửu Chân có 166.013 nhân khẩu, 35.743 hộ.
Quận Nhật Nam có 89.488 nhân khẩu, 15.460 hộ.

Có thể những số liệu trên không hoàn toàn chính xác nhưng do cùng một nguồn thu thập nên về mặt giá trị sử dụng để so sánh thì có thể chấp nhận được. Những con số đó cho thấy rằng vào đầu Công nguyên, số dân của quận Giao Chỉ đông gấp hai lần số dân của cả bốn quận đầu cộng lại. Điều này nói lên độ tập trung cư dân rất lớn và vị trí đặc biệt quan trọng của quận Giao Chỉ so với toàn thể bộ Giao Chỉ.

Quận Giao Chỉ ngày ấy (thời thuộc Hán) tương ứng với đất Bắc Bộ ngày nay trừ miền tây - bắc còn ở ngoài phạm vi thống trị của nhà Hán và phía tây - nam (miền ven biển Nam Định, Ninh Bình...) bấy giờ còn là biển. Quận này gồm mười huyện: 1. Liên Lâu, 2. An Định, 3. Câu Lậu, 4. Mê Linh, 5. Khúc Dương, 6. Bắc Đái, 7. Kê Từ, 8. Tây Vu, 9. Long Biên, 10. Chu Diên. So với sự phân bố đó thì thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận được đề cập trong tập sách nằm trên đất đai của bốn huyện Mê Linh, Chu Diên, Liên Lâu và Tây Vu.

Các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất (Hà Tây) nằm giữa ba mặt sông (sông Đà, sông Hồng, sông Đáy) thuộc địa hạt huyện Mê Linh.

Các huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Tây), hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì và bốn quận cũ nội thành Hà Nội là thuộc địa hạt huyện Chu Diên.

Các huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), Sóc Sơn, Đông Anh và phần đất huyện Gia Lâm (Hà Nội) ở tả ngạn sông Đuống là thuộc địa hạt huyện Tây Vu.

Còn huyện Gia Lâm phần nằm giữa sông Hồng và sông Đuống thì thuộc huyện Liên Lâu (*2).

Nằm trên đất đai của các huyện đó, Hà Nội vào đầu Công nguyên là trung tâm của quận Giao Chỉ đồng thời của cả bộ Giao Chỉ, không riêng về mặt địa lý mà cả về chính trị và quân sự. Vì suốt thời Tây Hán, trị sở quận Giao Chỉ đặt ở huyện Mê Linh, mà trị sở bộ Giao Chỉ cũng là đặt tại đó. Sang thời Đông Hán, các trị sở này chuyển sang huyện Liên Lâu (nay là khu vực làng Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Nhưng Mê Linh vẫn là nơi đồn trú của viên đô úy quận Giao Chỉ, tức là viên chỉ huy lực lượng vũ trang của quận. Về vị trí huyện Mê Linh hiện có hai chủ trương khác nhau, hoặc đặt ở bên tả ngạn sông Hồng với huyện trị là làng Hạ Lôi nay thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (như lâu này vẫn quan niệm) hoặc đặt ở bên hữu ngạn sông Hồng mà huyện trị cũng là làng Hạ Lôi nhưng thuộc xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây (như nhận định của nhà địa lý lịch sử Đinh Văn Nhật).

Cho nên nếu như Hà Nội mất vị trí kinh đô từ năm 179 tr.c.n. với việc thất thủ Cổ Loa thì Hà Nội vẫn thuộc bộ Giao Chỉ và quận Giao Chỉ, nơi đụng đầu trực tiếp giữa người dân Âu Lạc và bọn ngoại xâm đô hộ. Cũng nơi đây là địa bàn quan trọng của cuộc khởi nghĩa lần đầu tiên thành công trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta: cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.



GIAO CHỈ TRƯỚC CUỘC KHỞI NGHĨA

Thư tịch ghi chép về tình hình xã hội cũng như sinh hoạt nhân dân Giao Chỉ ngày ấy thì thật sự ít ỏi. Tư liệu cổ nhất là đoạn văn của Giao Châu ngoại vực ký được trích dẫn trong Thủy kinh chú. Đoạn này tuy ngắn ngủi nhưng đã phác họa một cách rất cơ bản tình hình sinh hoạt của dân cư Giao Chỉ thời trước công nguyên: “Thời xưa, Giao Chỉ chưa có quận huyện thì đất đai có ruộng Lạc, ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống (mà làm). Dân làm ruộng ấy mà ăn nên gọi là dân Lạc”.

Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất nhận định rằng ruộng canh tác theo nước triều lên xuống như thế thì chỉ có thể là ruộng cấy lúa. Khảo cổ học đóng góp một dẫn chứng cụ thể: ở di chỉ Đồng Đậu (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, xưa là đất huyện Tây Vu) có hạt lúa mà qua phân tích đồng vị phóng xạ C14 thì có niên đại là 3300 ± 100 năm. Như vậy là vào thời các vua Hùng mới dựng nước, người Việt đã trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng. Ngoài nghề trồng lúa ra, nghề làm vườn trồng cây ăn quả cũng phát triển. Nam phương thảo mộc trạng có ghi là vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (tức năm 111 tr.c.n.), vừa chiếm xong Nam Việt, thành lập quận Giao Chỉ, Hán Vũ Đế đã cho xây cung Phù Lệ để trồng cây quí ở đất Nam Việt mang về, có 100 cây vải và 2 cây chuối tiêu. Tiền Hán thư cho biết là từ đời Hán Vũ Đế ở Giao Chỉ có chức quất quan coi riêng việc cống quít, có chức tu quan để đốc thúc việc dâng tiến hoa quả, thức ăn. Dị vật chí chép: “Mía sản xuất ở Giao Chỉ đặc biệt tốt và ngon, gốc và ngọn đều ngọt... ép lấy nước làm thành đường”. Tiền Hán thư còn cho biết “Người Lạc Việt biết trồng dâu... dệt vải” (*3).

Bấy nhiêu thư tịch cho phép đoán định rằng vào đầu Công nguyên, ở Giao Chỉ (trong đó có đất Hà Nội) đã phát triển các nghề trồng lúa, làm vườn, trồng mía, trồng dâu (tức là đã biết nuôi tằm lấy tơ) và trồng bông. Trong mấy chục năm gần đây, nhờ những thành tựu của ngành khảo cổ mà sự đoán định đó thêm chắc chắn hơn. Cùng với những nhát cuốc khai quật lòng đất Hà Nội, ngành khảo cổ đã kể lại một cách đáng tin cậy về cuộc sống của người Hà Nội thời bấy giờ, đặc biệt là đã làm sáng tỏ một sự thật là không đợi đến đầu Công nguyên mà ngay từ thời các vua Hùng dựng nước, Hà Nội đã có những điểm tụ cư lớn, những làng cổ khá đông đúc như:

Cách đây bốn nghìn năm, ở Văn Điển và Triều Khúc (huyện Thanh Trì), Đồng Vông và Xuân Kiều (huyện Đông Anh), Gò Ấp (huyện Kim Anh), Gò Đồng (huyện Ba Vì)... đã có cư dân biết sử dụng rìu đá, đục đá, biết chế tác thật tinh xảo những mũi tên đá khá lợi hại, những viên “chì” lưới để đánh cá, biết làm đồ gốm với những hoa văn tinh tế...

Cách đây trên ba nghìn năm, ở Thành Dền (huyện Mê Linh), Vườn Chuối (huyện Hoài Đức), Đồi Đà (huyện Ba Vì), Tiên Hội và Bãi Mèn (huyện Đông Anh)... kỹ thuật đúc đồng đã bắt đầu có đà phát triển: những mũi tên đồng, lưỡi rìu đồng đã xuất hiện bên cạnh các công cụ bằng đá.

Cách đây trên hai nghìn năm, ở Núi Cả (thị xã Phúc Yên), Vinh Quang và Chiền Vậy (huyện Hoài Đức), Gò Chùa Thông (huyện Thanh Trì), Đình Tràng (huyện Đông Anh)... dân cư đã đúc đồng thành thạo với hàng loạt sản phẩm như rìu, đục, lưỡi cày, lưỡi câu, giáo, loa, mũi tên, dao găm, vòng trang sức... Đặc biệt ở Gò Chùa Thông có tìm thấy một lưỡi hái là lưỡi thứ hai tìm thấy ở nước ta, một bằng chứng chắc chắn về sự phát triển cao của nghề làm ruộng Lạc, ruộng lúa nước (Lưỡi hái thứ nhất là ở Gò Mun, tỉnh Phú Thọ).


Tới khoảng dăm sáu trăm năm tr.c.n. và tiếp đến đầu Công nguyên, làng mạc ở vùng Hà Nội bấy giờ mọc lên nhiều hơn, qui mô cũng rộng hơn. Đó là Trung Mầu (huyện Gia Lâm), Đường Mây và Cổ Loa (huyện Đông Anh), Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), Tây Đằng (huyện Ba Vì)... Dân cư những nơi đó không chỉ đã làm chủ kỹ thuật đúc đồng mà còn biết nấu sắt (*4). Sắt đã là vật liệu để tạo ra những lưỡi cuốc và nhiều nông cụ khác. Theo đó nền công nghiệp (làm ruộng và làm vườn) tất phải ở một trình độ phát triển khá cao. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự ghi chép của các thư tịch dẫn bên trên.

Song những bằng chứng thư tịch và hiện vật khảo cổ đó thực ra cũng chỉ mới cho thấy những công cụ lao động, những vũ khí cùng với những sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp mà nhân dân ngày ấy làm ra. Còn như thời đại đó là ở trong phương thức sản xuất nào, thuộc về hình thái kinh tế - xã hội nào thì còn thiếu nhiều tư liệu để khái quát, chỉ có thể đoán định rằng cuộc đô hộ của bọn bành trướng phương Bắc với nhiều phương thức bóc lột khác nhau đã làm chậm lại không ít bước tiến của xã hội Âu Lạc.

Tuy nhiên, nếu chấp nhận sự suy luận thì những con số thống kê nhân khẩu và số hộ của bộ Giao Chỉ trong sách Tiền Hán thư (đã nêu ở trên) cho phép biết thêm về tình hình xã hội Giao Chỉ vào khoảng thời gian được đề cập tới trong sách đó. Theo những con số này, vào thế kỷ thứ nhất tr.c.n và những năm đầu Công nguyên, ở Giao Chỉ đã thống kê được tới đầu người và đặc biệt là đầu hộ. Như vậy đơn vị cơ sở của xã hội đã là từng hộ gia đình. Gia đình nói ở đây là gia đình nhỏ. Lấy con số nhân khẩu chia cho số hộ thì ở quận Giao Chỉ ngày ấy mỗi hộ (tức gia đình) trung bình chỉ có tám người (746237 : 92400 = 8 ). Rõ ràng đây là một loại hình gia đình nhỏ (*5). Mà gia đình nhỏ đã trở thành đối tượng thống kê - tức cũng là đã trở thành những đơn vị tồn tại và phổ biến trong xã hội - thì như vậy có nghĩa là chế độ thị tộc dựa trên quan hệ dòng máu (huyết thống) đã tan rã. Đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ rằng đến thời kỳ trước và kế tiếp mốc Công nguyên - trong đó có thời kỳ Hai Bà Trưng - thì đã qua đi rồi cái thời kỳ công xã thị tộc. Lúc này công xã nông thôn hình thành do quan hệ láng giềng (từ bao lâu thì chưa thể xác định) đã trở nên phổ biến trong xã hội. (Công xã nông thôn gồm những gia đình nhỏ, có thể cùng hoặc khác huyết thống tập hợp lại trên một địa vực và do yêu cầu của sản xuất - ở nước ta là trồng lúa nước - cũng như yêu cầu tự vệ đã gắn bó với nhau thành láng giềng). Và trong gia đình thì chế độ phụ quyền đã chiếm ưu thế.

Thực tế có như vậy, bởi một khi đã xuất hiện gia đình nhỏ tức là sức sản xuất đã lên cao, xã hội đã bước vào thời kỳ trồng trọt phát triển. Vì từ thị tộc mà tách ra được thành những gia đình nhỏ thì nguồn sống xã hội nói chung là ổn định, gia đình nhỏ đã có đủ khả năng tự túc về những nhu cầu ăn mặc. Muốn được như thế, công cụ sản xuất phải có hiệu quả lớn, không thể chỉ là bằng đá mà phải là bằng kim khí sắc bén, có vậy mới đủ khả năng đẩy mạnh nghề trồng trọt, bảo đảm nguồn sống cho các thành viên của từng gia đình.

Sự đoán định này được khảo cổ học hậu thuẫn: qua xác định niên đại các di vật, ngành khảo cổ học đã nhất trí nhận định rằng thời kỳ phát triển rực rỡ của đồng thau và bước đầu chuyển sang đồ sắt - tức thời kỳ cuối của giai đoạn văn hóa Đông Sơn - chính là khoảng thời gian vài ba trăm năm trước và đầu mốc Công nguyên mà thời kỳ Hai Bà Trưng là những năm tháng kết thúc (*6).

____________________________________
*2. Việc xác định vị trí các khu vực hành chính thời cổ thực ra rất khó khăn vì tài liệu thư tịch rất ít ỏi, phải vận dụng các cứ liệu cổ địa lý, cổ sử, địa danh học v.v... mới có thể đoán nhận ra. Ở đây, chúng tôi dựa vào sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh và các luận văn nghiên cứu về vấn đề này của Đinh Văn Nhật in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử các số 142, 155, 156, 172, 190.
*3. Các tư liệu về hoa quả, cây trồng trích ở các sách Trung Quốc cổ là dẫn theo Trần Quốc Vượng trong bài “Mấy nét sơ lược về tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời Bắc thuộc”, Thông báo Sử học - Nhà xuất bản Giáo dục - Tập 1, năm 1963.
*4. Tại di chỉ Cổ Loa, bên cạnh những mũi tên đồng, có một số đồ sắt. Vậy kỹ thuật luyện sắt đã xuất hiện trước thời kỳ nước Âu Lạc, tức trước thế kỷ thứ 111 tr.c.n.. Tại di chỉ Gò Chiên Vậy (xã Kim Hoàng, huyện Hoài Đức) có lưỡi cuốc sắt. Di chỉ này có niên đại C.14 là 2350 ± 100 tức là khoảng thế kỷ thứ IV tr.c.n.
*5. Bản dịch sách Sơ yếu lịch sử và văn hóa nguyên thủy của M.O.Côsven (NXB Văn Sử Địa - 1958) gọi là gia tộc cá thể.
*6. Thuật ngữ “thời kỳ Hai Bà Trưng” dùng trong sách này không chỉ là thời gian ba năm Trưng Vương ở ngôi mà muốn chỉ cả nửa đầu thế kỷ thứ I sau Công nguyên.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  _
PostSubject: Re: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận    Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  I_icon_minitime02.02.11 16:40

DƯỚI ÁCH CAI TRỊ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐÔ HỘ

Như đã nêu ở trên, Triệu Đà chia nước Âu Lạc làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhưng sau đấy tổ chức cai trị ra sao và tình hình xã hội hai quận đó như thế nào thì tài liệu rất nghèo nàn. Chỉ có thể biết một cách đại thể là Triệu Đà không xóa bỏ thiết chế sẵn có của nhà nước Âu Lạc, tức là vẫn duy trì chế độ lạc tướng, vẫn để các lạc tướng giữ quyền thế tập mà cai quản các bộ lạc của mình. Ở mỗi quận, Triệu Đà chỉ đặt một chức điển sứ coi việc chung, chủ yếu là kiểm soát và đôn đốc các lạc tướng đóng nộp cống phẩm. Bên cạnh điển sứ còn có chức tả tướng phụ trách lực lượng vũ trang đồn trú. Như vậy, một điều rất có ý nghĩa là chính việc Triệu Đà không dám cai trị trực tiếp Âu Lạc - như đối với Lưỡng Quảng - đã nói lên rằng nước Âu Lạc từng có một cơ cấu nhà nước với những chế thiết riêng biệt ổn định, hình thành trên cơ sở ý thức dân tộc khá vững chắc.

Phương thức bóc lột chủ yếu ở thời kỳ này là cống nạp các vật lạ của quí của Âu Lạc: đồi mồi, châu ngọc, sừng tê, ngà voi và các đặc sản nhiệt đới như hoa quả, hương liệu... Không có tài liệu gì nói vế đời sống nhân dân ngày ấy nhưng điều có thể khẳng định được là nhân dân Âu Lạc lần đầu tiên gánh chịu thêm ách bóc lột của ngoại bang thì cuộc sống hẳn phải cơ cực và tủi nhục. Ngoài việc phục vụ các quí tộc bản địa, họ còn phải săn bắt tìm kiếm những của báu, vật lạ để cống nạp bên cạnh việc thường xuyên phải đóng góp những sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt và thủ công. Trong hoàn cảnh như vậy thì dù là đang ở trong một hình thái kinh tế - xã hội nào, nhân dân Âu Lạc cũng khó có thể phát triển sản xuất.

Nhà Tây Hán, sau khi diệt nhà Triệu, đã áp dụng chế độ quận huyện như ở Trung Quốc, tức là chia mỗi quận ra làm một số huyện, đứng đầu mỗi huyện là chức huyện lệnh (đối với huyện có trên một vạn hộ, còn huyện có số hộ dưới một vạn thì đặt chức huyện trưởng) do triều đình bổ dụng. Nhưng ở Giao Chỉ (và cả ở Cửu Chân, Nhật Nam) nhà Hán coi mỗi bộ lạc hoặc một liên minh bộ lạc là một huyện và vẫn để các lạc tướng cai trị với quyền thế tập như cũ, chỉ đổi danh hiệu ra là huyện lệnh (hoặc huyện trưởng) mà thôi. (Hậu Hán thư có ghi là “để lạc tướng cai trị dân như cũ” và “dùng tục cũ mà cai trị”). Như vậy là trên đại thể, Tây Hán vẫn duy trì phương thức cai trị của nhà Triệu, dù nguồn bóc lột không phong phú bằng phương thức trực tiếp cai trị nhưng lại ít động chạm đến quyền lợi của quí tộc bản địa, tức là ít gây mâu thuẫn giữa chính quyền đô hộ với giai cấp thống trị địa phương.

Ngoài ra, điều đó một lần nữa nói lên rằng tính bền vững của cộng đồng dân Âu Lạc đã khiến nhà Tây Hán không thể nhất loạt áp dụng chế độ quận huyện như ở Trung Quốc.

Cai quản mỗi quận là chức thái thú, có thêm chức đô úy chỉ huy số quân sĩ đồn trú để trấn áp nhân dân khi cần.

Đứng đầu bộ Giao Chỉ (đến năm 203 đổi gọi là Giao Châu) là viên thứ sử (có lúc gọi là châu mục). Nhưng thứ sử không cai trị trực tiếp mà chỉ giám sát các quan lại ở các quận. Hàng năm vào tháng tám, thứ sử đi tuần tra xem xét công việc cai trị của các thái thú. Sang đầu năm sau, y về kinh đô tâu trình. Như vậy thái thú là người thay mặt trực tiếp chính quyền đô hộ và có toàn quyền cai trị dân bản xứ. Hàng năm thái thú thu cống phẩm đưa tiến về triều.

Ban đầu có lẽ nhà Tây Hán chưa thu thuế, vì Sử ký (q 30) của Tư Mã Thiên có ghi “lương ăn vật dụng của quan lại sĩ tốt đều chở từ các quận cũ tới”. Như vậy là ở địa phương Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam không có thuế lúa hoặc có nhưng chẳng bao nhiêu. Phương thức bóc lột cơ bản vẫn là cống nạp. Cống phẩm vẫn là các của quí, vật lạ. Và nguồn tai họa cho nhân dân cũng vẫn là do đó mà ra. Vì để có những cống phẩm ấy, nhân dân Âu Lạc lại vẫn phải chịu bao cay đắng và tội vạ, phải xông pha lam chướng, xuống biển, lên rừng. Nhưng dần về sau, sự áp bức bóc lột còn tăng lên mạnh hơn. Nạn gánh chịu phu phen tạp dịch, xây cất thành lũy, công thự, tư dinh... ngày một nặng nề. Rất nhiều người biến thành nô tì phục vụ bọn quan lại đô hộ, thậm chí biến thành món hàng đổi trao mua bán. Tiền Hán thư (phần biểu q.2) có chép: “Vào năm Ngũ Phượng thứ 4 (tức 54 tr.c.n.), hầu tước Ích Xương can tội khi làm thái thú Cửu Chân trộm sai người mua nô tì và sừng tê, tang vật trị giá trên trăm vạn”. Hẳn đây không phải là một trường hợp duy nhất.

Ngoài ra để việc kiểm soát nhân dân Âu Lạc thêm chặt chẽ. Tây Hán dùng chính sách “trồng người”. Hậu Hán thư (q.86) ghi: “Dời những tội nhân Trung Quốc cho ở lẫn với họ. Như thế là vừa để chế ngự, vừa đồng hóa người bản địa. Cho nên nhân dân Âu Lạc đã phản ứng lại”. Sử ký (q.30) và Tiền Hán thư (q.24) còn ghi: “Đối với những quận mới chinh phạt (tức Giao Chỉ và Cửu Chân) quan lại quân sĩ Trung Quốc phần nhiều xâm phạm, vì vậy dân thường nổi lên giết quan lại nhà Hán”.

Trong khoảng một trăm năm trước Công nguyên, đại thể sự cai trị của nhà Tây Hán là như vậy. Tới những năm đầu Công nguyên, nhà Tây Hán lâm vào cơn khủng hoảng. Nông dân Trung Quốc nổi lên khắp nơi. Lợi dụng tình hình đó, vào năm 8, Vương Mãng cướp ngôi vua, lập ra nhà Tân. Rất nhiều quí tộc, quan lại, sĩ phu mà quyền lợi gắn bó với nhà Hán đã chống lại Vương Mãng. Một số chạy sang Giao Chỉ. Bọn này bổ sung thêm “quân số” cho bộ máy đô hộ, góp phần quan trọng vào công cuộc đồng hóa mà chính quyền Tây Hán đã thực hiện, đồng thời đẩy mạnh quá trình chiếm đoạt ruộng đất của các cộng đồng người Âu Lạc, lập ra những trang trại riêng nằm ngoài vòng kiểm soát của các lạc tướng huyện lệnh.

Năm 23, Lưu Tú diệt Vương Mãng rồi sau đó lên ngôi vua tức Quang Vũ Đế (25-56), tái lập nhà Hán. Sau này sử sẽ gọi đó là nhà Đông Hán hoặc Hậu Hán (25-220).

Hán Quang Vũ ra sức tăng cường quyền lực ở các địa phương xa. Trước đó hàng năm thứ sử tự mình về kinh đô báo cáo tình hình cai trị ở các quận thì từ bấy giờ phải ở luôn tại trị sở, dù có tang cha mẹ cũng không được bỏ chức, hàng năm chỉ cử một viên kế lại về thay. Cũng từ đấy thứ sử được giao thêm chức năng cai trị chứ không chỉ thanh tra như trước. Và một số chức vụ gọi là tòng sự sử được đặt ra để trông coi công việc cai trị giúp thứ sử như công tào tòng sự sử coi việc dân chính, binh tào tòng sự sử coi việc binh v.v...

Coi giữ các quận vẫn là thái thú nhưng có đặt thêm chức quận thừa để giúp việc. (Các quận ở xa có thêm chức trưởng sử). Về mặt quân sự, trước đó ở mỗi quận có viên đô úy trông coi lực lượng vũ trang đồn trú, chức phó là đô úy thừa. Năm Kiến Vũ thứ 6 (năm 30) có lệnh bãi hai chức này mà giao cho thái thú kiêm giữ. Như vậy là quyền lực của thái thú được nâng cao hơn trước. Do đó bộ máy giúp việc thái thú cũng được bổ sung: dưới thái thú và quận thừa có đặt các chức duyện sử chuyên trách từng phần việc dân, chính, quân sự... như nơi nào có muối thì thêm chức diêm quan, nơi nào có nghề rèn sắt thì thêm chức thiết quan v.v...

Còn ở cấp huyện thì vẫn là huyện lệnh, huyện trưởng - vốn là lạc tướng - cai quản nhưng hẳn là bị thắt buộc hơn trước và quyền lực (cả quyền lợi nữa) cũng có bị thu hẹp, giảm sút.

Nói chung ở Giao Chỉ và các quận khác, tới thời Đông Hán ách trực trị ngày một rõ hơn. Bộ máy cai trị được bổ sung và tổ chức lại chặt chẽ hơn. Để đủ cung cấp lương thực và phát lương cho các quan lại, binh lính, chính quyền đô hộ phải tăng cường bóc lột. Việc đánh thuế đã là hiển nhiên và tất phải đều đặn, ráo riết (*1). Cuộc sống nhân dân bị gò bó, khốn đốn hơn, lao dịch nặng nề hơn, việc sách nhiễu tăng lên, ruộng đất của các bộ lạc, các cộng đồng bị bao chiếm nhiều nên số người dân Âu Lạc trở thành nông nô, nô tì cho bọn quan lại quí tộc Trung Quốc cũng đông lên. Đời sống của họ càng cơ cực vì ách bóc lột trực tiếp của bọn địa chủ ngoại tộc mới này rất nặng nề và tàn bạo.

Trong khoảng thời gian ấy, ở Giao Chỉ, Tích Quang sang làm thái thú (từ những năm đầu Công nguyên). Còn ở Cửu Chân thì Nhâm Diên giữ chức thái thú từ năm 25. Các pho sử Trung Quốc đều ca ngợi hai viên này. Như Hậu Hán thư (q.86) chép: “Đời Quang Vũ, Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cửu Chân, dạy cho dân biết cày cấy, chế tạo mũ giày, bắt đầu đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân. Dựng học hiệu, dạy dân lễ nghĩa”. Hoặc: “Đời Bình Đế (1-5 s.c.n.), Tích Quang sang làm thái thú Giao Chỉ, dạy dân Di (chỉ dân Âu Lạc lúc bấy giờ - N.V.P) dần hóa theo lễ” (q.760). Và: “Diên khiến đúc chế điền khí, dạy dân khai khẩn ruộng đất” (q.76).

Đó chỉ là những dòng phóng đại vừa để đề cao bọn quan lại đô hộ và tô điểm cho chính sách cai trị của nhà Hán, lại vừa để xuyên tạc hạ thấp trình độ văn minh của nhân dân ta ngày ấy. Vì không phải đợi đến hai viên thái thú dạy bảo thì người Âu Lạc mới biết cày cấy. Giao Châu ngoại vực ký chẳng đã từng ghi “Giao Chỉ khi chưa có quận huyện (tức trước khi thuộc Hán) đã có ruộng Lạc” đó sao! Còn việc đúc điền khí thì khảo cổ học đã cho biết rằng trước Công nguyên hàng bốn, năm thế kỷ người dân nước Văn Lang đã có những nông cụ bằng đồng và cả bằng sắt nữa, như lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi hái... Có điều là cách canh tác cấy trồng của người Việt khác với canh tác của người Hán. Bọn Tích Quang, Nhâm Diên muốn xóa bỏ tập quán này của người Âu Việt, Lạc Việt thay thế bằng kiểu cách Hán hòng thủ tiêu đặc tính dân tộc của người Việt.

Còn việc gọi là “chế tạo mũ, giày, bắt đầu mối lái, biết hôn nhân, dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa” thì thực chất là sự truyền bá Nho giáo vào xã hội Âu Lạc, làm cơ sở cho ý thức hệ phong kiến. Đó chính là thực hiện chủ trương đồng hóa, cưỡng bức dân ta theo phong tức lễ nghi phong kiến Hán tộc, từ việc ăn mặc đến việc cưới xin. Ngoài mục đích đó, việc mở trường học còn nhằm đào tạo thuộc viên và nô dịch hóa lớp thanh niên đương thời. Riêng việc “đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân” thực ra thì là áp đặt những lễ nghi phong kiến phiền toái. Vì như đã nêu ở trên (mục II) vào thời kỳ này thì chế độ phụ hệ đã được xác lập. Gia đình một vợ một chồng đã thay thế chế độ quần hôn, theo đó việc cưới xin tất đã có rồi, có điều là theo phong tục người Việt và dĩ nhiên là xa lạ với người Hán (*2).

Tóm lại, những chính sách của Tích Quang, Nhâm Diên chỉ là “nhằm củng cố và mở rộng thế lực thống trị của phong kiến, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất phong kiến thực dân, phát triển những hình thái ý thức phong kiến” (*3) đặng tăng cường bóc lột và đẩy mạnh đồng hóa, cưỡng bức nhân dân Âu Lạc theo văn hóa phong kiến Trung Quốc.

Sự tình này làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân Âu Lạc và chính quyền đô hộ thêm gay gắt. Nhất là ở Giao Chỉ, do trình độ sinh hoạt, trình độ sản xuất cao hơn Cửu Chân, Nhật Nam (Cửu Chân phải mua lúa của Giao Chỉ) nên chính sách bóc lột và đồng hóa của chính quyền đô hộ bị phản ứng mạnh hơn. Tới năm Kiến Vũ thứ 10 (năm 34), sau khi Tô Định sang làm thái thú Giao Chỉ thì cộng với sự tham lam tàn bạo của hắn, ách thống trị của nhà Đông Hán đối với dân Giao Chỉ là không thể chịu đựng được nữa.

Điều đáng chú ý là lúc này nhà Hán đang ở thế hưng thịnh. Hán Quang Vũ kiêu hãnh với hàng loạt chiến công trong và ngoài nước: dẹp Vương Mãng, chiếm Tây Vực, Triều Tiên, thông thương với Ấn Độ, tiếp xúc với La Mã... Tên vua “hiếu đại hí công” này không muốn để Âu Lạc tồn tại một cách lỏng lẻo - như một thế kỷ qua - trong đế quốc Đại Hán mà muốn đồng hóa nhanh chóng triệt để bằng mọi cách, kể cả vũ lực. Tô Định chính là kẻ thực hiện chính sách đó. Bên cạnh việc ra sức bóc lột dân chúng, hắn ta tiến hành diệt trừ những người có uy tín và khả năng tập hợp dân chúng chống quân Hán, tức là các lạc tướng - huyện lệnh. Việc giết hại Thi Sách là một dẫn chứng. Cho nên lúc này là thời điểm đụng đầu lịch sử quyết liệt. Người Âu Lạc có cam chịu để người Hán đồng hóa không? Phải trả lời dứt khoát! Và người Âu Lạc đã trả lời bằng hàng động: mọi người, bắt đầu từ quận Giao Chỉ, đã nổi dậy chống lại cường quyền, cuốn theo các quận láng giềng lên đường tranh đấu để rồi qui tụ lại thành Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lở đất long trời làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống cai trị mà nhà Hán đã thiết lập ở bộ Giao Chỉ trên một thế kỷ qua.
_____________________________________
1. Sẽ trở lại vấn đề này ở Chương ba.
2. Theo Lĩnh Nam chích quái thì đời Hùng Vương đã có hôn nhân và “việc hôn nhân lấy gói muối (hoặc gói đất) làm đầu”. Đó là một tục lệ trong nghi thức của hôn nhân thời ấy. (Xem thêm bài “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” của tác giả Nhâm Tuyết trong Hùng Vương dựng nước - Tập III - 1973).
3. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam - Tập 1 - Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn - tr.39.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  _
PostSubject: Re: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận    Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  I_icon_minitime02.02.11 17:14

Chương Hai
HAI BÀ TRƯNG


DÒNG DÕI

Các sử sách (của ta và của Trung Quốc) đều chép Hai Bà Trưng là con gái lạc tướng Mê Linh. Toàn thư có ghi chú thêm Hai Bà là dòng dõi Hùng Vương. Nhưng tên họ của vị lạc tướng đó thì không có sách nào đưa ra cả. Chỉ trong các thần tích của những làng có lệ thờ Hai Bà và thân thích thì có ghi, nhưng sự ghi chép đó không thống nhất: ngọc phả làng Hát Môn (nay thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây) ghi là Hùng lạc tướng; ngọc phả làng Nại Tử Xã (nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) ghi là Trưng Nghĩa Dũng; ngọc phả làng Hạ Lôi (nay thuộc huyện Mê Linh) ghi là Hùng lạc tướng quân; ngọc phả làng Nam An (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) lại chép: “Nguyên là Hùng Định sau đổi là Trưng Định”.

Chỉ là họ tên được ghi trong các thần tích mà lại không thống nhất và nhất là không có một dấu tích vật chất làm hậu thuẫn nên những tính danh trên chỉ có thể coi là những thông tin huyền thoại. Có lẽ cũng do quan niệm vấn đề như thế mà các sử thần nhà Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, khi soạn bộ Cương mục, dù họ tất là đã đọc các thần tích ngọc phả đó nhưng vẫn thận trọng không đưa vào pho sử ấy.

Cho nên trong điều kiện tư liệu hiện nay, chỉ có thể phát biểu rằng cha của Hai Bà Trưng thuộc dòng dõi các vua Hùng, đời đời thế tập cai quản bộ lạc Mê Linh (từ thời thuộc Hán gọi là huyện Mê Linh) vốn thuộc đất bản bộ của tổ tiên. (Vì Việt sử lược có chép rằng Hùng Vương là người bộ Gia Ninh, vậy mà Gia Ninh thì chính là tên gọi của một huyện sau này tách từ huyện Mê Linh ra).

Về bà mẹ của Hai Bà thì chỉ có thần tích, ngọc phả ghi chép họ tên nhưng cũng thiếu sự nhất trí. Ngọc phả làng Hạ Lôi ở huyện Mê Linh, ghi tên bà là Trần Thị Đoan nhưng không nói là bà quê quán ở đâu. Ngọc phả làng Nại Tử Xã cũng ở huyện Mê Linh lại chép tên họ bà là Hoàng Thị Đào và cũng không có dòng nào nói về quê quán của bà. Trong khi đó, ngọc phả làng Nam An nay thuộc huyện Ba Vì lại khẳng định tên bà là Man Thiện và nhận làng này là quê hương bản quán của bà.

Với tình trạng thiếu thốn tư liệu như hiện nay thì không thể kết luận bản nào chép đúng, bản nào chép sai. Tuy vậy có điều khá rõ là ở Hạ Lôi và Nại Tử Xã (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) thì không có đền thờ bà và cũng không có một dấu tích hoặc một truyền thuyết nào kể về bà. Ngược lại ở Nam An (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) thì có cả một hệ thống truyền thuyết và còn lưu giữ nhiều dấu tích:

Nhân dân Nam An còn kể lại nhiều chuyện về bà Man Thiện, đại lược là bà vốn con nhà tướng, sớm góa bụa nhưng nuôi dạy hai cô con gái rất chu đáo. Sau này khi hai con dấy binh, bà đã đi vận động các lạc tướng lân cận hưởng ứng. Tới khi Mã Viện xâm lược, bà tổ chức kháng chiến ở cửa sông Hát và đã hy sinh trong một trận chiến trên sông. Thi hài bà được các gia tướng vớt lên an táng ở quê nhà, chỗ nay gọi là gò Mả Dạ, cách đường quốc lộ 11A (nay gọi là đường 32) một đoạn ngắn về phía đê sông Hồng. Sau đó dân làng còn lập một ngôi miếu ở cạnh gò để thờ bà, gọi tên là Miếu Mèn. Theo dân làng giải thích thì Mèn là một chữ cổ có nghĩa là mẹ và Dạ cũng là một chữ cổ chỉ người đàn bà đáng kính (*0). Lời giải thích đó rất có cơ sở. Vì theo những công bố mới nhất về nhân chủng học và ngôn ngữ học lịch sử thì vào đầu Công nguyên tức thời kỳ Hai Bà Trưng, người Lạc Việt chưa chia ra hai nhánh Kinh và Mường như ngày nay. Người Lạc Việt ngày ấy nói một thứ tiếng gọi là ngôn ngữ Việt - Mường. Cho nên tiếng Kinh và tiếng Mường rất giống nhau trên đại thể ngữ pháp và từ vựng cơ bản. Trở lại vấn đề Mả Dạ và Miếu Mèn thì ở tiếng Mường chữ Dạ đúng là chỉ người đàn bà đáng trọng nể và tuy không có chữ Mèn với nghĩa là mẹ nhưng có chữ Máng với nghĩa ấy. Biết đâu chữ Man trong Man Thiện và chữ Mèn trong Miếu Mèn lại chẳng là chữ Máng đọc chệch đi.

Dầu sao, Nam An là nơi duy nhất có mộ và miếu thờ bà mẹ của Hai Bà Trưng, lại có cả sự tích được lưu truyền từ bao đời. Nơi đây nhận là quê của bà mẹ đáng kính ấy không phải là vô căn cứ. Vậy Nam An có nhiều khả năng là quê hương của bà và theo đó tên bà phải là Man Thiện.


NĂM SINH

Trưng Trắc và Trưng Nhị là chị em ruột. Chính sử không ghi năm sinh cũng như tuổi tác của cả hai bà. Ngọc phả làng Hạ Lôi (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng như ngọc phả làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây) chép hai bà là chị em sinh đôi, ngày sinh là mùng 1 tháng tám năm Giáp Tuất tức năm 14. Niên đại này có thể chấp nhận được, vì khi khởi nghĩa (năm 40) Hai Bà Trưng đều 26 tuổi.

Thiên nam ngữ lục (*1) kể rằng bà Trưng Trắc khi tuổi vừa “đôi tám” thì làm bạn với Thi Sách. Vài năm sau, bà cùng chồng mưu việc lớn. Như vậy, khi khởi nghĩa bà cũng là đang ở trong lứa tuổi thanh niên.

Riêng ngọc phả làng Nam An thì lại ghi bà chị hơn bà em năm tuổi. Như vậy bà Trưng Nhị sinh vào năm 19(?).

Thần tích phả làng Nại Tử Xã (nay thuộc xã Chu Phan, huyện Mê Linh) thì lại không hề nhắc gì tới Trưng Nhị và ghi ngày sinh của bà Trưng Trắc là ngày 10 tháng tư (*2).

Như vậy là giữa các thần tích không có sự nhất trí về ngày tháng năm sinh của Hai Bà Trưng và những con số ngày tháng đó rõ ràng là không có gì đảm bảo tính chính xác cả. Nhưng trong thực tế, ở bốn làng trên, chỉ có Hạ Lôi và Hát Môn mới có đền thờ Hai Bà Trưng và việc cúng lễ đều lấy ngày mùng 1 tháng tám làm ngày đản (tức ngày sinh), cho nên ngày tháng này được nhiều người biết và có xu hướng công nhận như một ước lệ.


HỌ TÊN

Về họ tên của Hai Bà cũng có vấn đề phải trao đổi. Việt điện u linh chép Hai Bà “nguyên họ Lạc” (*3).

Lĩnh Nam chích quái chép “vốn dòng họ Hùng” (*4).

Toàn thư chép “nguyên họ Lạc”, sau khi lấy được 65 thành Lĩnh Nam “tự lập làm vua mới xưng là họ Trưng” (*5).

Cương mục chép “vốn họ Lạc, lại có họ riêng (biệt tính) là Trưng” (*6).

Về hai tộc danh “Lạc” và “Hùng”, nếu như ở đây không phải là sự lẫn lộn mặt chữ tương tự sự lẫn lộn giữa Hùng Vương và Lạc Vương mà một thời các nhà sử học đã tranh luận thì có thể đoán định nguồn gốc như sau:

1. Sở dĩ có tộc danh Lạc là do Hai Bà là con của Lạc tướng. Đó là lấy chức danh làm tộc danh.

2. Còn tộc danh Hùng thì có thể do chỗ Hai Bà Trưng là dòng dõi Hùng Vương.

Tất nhiên dù là chữ nào thì cũng đều là phiên âm những từ Việt cổ mà ngữ nguyên và ngữ nghĩa đã bị thời gian hai ngàn năm xóa mờ đi trong vốn hiểu biết của người ngày nay. Ví dụ chữ Hùng có thể là phiên âm một từ Việt cổ tương ứng tới từ cun trong tiếng Mường hoặc từ khun trong tiếng Thái, cả hai từ đều có nghĩa là người đứng đầu một lãnh địa.

Về tộc danh “Trưng” cũng có vấn đề cần xem xét. Ngay từ năm 1937, Cl. Mađrôn trong luận văn “Xứ Bắc kỳ cổ “ (Le Tonkin ancien) in ở B E F E O, tập XXXVII có ý cho rằng chữ Trưng không phải là chỉ họ. Ông vốn chủ trương vào đầu Công nguyên, người Việt chưa có họ.

Thực ra trong câu văn của Toàn thư (dẫn ở trên) có một chi tiết đáng quan tâm: sau khi làm vua, bà Trưng Trắc “mới xưng là họ Trưng”. Như vậy rất có thể Trưng là một từ Việt cổ tương đương với “ngôi vua” hoặc “thủ lĩnh” gì đó.

Ông Phạm Huy Thông cho rằng chữ Trưng có thể liên quan với chữ kurung là một tiếng Môn-Khơme, chỉ vua nước Phù Nam, một nước thời cổ mà khu vực trung tâm là nước Căm-pu-chia ngày nay (*7).

Chúng tôi thì thấy trong tiếng Khơme hiện nay vẫn còn có chữ tô ruông với nghĩa là vua. Không biết giữa chữ đó với chữ Trưng có mối liên hệ gì không? (Một thực tế là trong tiếng Việt của người Kinh có nhiều từ gốc ở tiếng Môn-Khơme).

*
* *

Còn về tên của Hai Bà thì mọi sử sách của ta và của Trung Quốc cổ cũng như các thần tích ngọc phả đều chép là Trắc (側) và Nhị (弐). Trong chữ Hán Việt, Trắc có nhiều nghĩa: bên cạnh, nghiêng, thấp, riêng. Nhị cũng có nhiều nghĩa: thứ hai, chức phó, nghi ngờ, sai lầm. Có thể do hiểu chữ Trắc theo nghĩa bên cạnh nên ngọc phả làng Nại Tử Xã (đã nói tới ở trên) có kể rằng: “Bà mẹ nằm mơ thấy một ông lão dẫn một cô gái đứng bên cạnh giường (lập ư sàng trướng chi trắc) nên sau khi sinh bà đặt tên cho con là Trắc”. Đó chỉ là một cách giải thích theo từ nguyên học thông tục vốn rất quen thuộc đối với các nhà Nho xưa (ví dụ Giao Chỉ là ngón chân giao nhau, Văn Lang là chàng vẽ mình, xăm mình...)

Riêng thần tích làng Lâu Thượng (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) lại kể khác. Năm 1942, trên tạp chí Tri Tân số 42, ông Hoa Bằng có giới thiệu thần tích này, chủ yếu là khẳng định tên của Hai Bà là ChắcNhì. Theo văn bản đó thì mẹ của Hai Bà có nghề chăn tằm, nghề này gọi cái kén dày là kén chắc, kén mỏng là kén nhì. Khi sinh Hai Bà Trưng, mẹ lấy luôn hai tiếng đó mà đặt làm tên con.

Ông Trần Quốc Vượng cũng có đề ra một thuyết mới: “Tên Trưng Trắc thời cổ phải phát âm là Mling Mlak (hay Bling Blak)... với tên đất, tên bộ lạc (...) được lấy làm tên họ”. Hùng Vương dựng nước - tập 1 - Bài “Từ truyền thuyết ngôn ngữ đến lịch sử” - NXB Khoa học xã hội - 1970. Nhưng Cl. Madrôn khi bàn về chữ Mê Linh có cho rằng đó là phiên âm một từ bản địa không có từ tương đồng trong tiếng Hán, từ đó có thể là Mlinh hay Mring (B E F E O - Tập XXXVII). Vậy Mling là Mê Linh hay là Trưng cũng còn phải thảo luận.

Dù sao thì cách gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị đã quá quen thuộc trong dân gian cũng như trên các sử sách xưa và nay. Cách gọi đó đã trở thành chính thống.
______________________________________
0. Hà Kỉnh – Bà Man Thiện - Danh nhân quê hương - Tập II - Ty Văn hóa Hà Tây - 1974.
1. Đây là một cuốn diễn ca lịch sử, khuyết danh, ra đời khoảng thế kỷ XVIII, nội dung phần lớn là dựa vào truyền thuyết dân gian. Đã có bản phiên âm ra chữ quốc ngữ của Nguyễn Lương Ngọc - Đinh Gia Khánh. NXB Văn hóa.
2. Trong sách này, những tháng viết cả chữ - chứ không bằng số - đều là tháng âm lịch.
3. Bản dịch của Trịnh Đình Rư - tr.22 - NXB Văn hóa.
4. Bản dịch của Đinh Gia Khánh - Nguyễn Ngọc San - tr.62 - NXB Văn hóa.
5. Bản dịch đã dẫn - tr.91.
6. Bản dịch của Viện Sử học - tr.82 - NXB Văn sử địa.
7. “Văn hiến 4000 năm” - Báo Đại đoàn kết số 4-4-1977.


Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Sponsored content




Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  _
PostSubject: Re: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận    Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  I_icon_minitime

Back to top Go down
 

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam :: Bắc thuộc★北属期-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Create a forum on Forumotion | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com