♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Đô thị cổ Hội An

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Đô thị cổ Hội An _
PostSubject: Đô thị cổ Hội An   Đô thị cổ Hội An I_icon_minitime06.09.11 22:20

TÌM LẠI ÐÔ THỊ CỔ HỘI AN

Đô thị cổ Hội An HoiAn06

Địa danh:

Trong chương trình phát triển Đàng Trong của những chúa Nguyễn kể từ năm 1555 trở về sau thì Hội An là một trong những cửa ngõ quan trọng. Hội An trước đây thường được những tác giả ngọai quốc nghiên cứu địa lý miền Trung như Aurousseau, H. Parmentier, Gosselin, Christoforo Borri, Alexandre de Rhodes thường gọi là Faifo hay Faifoo, nay là một thị xã nằm trong khu vực tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, cách thành phố Đà Nẵng chừng 30 cây số về phía đông nam.

Theo những tài liệu các nhà khảo cổ học (Ngô văn Doanh, Văn Tân) thì trước khi người Việt đến cư trú tại vùng Hội An, thì đã có Cù Lao Chàm và cửa Đại Chiêm. Thư tịch cổ gọi đó là "Đại Chiêm Môn" hay"Đại Chiêm Hải Khẩu", mà người Việt thường gọi tên tắt là Cửa Đại. Trong di tích Chăm - Pa (Chiêm Thành), thì vùng đất nầy làcửa ngõ của miền Amatavati của vương quốc Chăm - Pa, không xa với đất "Thánh" Chiêm thành là Mỹ Sơn và các kinh đô Sinhapura (Trà Kiệu), Indrapura (Đồng Dương). Nhiều dấu tích Chăm - Pa còn lưu lại trên vùng đất nầy là những ngôi miếu còn sót lại qua bao nhiêu hưng phế như miếu Bà Mồi, miếu Bà Dàng và nhiều pho tượng hiện đang được trưng bày trong Viện Bảo tàng Parmentier (Viện bảo tàng Nghệ Thuật Điêu Khắc Chàm ở thành phố Đà Nẵng).

Địa danh Hổ Bi: Lịch Triều Hiến Chương có ghi lại: "Năm Hồng Đức thứ hai (tức năm 1471), sau chiến công hiễn hách của vua Lê Thánh Tông, dải đất từ cửa Hàn cho đến đèo Cù Mông đã trở thành "trấn Quảng Nam". Người Việt (người Kinh) có mặt ở vùng đất nầy (Hội An) từ đó. Đây là di tích cổ tích xưa nhất, để chỉ vùng nầy là xứ Hổ Bi (cuốn thứ 3 trang 112).

Địa danh Hải Phố: Nhiều tác giả Tây Phương, nhất là những giáo sĩ sang Việt Nam truyền giáo cũng từng nói đến. Trong cuốn "Những cuộc hành trình và truyền giáo tại Trung Quốc và những vương quốc khác ở phương Đông" của Alexandre De Rhodes (năm 1653) có ghi trên bản đồ Đại Việt thì đó là vùng Hội An, được gọi là Hải Phố. Lại có ý kiến cho rằng Fayfo hay Faifo được phiên âm từ địa danh Hải Phố nầy mà người Tây Phương đã đọc chệch ra.


Đô thị cổ Hội An HoiAn04

Phần lịch sử

Qua những tài liệu nghiên cứu về kinh tế và thương mải Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước, thì Hội An đã trở thành một đô thị thương cảng sầm uất và thịnh vượng ở vùng Đàng Trong bắt đầu từ thế kỷ thứ XVII, tức là dưới thời của các chúa: Nguyễn Phúc Nguyên (Chuá Sãi) Nguyễn Phúc Lan (Chúa Thượng) Nguyễn Phúc Tần (Chúa Hiền).

Những chứng tích còn lại cho thấy: Trong thời gian đó, Hội An không chỉ là một thương cảng quan trọng của Việt Nam (vùng Đàng Trong) mà còn là một "trung tâm buôn bán lớn trong vùng Đông Nam Á"; đồng thời cũng là một trạm dừng chân tiện lợi trong hành trình thương mải của những thương thuyền trong vùng Đông Nam Á.

Trong thời gian nầy, sức phát triển thương mải của những nước Tây Phương sang Đông Phương ngày càng mạnh mẽ; chính họ phát hiện được vùng đất nầy là thị trường tiêu thụ rộng lớn, đồng thời cũng là nguồn cung cấp những nguyên vật liệu đủ loại, đủ cỡ mà Tây Phương đang cần đến.

Thoạt đầu thì những thương thuyền Tây Phương liên tiếp đến cả vùng đất Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, tạo nên những cảnh sầm uất "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Xuất phát từ những nguyên nhân chính trị sâu xa, cho nên trong cuộc giao thương, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong tương đối cởi mở hơn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Theo tài liệu của Christoforo Borri trong "Relation de la Nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine" thì: Chúa Nguyễn đã chuẩn bị rất chu đáo về các bến bãi và những nơi đậu tàu dọc theo bờ biển; trong khoảng đến 100 dặm, người ta có thể đếm được trên 60 hải cảng, nơi cặp bến lên bộ. Trong đó, vùng Hội An là hải cảng đẹp nhất được tất cả các ngoài kiều đến. (trang 92, in năm 1631).

Vị trí Thật ra chúa Nguyễn đã có những nhận định kỹ càng về vùng Hội An. Nhìn tổng quát, đô thị Hội An vốn được thiên nhiên ưu đãi, để có thể trở thành một thương cảng lớn trong vùng duyên hải từ thành Hoá Châu cho đến đèo Cù Mông. Nằm trên bờ sông Thu Bồn, Hội An là một hải cảng trên mặt sông rất tiện lợi cho tàu bè cặp bến trong bất cứ thời tiết nào đi chăng nữa.

Từ Hội An, có thể ngược dòng sông Thu Bồn, theo sông Vu Gia, lên miền thượng du, theo sông Trường Giang vào đến Tam Kỳ. Tàu bè nước ngoài đã theo những dòng sông nầy để thu mua nguyên vật liệu. Điều đáng nói hơn là Hội An chỉ cách biển Đại Chiêm chừng 5 cây số, cho nên cũng là hải cảng biển nữa.

Nhìn tổng quát địa thế trong toàn vùng, về phương diện địa lý cảnh quan, Hội An nằm ở điểm mũi nhô ra biển nhiều nhất trên bờ biển hình vòng cung của nước ta, nên được đón nhiều loại thương thuyền dừng chân để mua hàng, bán hàng và tránh bão táp vùng nhiệt đới. Ngoài ra, Hội An trong thời gian trước đó chỉ cách dinh trấn Quảng Nam, thủ phủ thứ hai ở vùng Đàng Trong của những chúa Nguyễn chỉ vào khoảng 8 cây số.

Với những lý do kể trên cho nên "Hội An là một vị trí quan trọng trong việc lưu thông trao đổi hàng hoá buôn bán tốt, là cửa ngõ của đất Quảng Nam nói riêng, và vùng Đàng Trong nói chung" (Lê văn Lan- Đô Thị Cổ VN - trang 212).

Trong Phủ Biên Tạp Lục (1776) nhà học giả Lê Quý Đôn, dẫn lời của một thương nhân Trung Hoa, đã viết như sau: "Thuyền từ Sơn Nam chỉ mua được một thứ củ nâu; từ Thuận Hoá về cũng chỉ mua được một thứ hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (Hội An) về, thì hàng hóa không thứ gì là không có. Phàm hoá vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang; đường bộ, đường thủy, đi ngựa đến hội tập tại phố Hội An. Trước đây, hàng hoá nhiều lắm, dù một trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không thể hết được (...) (NXB Khoa Học – HN – 1964 - trang 256).


Thương nghiệp ban đầu

Cùng với những thương thuyền Trung Hoa, lại còn có Nhật Bản, Xiêm La, Phi Luật Tân, Bồ Đào Nha, Hoà Lan, Anh, Pháp cùng đua nhau đến buôn bán tại phố Hội An. Nhìn chung lại thì những thương thuyền Trung Hoa và Nhật Bản đến sớm nhất.

Đến nay, chúng ta vẫn dễ dàng tìm được dấu vết, như: Cầu Nhật Bản hay Lại Viên Kiều (nằm tại góc đường Nguyễn Thi Minh Khai và Nhị Trưng); căn lầu Diệp Đồng Nguyên (góc đường Nguyễn Thái Học và Lê Lợi); hội quán Quảng Đông (176 đường Trần Phú) hội quán Phù Nam (35 đường Trần Phú) hội quán Hải Nam (góc đường Trần Phú và Hoàng Diệu) đền Thờ Quan Công (24 đường Trần Phú)...

Theo tài liệu của Christoforo Borri (1631) (Sách đã dẫn) thì: (...) "Người Trung Quốc và người Nhật Bản là thương khách chủ yếu trong hội chợ, năm nào cũng mở và kéo dài gần 4 tháng trời tại phố Hội An" (trang 333). Thậm chí trong nhiều trường hợp, những khách thương nầy còn tự nguyện ở lại đất Hội An để mua sắm hàng hoá cho thuyền mình sang năm mới tới mới chở về.

Trong những trường hợp như vậy, chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng chấp nhận cho phép họ được cư trú từ năm nầy sang năm kia. Cũng trong tài liệu của Ch. Borri còn viết: "Vì muốn tiện cho việc hội chợ, vua "Cochinchine" (ám chỉ chúa Nguyễn) đã cho phép người Nhật Bản và Trung Hoa lựa chọn một nơi thích hợp để xây dựng một thành phố. Thành phố nầy được gọi tên là FaiFo. Nó lớn đến mức có thể nói rằng có đến 2 thành phố: một của người Nhật và một của người Tàu (...)" (Theo sách Relation de la nouvelle... trang 333).

Trong khi đó, một thương gia nổi tiếng người Anh tên là Thomas Boyear (18/8/1695) khi đến Hội An đã cho biết thêm những chi tiết như sau: "(...) Phố Hội An cách bờ biển chừng ba dặm Anh, một đường phố dọc theo bờ sông, hai bên đều có nhiều nhà cửa san sát..." Trong "Hải Ngoại Ký Sự" thiền sư Thích Đại Sán (Thạch Liêm) cũng trong thời gian sang Việt Nam (1695) cũng đã đến Hội An và viết kể lại như sau: "(...) Hội An là nơi bến tàu tập hợp hàng hoá ngoại quốc. Một con đường lớn thẳng dọc bờ sông, dài chừng 3 - 4 dặm; hai bên phố xá khít rịt liền nhau. Đường Nhơn Nhai chỉ gồm người Tàu; cuối đường là Nhật Bản Kiều và Cẩm Phố. Bên kia là sông Trà Nhèn, nơi đình bạc của các thương thuyền ngoại quốc. Nhân dân trù mật, cá, tôm, rau, quả... tấp nập tối ngày..." (Bản dịch của Viện Đại Học Huế).

Những cư dân nổi tiếng tại Hội An ngoài việc thương mải như đã trình bày trên, lại còn thêm một nghề nổi tiếng khác nữa: nghề cho thuê nhà để làm cửa những đại lý buôn bán của ngoại kiều. Theo Pierre Poivre trong "Mémoire touchant la Cochinchine" (1744) AMR- Vol 743- (trang 314) cũng đã viết về Hội An như sau: "(...) Ở Hội An, người ta có thể tìm thấy những đại lý cho thuê, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Đại lý lớn nhất giá thông thường là 100 đồng cho thời gian gió mùa..."


Đô thị cổ Hội An HoiAn02

Đi tìm những niên đại của Hội An

Những tư liệu trên cho thấy rõ là vào thế kỷ XVII, tại Hội An đã hình thành phố Quảng Đông (tức Rue Cantonnais sau nầy). Những thương gia Trung Hoa đến đây buôn bán đã có từ trước thời điểm nầy, hết lớp nọ đến lớp kia. Như vậy, sự ra đời của phố Quảng Đông đã gắn liền với câu chuyện Dương Ngạn Địch cùng hơn 3,000 quân binh và 500 chiến thuyền đến cửa Tư Dung và Đà Nẵng xin tị nạn vào năm 1679.

Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có đủ thêm những chứng liệu để nói đến những người Quảng Đông mà thiền sư Thích Đại Sán (trong Hải Ngoại Ký Sự) nói đến là những quân lính theo Dương Ngạn Định vào Hội An; vì những tư liệu hầu hết đều ghi rằng: Dương Ngạn Địch và những thuộc hạ của mình khi trốn vào ẩn náu tại Đàng Trong đã được chúa Nguyễn cho phép họ vào Nam; họ đã dựng lên một nơi mà sử sách thường gọi là Đông Phố.

Người Hoa đến Hội An: Những việc những cư dân gốc Quảng Đông ở Hội An không chịu theo nhà Mãn Thanh, vẫn duy trì cách ăn mặc, phong cách của nhà Minh, cũng đã chứng tỏ: Đây là những con buôn không muốn làm tôi cho nhà Mãn Thanh, ở lại đất Hội An và kết hôn với những phụ nữ Việt.

Theo sự phân chia từng khu vực khác nhau tại Hội An như đã hình thành tại đây, thì ta thấy đầu tiên là hình thành "con đường Nhật Bản" (tức là con đường Bạch Đằng và đường Phan Bội Châu ngày nay); sau đó là "con đường Quảng Đông" (tức là đường Trần Phú ngày nay, chạy song song với con đường Nhật Bản); rồi mới đến con đường "Bến thuyền" (Quai), tức là đường Nguyễn Thái Học ngày nay.Nếu tính từ bắc chí nam, thì thành phố Hội An đã phát triển sát dần với bờ sông tiện lợi cho việc tàu bè cặp bến. Tình hình nầy khiến cho chúng ta liên tưởng đến sự xây dựng Phố Hiến và Hải Phòng.

Mặt khác, chúng ta thấy khu vực phía đông con đường Lê Lợi, đường Nguyễn Trường Tộ và đường Nhị Trưng phát triển muộn hơn; chùa của Bang Hải Nam nằm về phía đông của con đường Nguyễn Huệ hiện nay. Những dấu tích xây dựng cho ta thấy rõ thành phố Hội An phát triển từ tây sang đông, tức là đã hướng dần về phía bờ biển.

Theo những tư liệu thư tịch xây dựng thành phố, thì trong phạm vi khu vực Hội An, có những xã Cẩm Phổ, Hội An, Minh Hương. Xã Cẩm Phổ nằm phía tây, khu vực cầu Lai Viễn (Viền) ngày nay. Phố Hội An thời nhà Nguyễn (sau 1802) thì nằm trong xã Minh Hương. Còn xã Hội An được ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống Chí, là đồng nghĩa với phố Hội An, bởi vì trong giai đoạn đó, những chúa Nguyễn ở Đàng Trong thường tổ chức đơn vị hành chánh địa phương theo đơn vị "xã", chứ chưa có ý niệm gì về "đô thị"; cho nên, dù trong một khu vực không sản xuất nông nghiệp chăng đi nữa thì vẫn lập thành "xã".

Tại Hội An, mỗi xã lại được chia ra thành nhiều phường để tiện việc tổ chức hành chánh. Qua những chứng liệu trên cho thấy rõ: Thương cảng Hội An đã được hình thành đồng thời với sự phát triển của nền kinh tế ngoại thương ở Đàng Trong vào khoảng cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII.


Thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong:

Trong suốt thế kỷ thứ XVII, thành phố Hội An đã có đủ cơ hội để phát triển mạnh mẽ; thời kỳ nầy, phố phường đã trở nên sầm uất, nhà cửa xây dựng san sát nhiều nơi, dưới sông ra biển thuyền bè buôn bán tấp nập.

Những điều kiện phát triển phồn thịnh nầy lại còn kéo dài cho đến tiền bán thế kỷ thứ XVIII. Tuy nhiên, trong hậu bán thế kỷ thứ XVIII thì tình hình chính trị và xã hội Đàng Trong đã không được ổn định như trước. Trương Phúc Loan trong khi nắm trọn quyền hành đã trở nên chuyên quyền, tàn bạo. Dân chúng khắp nơi, kể cả Hội An phải sống trong cảnh lầm than, khổ cực, vì những chính sách thuế khoá, sưu dịch vô cùng nặng nề; đó là điều kiện thuận lợi cho anh em Tây Sơn khởi nghĩa và dễ dàng chiếm lấy thành Quy Nhơn vào tháng hai năm 1773.

Đến tháng năm năm đó, quân Tây Sơn cũng đã tiến ra, chiếm lấy Quảng Nam. Lợi dụng tình thế rối ren xẩy ra tại Đàng Trong, chúa Trịnh từ Đàng Ngoài đã đem quân chiếm lấy Phú Xuân, rồi vượt qua đèo Hải Vân, định tiến quân sâu hơn về phía Nam. Tại làng Cẩm Sa, cách Hội An khoảng 10 cây số về phía bắc, đã mở ra những trận giao tranh ác liệt giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn do Tập Đình chỉ huy. Tập Đình thất trận, cho nên chúa Trịnh chiếm được dinh trấn Quảng Nam và Hội An.

Trong thiên tài liệu "Những người Bồ Đào Nha trên bờ biển Chiêm Thành và Việt Nam", Jean Koffler viết về tình hình nầy như sau: "Quân Trịnh đã tàn phá thành phố Faifo, đã làm ngưng trệ mọi hoạt động trong thành phố có thể gọi là một trung tâm lớn của nền ngoại thương (...)". Những tàn phá do chiến tranh đã gây nhiều tổn thất về nhiều mặt. Mặc dù không còn đóng vai trò quan trọng như trước kia nữa, tuy nhiên, Hội An vẫn là một hải cảng trọng yếu ở Đàng Trong của những thương nhân nước ngoài.

Thời kỳ Tây Sơn: Chính quyền nào nắm vùng nầy đều phải nghĩ đến vị trí đó. Chẳng hạn như năm 1797, nhà Tây Sơn trong chương trình phát triển kinh tế, cũng đã đặt ra "Tàu Ty" ở Hội An, để quản lý tàu bè nước ngoài ra vào buôn bán. Với những thương gia nước ngoài thì Hội An vẫn là một thương cảng quan trọng trên đường hàng hải trên biển Đông.

Vì lý do nầy, cho nên trong nội dung của hiệp ước Versailles ngày 28 tháng 11 năm 1787, để đổi lấy việc quân Pháp sang giúp cho chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã hứa sẽ nhường cho Pháp đất Hội An và đảo Côn Lôn trong 99 năm.

Chen Chin Ho trong một tài liệu nghiên cứu về "Phố người Đường ở Hội An và công việc buôn bán ở đó thế kỷ XVII - XVIII" đăng trên Tân Á Học báo (Singapore 1957) có viết: "Thương nghiệp ở Hội An đã dần dần được phục hồi, người Hoa Kiều tại đây trở về vùng Hội An ngày càng nhiều thêm, tuy tình hình buôn bán trong thời gian đó đã không bằng mấy năm trước và cũng bớt phần trọng yếu, tuy nhiên, Hội An vẫn là hải cảng quan trọng trong thế kỷ XIX; người Hoa Kiều qua lại buôn bán trong vùng nầy rất khả quan (...)".

John Barrow, một thương gia người Anh đã từ Đà Nẵng vào Hội An từ ngày 14 tháng 5 năm 1793 cho đến 16 tháng 6 năm 1793 cũng đã viết trong "A voyage to Cochinchina in the years 1792 - 1793) như sau: "(...) Những cuộc chiến tranh dây dưa nhiều năm trên đất nước nầy, tuy nhiên tình hình bất an đó vẫn không làm cho những hoạt động về nông nghiệp và về mậu dịch ở đây bị suy thoái. Mỗi năm, những tàu buôn của người Trung Hoa lại càng đến nhiều thêm.

Cũng có những tàu từ Đông Âu đến, mà lại mang cờ của một nước Trung Lập; chẳng hạn như tàu nước Anh, có vài chiếc từ Ấn Độ sang; một vài chiếc của người Bồ Đào Nha ở Áo Môn cũng đã cặp bến Hội An. Số lượng những chiếc tàu buôn đông đảo nầy đã cho thấy việc duy trì mậu dịch của Cochinchina (hiểu là Đàng Trong) với các nước ngoài...".


Thời kỳ nhà Nguyễn: Cho đến dưới thời nhà Nguyễn, thì thành phố Hội An chẳng những được phục hồi trở lại, mà còn có những điều kiện cơ bản để phát triển rộng thêm về quy mô xây dựng. Chẳng hạn như cuộc thống kê vào năm Gia Long thứ 13 (1815) cho biết: Tổng diện tích của thành phố Hội An là 17 mẫu 7 sào, 10 thước; qua đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) con sông Thu Bồn đã bồi thêm 1 mẫu 3 sào 9 thước, đã mở thêm được con đường mới (Tân Lộ) nay là đường Nguyễn Thái Học và đường Hoàng Văn Thụ.

Cho đến đời vua Tự Đức thứ 17 (1861) bãi sông phía tây nam Hội An lại được bồi thêm 1 mẫu, 1 sào, 1 thước; tám năm sau đó (1872) mở thêm con đường nữa, tức là đường Bạch Đằng bây giờ. Tuy nhiên, cũng vì những thay đổi và biến động nầy, những điều kiện thiên nhiên của thương cảng Hội An trong bước đầu đã không còn được thuận lợi như trước kia nữa.

Những con sông Thu Bồn, sông Chợ Cũ (Sài Giang) đã thay đổi dòng chảy dần dà; những đoạn sông lạch trước kia nước sâu, thì sau nầyđã bồi đắp dần dà, cạn đi, để trở thành những khu đất mới; việc giao thông đường thủy trở nên khó khăn thêm. Vị thế kinh tế thương mải của thành phố Hội An vào đầu thế kỷ thứ XX cũng đã giảm đi nhiều.

Thêm vào đó, sự phát triển và bành trướng của hệ thống giao thông đường bộ Xuyên Việt, con đường Quốc Lộ số 1 (Route Coloniale No 1) con đường giao thông chính đã không chạy ngang qua thành phố Hội An. Trong trường hợp nầy, Hội An như bị biệt lập; thay vào đó thì thành phố Đà Nẵng nổi lên, trở thành một trung tâm thương mải lớn.

Trên đây là những điểm chính về sự phát sinh, phát triển của thành phố Hội An, một đô thị thương mải trong lịch sử. Qua những chứng liệu cho thấy: Hội An được bắt đầu trở thành một thương cảng lớn, một vị trí kinh tế quan trọng của vùng đất Đàng Trong của 9 đời chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ thứ XVII, và sau đó trở nên hưng thịnh suốt ba thế kỷ từ XVII đến XIX.

Hội An đã có được khuôn mặt kinh tế phồn vinh một thời như thế làdo ở vào một vị thế được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong chọn làm địa điểm giao thông với các thương nhân nước ngoài. Và trên cơ sở đó, Hội An đã được phát triển, thành một mô thức đô thị - thương cảng.

Sự ra đời và phát triển của Hội An là hiệu quả tất yếu của sự giao lưu kinh tế giữa các vùng trong nước và gắn liền giữa Đàng Trong với nước ngoài.


Hội An và giai thoại công chúa Ngọc Khoa (Hoa?)

Trong số những quốc gia có liên hệ với chúa Nguyễn trong thế kỷXVI, phải kể đến Nhật Bản. Một trong những thương nhân Nhật nổi tiếng trong việc làm ăn tại Hội An là Araki Sotaro, có liên hệvới chúa Nguyễn Phúc Nguyên và nàng công chúa Ngọc Khoa. Sử liệu chép về những liên hệ nầy như sau:

Đầu thế kỷ thứ XVI, tại Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1533-1635) con thứ sáu của chúa Nguyễn Hoàng là người đầu tiên xưng chúa, đặt cơ sở cho xứ Đàng Trong, mở ra bước phát triển mới cho nước Đại Việt. Nếu không tính đến chuyện mưu đồ cát cứ, chiếm một bờ cõi riêng, thì chúa Nguyễn nầy đã góp công trong việc mở rộng ngoại thương, hình thành tụ điểm dân Việt đầu tiên ngay trên đất Chân Lạp (tiền thân của đất Sài Gòn); điều đáng nói là công việc nầy lại do công lao của hai nữ lưu: công chúa Ngọc Vạn và công chúa Ngọc Khoa.

Người con cả là công chúa Ngọc Liên thì gả cho phó tướng Nguyễn Hữu Vinh (cha là Mạc Cảnh Huống) theo Nguyễn Hoàng vào Nam, đưọc cho dòng họ Nguyễn Hữu. Cô con gái út là Công chúa Ngọc Đỉnh (? - 1684) thì gả cho Nguyễn Kiều (1599-1656). Ông nầy từ Bắc trốn vào Nam vào năm 1623; đến đời vua Minh Mạng thì được đổi họ là Nguyễn Cửu.

Trường hợp công chúa Ngọc Vạn được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là chấp nhận việc hôn nhân với vua Chân Lạp là Chey Chetta (1618 - 1627) lúc đó đang muốn tìm một đối lực để chống lại Xiêm La. Chey Chetta muốn cưới một công nữ chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong ủng hộ của chính quyền Thuận Hóa thời đó. Công chúa Ngọc Vạn "nối gót Huyền Trân" trong hôn nhân nầy, đem theo nhiều người Việt, trong đó, có nhiều người giữ chức quan trọng trong triều Chân Lạp.

Nhưng về trường hợp công chúa Ngọc Khoa, thì những nhà biên soạn đã không đồng nhất.

- Thuyết 1: Công chúa đã kết hôn với vua Chăm - Pa là Po Romé. Chủ đích của chuá Sãi là dùng tình hoà hiếu để mở rộng nền ngoại thương, góp phần phát triển đất Hội An. Nhưng theo nhiều tài liệu của nước Chăm - Pa thì lại nói nhiều đến cuộc hôn nhân giữa Po Romé và công chúa Ngọc Khoa và âm mưu thôn tính Chiêm thành của chúa Nguyễn.

- Thuyết 2: Công chúa kết hôn với một thương khách người Nhật Bản đến buôn bán nhiều năm tại Hội An (1603 - 1619) tên là Araki Sotaro, tên Việt là Nguyễn Thái Lang. Bà đã theo chồng về Nhật năm 1620, gặp lúc Nhật cấm tàu buôn xuất dương, đành ở lại Nagasaki, lấy tên Nhật là Okaku Tome, gọi tên thân mật là Anio.

Họ sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Yasu. Sotaro qua đời vào năm 1636 và công chúa Ngọc Khoa cũng mất vào năm 1645; ngôi mộ của hai người được chôn cất trong khuôn viên chùa Daion - Ji, nơi họ đã bỏ công sức xây cất và trùng tu. Những liên hệ của người Nhật đến buôn bán ở Hội An trong khoảng thời gian từ năm 1559 cho đến năm 1764 được ghi chép trong bộ sử Gaiban Tssusho.

Câu chuyện Sotaro, Hội An cũng được ghi trong sách nầy đánh dấu từ số 11 đến 14, được dịch ra là "Hoà Văn Ngoại Phiên Thông Thư" (Theo Vũ Sơn Thủy - Thời báo Kinh Tế- SG- 1993 trang 12)


Hoạt động kinh tế xã hội tại Hội An trong quá khứ

Để có một quan niệm vững chắc về sinh hoạt của thành phố Hội An một thời vàng son nhất, cần phải tìm hiểu đến những khu phố cũ, vì đây mới chính là bộ mặt đích thực của Hội An trong thời vững chắc nhất.

Khu phố cũ: Nhận diện khu phố nầy chúng ta tìm đến phía nam của thị xã hiện nay; khu vực nầy bao gồm các phố có tên là Rue Japonaise (phố Nhật Bản) nay là con đường Trần Phú; Rue Cantonaise (phố Quảng Đông) nay là đường Nguyễn Thái Học; Rue Khải Định, nay là đường Nguyễn thị Minh Khai. Những đường phố nằm cắt theo chiều dọc thì phải kể đến Place du Marché (khu chợ) nay là đường Trần Quý Cáp; Rue Hội An nay là đường Lê Lợi; phố Nhị Trưng và đường Bạch Đằng nằm dọc theo bờ sông Hội An.

Những khu phố có những tên trước đó đã nói lên Hội An có một thời kỳ phồn thịnh, sầm uất đã tiếp đón nhiều khách thương nước ngoài đến cư trú, mà trong đó đông đảo nhất thì vẫn là người Trung Hoa và người Nhật Bản.

Theo tài liệu của giáo sư Trần Kinh Hoà cho biết: Một thương nhân đầu tiên tên là Trần Tân Tùng đã tìm đến khu nầy đầu tiên vào năm 1577 và đã có những nhận định xác đáng khi trở về lại Trung Quốc để khuyến khích những thương nhân đến tìm thị trường ban đầu tại đây. (Theo tài liệu "Phố Khách và việc buôn bán ở Hội An"- Tân ÁHọc báo - 1957).

Ông đã viết một số bài để giới thiệu Hội An; mà sau đó, hội Thương Thuyền Quảng Đông đã cử người đến tìm hiểu để có thể giao thương về sau nầy. Một trào lưu những thương nhân ồ ạt đến vào cuối thế kỷ XVI sau đó.


Đô thị cổ Hội An HoiAn01

Người Nhật đến Hội An:

Theo một tài liệu Nhật Bản, có nhan đề "Sekai ni Okeru Nihon Jin" thì thời điểm được xem là thịnh vượng của Hội An, mang tính chất quốc tế, sau sự kiện nước Nhật Bản chấp nhận phát hộ chiếu cho cơ quan hàng hải "Gosyuin- Jo" cho các tiểu vương và những đại thương gia Nhật Bản đến các nước trong vùng Đông Nam Á, để trao đổi hàng hoá, mà trong đó có cả hải cảng Hội An. Thời điểm được ghi là tháng chín năm 1592.

Cũng trong năm đó, hai cha con Kakeyo và nhà đại thương gia Araki Sotaro mang những loại hàng xa xỉ phẩm và châu báu, đồ trang sức cũng như những loại hàng quân nhu đến Hội An, để đổi lấy những loại đặc sản địa phương. Những năm sau, nhiều thương gia Nhật cũng tìm đến, cùng thời với những hàng hải thương thuyền người Trung Hoa cũng tranh nhau đến chiếm thị trường. Đất Hội An trước kia chỉ phát triển nền nội thương, thì nay đã có cơ hội để trở thành một địa điểm buôn bán cho nhiều loại thuyền buôn Đông Tây, trong đó có cả Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan trong giai đoạn đầu tiên nầy.

Những trú khu:

Chính quyền Đàng Trong đã thấy được sự mở mang nầy là rất cần thiết. Và để đáp ứng với những nhu cầu của những khách thương cũng như nhu cầu tiêu dùng của triều đình và dân chúng, chúaNguyễn đã cho những Nhật Kiều và Hoa Kiều chọn những vùng nào xem là thích hợp nhất để lập những trú khu: đó chính là phố Nhật Bản (Rue Japonaise) và phố Quảng Đông (Rue Cantonnaise), để có thể lập cư được lâu dài và phát triển thương mải. Nhiều thuyền buôn đã qua lại theo định kỳ và ngày càng đông đúc thêm. Giáo sĩ Ch. Borri vào năm 1618 đến đây và đã viết lại như sau: "Vì đây là vùng rộng rãi, nên có thể nhận được ra hai phố: Phố Khách và phố Nhật Bản. Các khu phố nầy đều có cử những thủ lĩnh riêng, giữ nguyên phong tục, tập quán của mỗi nước để sinh sống. Những chúa Nguyễn không bao giờ nhúng tay vào can thiệp cuộc sống của mỗi khu phố. Đương nhiên, thuế khoá phải được đóng đầy đủ...".


Người Nhật phát triển ở Hội An

Vào năm 1596, trong việc định cư lâu dài và nhu cầu tinh thần và tín ngưỡng, một số người Nhật đã lập chùa chiền. Họ theo Nhật Liên tông. Một thương gia nổi tiếng tên là Sumijo Shichirobei đứng ra tổ chức các Niệm Phật Đường và cung thỉnh các tăng sĩ sang thuyết pháp.

Và cho đến đầu thế kỷ thứ XVII, thì thành phố Hội An đã "tràn ngập" những khách thương người Nhật Bản đến mở tiệm, giao thương và đi tìm những nguyên vật liệu để trao đổi. Những người Nhật đến Hội An trong thời gian đó xem vùng đất nầy như là thương cảng quan trọng nhất của mình cần được đến giao lưu hàng hóa trong vùng Đông Nam Á; họ gọi tên là Hoài Phố và nhiều người nghĩ rằng địa danh Faifo cũng bắt đầu từ đó mà ra.

Tính ra, hàng năm có chừng 3 đến 5 đoàn giáo dân người Nhật đã bị chính quyền Đông Kinh ngược đãi cho nên đã phải lấy cớ là sang buôn bán tại Hội An, nhưng trong mục đích chính là "đi tị nạn". Khi đến cư ngụ tại đây, họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng quan trọng thì vẫn là thương mải; những "đô thị Nhật Bản" dần dà được mọc lên, chạy dọc theo con đường nằm bên một hải cảng có nhiều thuyền bè cặp bến. Một số người Nhật cầm đầu, thường được gọi là "thị trưởng" trong chức năng cai quản những Nhật Kiều, mà những sử liệu cũ còn ghi chép lại như Furamoto Yashishiro (làm nghề buôn bán kiêm chủ tàu vận tải hàng hoá) Simonosera (làm nghề cho vay và tích trữ những nguyên vật liệu).

Cho đến năm 1640, người Nhật còn tập trung thêm một khu vực nữa,gọi tên là khu phố Đà Sơn Linh Trung; trong thời gian nay, thế lực buôn bán và phát triển của người Nhật tại Hội An vẫn còn lớn. Cũng chính trong thời gian nầy, giáo sĩ Alexandre de Rhodes, trong thời gian bị cấm đạo, đã phải trốn trong một vị "thị trưởng" người Nhật trong một thời gian, để nhờ che chở và tìm cách can thiệp với chúa Nguyễn để cho vị giáo sĩ nầy được ban cấp đặc ân. (Theo Việt Nam Giáo sử - Phan Phát Hườn)

Chính quyền Đông Kinh ra lệnh cấm những thuyền buôn Nhật Bản không được xuất bến vào năm 1635, cho nên những kiều dân người Nhật đã sang làm ăn ở Hội An đã phải vĩnh viễn ở lại đây để tránh tù tội khi trở về; họ lấy vợ, lấy chồng người Việt, người Hoa Kiều, người Chàm và con cháu đã nghiễm nhiên trở thành người Việt sau nầy.

Vì những tình trạng trên cho nên, về sau số người Nhật càng ngày càng trở nên thiểu số. Đến năm 1695, khi tác giả Thomas Boyear viết thiên ký sự về đất Hội An thì chỉ ghi nhận có khoảng 4 hay 5 gia đình người Nhật còn sót lại tại đất Hội An mà thôi. Trong Hải Ngoại Ký Sự của thiền sư Thích Đại Sán, (1696) khi viết đến vùng Hội An, thì chỉ ghi chép chiếc cầu Nhật Bản, nhưng không hề nhắc đến một sự kiện nào chung quanh người Nhật còn sót lại tại Hội An.


Người Hoa Kiều phát triển tại Hội An

Những vết tích người Hoa ở đất Hội An còn rất nhiều. Ngày nay, tại Hội An, ở những trục trung tâm của thị xã nầy, như những đường Nguyễn Thái Học, đường Trần Phú (hiểu theo năm 1998), chúng ta thấy san sát những di tích sinh họat xã hội và tôn giáo của người Hoa: đền miếu, quán xá, hội quán, nhà cửa: tất cả đều được xây dựng theo kiểu trúc mô hình Trung Quốc thời trước. Nhiều tác giả Tây Phương (thậm chí cả Việt Nam) khi đến quan sát và tổ chức điền dã trong thị xã nầy cứ tưởng Hội An "do người Hoa thành lập và là chủ nhân của Hội An (!)".

Nhưng chi tiết nầy cũng đủ thấy tình hình và sự phát triển của người Hoa trong đô thị cổ nầy như thế nào. Nếu đem so sánh với những cơ ngơi của người Nhật, thì những cơ sở buôn bán quan trọng của người Hoa tại Hội An chỉ được bắt đầu vào cuối thế kỷ thứ XVII, tức là thời điểm mà người Nhật suy yếu dần tại Hội An. (Theo Chen Chin Ho - Tân Á Học báo)

Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ sự hiện diện của những thuyền buôn người Trung Hoa đến Hội An để trao đổi hàng hoá rất sớm; đó là trường hợp nhân vật có tên là Trần Tân Hưng nói trên vì ông ta đã khám phá vị thế quan trọng của Hội An ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam ở phần đất chúa Nguyễn. Cũng có một số tác giả đưa ra nhiều chứng tích khác cho thấy rõ rằng: trước khi đến lập nghiệp tại hai vùng Hội An và Thanh Hà, thì những người Hoa Kiều đã đến cư ngụ buôn bán tại vùng đất Trà Nhiêu trước; sau đó, khi thương thuyền đến Hội An tấp nập thì mới chuyển đến đây.

Trong Hải Ngoại Ký Sự cũng nhắc đến sự kiện nầy. Những nhà khảo cổ học và dân tộc học trong những chương trình điền dã năm 1996 và 1997 đã khám phá ra được những ngôi mộ cổ của người Hoa, ghi những chứng tích vào cuối thế kỷ thứ XVII và đầu thế kỷ XVIII đã phản bác lại lập luận đã nói trên.

Cũng trong những nghiên cứu trên cho thấy: muộn nhất là vào năm 1626, bước đầu của phố Khách cũng được tạo dựng ở ranh giới của hai làng Thanh Hà và Cẩm Phố. Tại đây, những Hoa thương người Quảng Đông đã lập nên một ngôi tổ đình, gọi tên là "Cẩm Hà Cung" (Cẩm Hà là Cẩm Phố và Thanh Hà).

Hiện nay, (1998) bức hoành phi ở tiền diện của tiệm Lâm Tôn Đường tọa lạc tại số 20 đường Trần Phú, có ghi rõ: Niên hiệu Thiên Khải, năm Tân Dậu, tức là năm 1621. Nghiên cứu thêm tại đây cho thấy: ông tổ của họ Lâm là Lâm Quốc Sách đến thị xã Hội An cho đến nay đã trải qua đến 13 đời; niên hiệu nầy cũng tương đương với thời điểm khu phố Khách được thành lập tại Hội An. Nếu đem so sánh với người Nhật tại Hội An, thì lượng người Hoa đã phát triển gia tăng thêm nhiều; tuy nhiên, khu bến bãi của Thanh Hà thì càng ngày lại càng bị đất cát bồi thêm nhiều, cho nên việc đi lại di chuyển của thuyền buôn đã trở nên khó khăn dần.

Do sự kiện nầy, cho nên khu phố Khách ở Thanh Hà đã suy thoái và giải thể dần, và những thương khách nầy đã phải chuyển lấn sang phía đông. Họ đến phát triển tại 3 vùng đất: Cẩm Phố, Hội An và Cổ Trai, tính ra rộng đến 14,5 mẫu đất (theo Đô Thị Cổ Việt Nam-Viện Sử học- HN - 1989, trang 221).


Đô thị cổ Hội An HoiAn03

Những di chỉ khảo cổ

Qua những chuyến điền dã của chúng tôi (1997) đã cho thấy: mảng đất đầu tiên của khu phố cổ Hội An là nằm trên con đường Trần Phú hiện nay, kéo dài từ cầu Nhật Bản, cho đến miếu Quan Công (chuà Ông), mà trên bức hoành phi cũng như các di chỉ còn bảo lưu được cho thấy rằng: khu phố nầy đã được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ XVII (tức là năm 1651); còn thời điểm xây dựng miếu Quan Công (chùa Ông) và những công trình kiến trúc phụ thuộc bên ngoài, được ghi trên tấm biển thờ ở chính điện Khánh Đức là năm Quý Tị tức là năm 1653 sau đó chừng 2 năm. Trong thời gian sau đó, dần dà, một lưỡi đất hẹp của làng Hội An(danh xưng hồi đó) chạy ra đến bờ sông cũng được bồi đắp thêm dần; qua những thoả thuận của hai bên (ghi trên hương ước của làng) thì những dân làng Hội An trên mảnh đất liên hệ đã thoả thuận trên giấy tờ nhượng lại cho những người Hoa thương; họ lập quán phố, theo quy định trên các giấy tờ văn khế nhà đất còn tìm được của những gia đình nầy, cho đến thời gian đăng bạ lại gần đây nhất. Có thể xem đây là những căn nhà của những gia đình người Hoa cha truyền con nối; khu vực nằm trên đất của đường Trần Phú (ngày nay), mà trên những tư liệu vào thế kỷ thứ XVII được ghi là "Lâm sa Thổ Phố". Trong khi đó, thì một lớp người Hoa mới sang kinh doanh (1670) đã bỏ tiền mua đất nhà của người dân sở tại, để tiến hành việc xâydựng lên những phố kinh doanh; thỉnh thoảng chúng ta thấy có sự"xen cư" của một số gia đình người Hoa bên cạnh nhà cửa người Việt tại Hội An; đó là trường hợp ông bà Ngô Vãng Nương đã mua một mảnh đất 3 sào ở xứ Hồ Bài (hay Hồ Bi) của ông Trịnh Hồng Quang, giá 60 lạng bạc. Sau nầy có những tranh chấp nên mới tìm thấy các chứng cớ đó.

Từ năm 1651 cho đến năm 1697, trên con đường khu vực Trần Phú (hiện nay) đã lần lượt xuất hiện những đền miếu, chùa chiền, hội quán, cao lâu tửu điếm cũng như khu nhà dân dụng của những hộ người Hoa. Chúng ta có thể hiểu thêm những khả năng bành trướng nầy trong thiên tài liệu của Boyear đã mô tả: (...) Nhìn chung, hải cảng nầy chỉ có một con đường phố lớn, bên bờ sông Hội An; hai bên, có hai dãy nhà, ước chừng một trăm nóc, mà toàn là người Trung Hoa cư trú (...)" (dẫn theo linh mục Cadière).

Trong tài liệu của thiền sư Thích Đại Sán cũng viết: "Thẳng theo bờ sông (Hội An) một con đường dài khoảng từ 3 đến 4 dặm, được gọi tên là "Đại Cái Quan"; hai bên đường nầy toàn là những phố xá khít rịt nhau; chủ phố đều là những người Phúc Kiến; họ thường ănmặc theo lối tiền triều..." (trang 154).

Thoạt đầu, những dãy nhà nầy chỉ xây dựng tạm, để buôn bán và ăn ở; phải đợi đến đầu thế kỷ thứ XVIII về sau (1712 trở đi đến 1789) thì những dãy phố hai bên con đường Trần Phú (hiện nay) mới được gia công xâydựng lại rất kiên cố; chứng liệu nầy căn cứ theo số đơn khai nhà đất thời Cảnh Hưng, Thái Đức, Quang Trung và Cảnh Thịnh (Tây Sơn). Qua chứng từ có ghi: "Những ngôi nhà xây bằng tường gạch, lợp ngói, bắc giáp đại lộ, nam cận đại giang..." Khu vực nầy dần dà được tạo dựng trên vùng đất mua, đất cúng, đất bồi. Những Hoa thương làm ăn ngày càng phát đạt với những thế lực Hoa thương. Sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh (1644) thì những đợt người Trung Hoa sang Hội An (cũng như miền Nam Việt Nam) ngày càng đông hơn vì không chịu lệ thuộc Mãn Châu. Có thể tìm hiểu thêm cảnh quan của vùng Hội An được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn) về những nét chính của Hội An như sau: (...)

Vùng đất phía đông của huyện Diên Phước được gọi là Hội An. Chợ Hội An ở xã Hội An, phía nam liền với sông cái (Thu Bồn); trên bờ sông, hai bên phố bờ sông liên tiếp chừng 2 dặm, có bến sông, thuyền bè tấp nập, đi lại như mắc cửi. Có nhiều khách buôn người Thanh cư ngụ. Có 4 bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam. Họ buôn bán những hàng hóa từ phương Bắc; họ lập đình, chợ, hội quán; những ngành buôn bán tấp nập; chính là nơi đô thị lớn xưa nay. Phía Nam của sông là đầm Trà Nhiên Trong khi đó, xã Minh Hương lại được hình thành muộn hơn đường Quảng Đông, vào đầu thế kỷ XIX triều vua Gia Long.


Người Chàm và người Việt ở đô thị cổ Hội An

Người Chàm: Thực ra Hội An không phải là nơi không có cư dân thời cổ. Nhiềudi tích cho biết là người Chàm đã ở tại Hội An từ trước, vì bên cạnh đó còn có vùng Thánh Địa Mỹ Sơn, kinh đô Trà Kiệu và sau đó là kinh đô Đông Dương. Cù lao Cửa Đại cũng gọi là Cù Lao Chàm và chính cửa Đại cũng được gọi là cửa Đại Chiêm.

Chùa Cầu thờ Linh Phù Thủy Khấu là một chứng tích cho thấy về việc nơi đây xưa kia có thờ thần Shiva dưới dạng thức Linga (được dịch ra là Linh Phù). Thủy Khấu có nghĩa là "cướp bể", ngụ ý là vị thần nghề hàng hải. Những điều nầy giải thích: Trước thế kỷ thứ XV, người Chàm đã từng tụ cư đông đúc ở đây. Sau đó những thuyền buôn ngoại quốc đến và thuyền buôn của họ từ đây đi ra nước ngoài.

Người Việt: Cư dân người Việt thì sống rải rác ven bờ biển, hay làm nghề chài lưới, có nơi thì trồng lúa nước. Họ cũng cư trú trên đảo Cù lao Chàm, để tổ chức thành ra xã Lao Chiêm.

Trong sách Phủ Biên Tạp Lục của nhà học giả Lê Quý Đôn viết:" (...) Các xã Minh Hương, Hội An, Lao Chiêm, Cẩm Tú, Làng Câu thì giữ việc "thám báo"; hễ tàu đến cửa Đại Chiêm (tục gọi là Cửa Chẩm), phố Hội An, cửa Đà Nẵng (cửa Hàn), vụng lấn để buôn bán, thì phải nộp các thổ vật; thuế vụ thì định theo thứ bậc..." (trang 231).


Đô thị cổ Hội An HoiAn07

Kết luận

Qua những chứng liệu trên cho thấy: Hội An là một mô thức đô thị cổ, mang tính chất thương nghiệp đối ngoại, đánh dấu bước tiến của nền kinh tế bản địa đã phát triển kinh tế hàng hoá tương đối cao dưới thời những chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nhưng rồi sau, cuộc nội chiến đã cuốn hút những thương nhân ngoại quốc, cũng như chúa Nguyễn, chúa Trịnh, cho nên ngoại thương chỉ nhằm phục vụ chiến tranh Trịnh Nguyễn.

Do đó, Hội An không có điều kiện phát triển hơn nữa, đã suy thoái dần theo thời gian.


Vị trí và xu thế Hội An trong lịch sử

Thị xã Hội An hiện nay gồm 3 phường, 6 xã trên đất liền và 1 xã hải đảo, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam, trên bờ bắc sông Thu Bồn, ở vĩ độ 15,54' (Bắc) và kinh độ 108,20' (Đông). Diện tích là 61km2, dân số 81, 200 người. Quần thể di tích lịch sử - văn hoá phố cổ Hội An được xếp vàp hạng mục di tích quốc gia (tháng 3/1985).

Hàng trăm di tích có giá trị lịch sử - văn hoá với 80% công trình kiến trúc ở nội thị trong một không gian đô thị cổ đa dạng, hỗn hợp nhiều loại hình: đình - chùa - hội - quán - miếu - lăng – nhà ở - nhà thờ tộc - cầu, giếng - mộ táng và các di tích khảo cổ còn đang được bảo tồn. Những kết quả khảo cổ, những di tích, di chỉ được khai quật chứng minh: Đây là loại hình tiêu biểu về đô thị - thương cảng từng có thời gian dài, không những đóng vai trò thương cảng quốc tế, mà còn là trung tâm hội nhập, giao tiếp văn hoá quan trọng.

Nằm trên bờ bắc cửa sông Thu Bồn - con sông dài nhất Quảng Nam – Đà Nẵng, cũng là một trong những con sông lớn nhất miền Trung Việt Nam, Hội An chính là điểm "hội thủy" của hệ thống lưu vực rộng lớn sông ngòi, và tất yếu trở thành điểm hội tụ tàu thuyền, hàng hoá, sản vật của khu vực nội địa.

Hội An lại thông ra biển Đông bằng Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại), cách 15km trước mặt là điểm dừng chân không thể thiếu được trong các hành trình hàng hải quốc tế xuyên qua biển Đông.Phía tây Hội An là khu di tích Trà Kiệu, Mỹ Sơn và vùng Amaravâti của Chăm Pa, đi sâu thêm vào là vùng thổ sản: trầm hương, quế, hồ tiêu là những mặt hàng nổi tiếng trao đổi tại Hội An, con sông Thu Bồn nối duyên hải với trung du và thượng du... đó là những yếu tố thiên nhiên đã đóng góp không nhỏ trong thời kỳ du nhập và giao lưu văn hoá. Với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi trên con đường thương mại quốc tế và nhờ chính sách ưu đãi ngoại thương của các chuá Nguyễn ở Đàng Trong, cho nên nhiều thương gia đã nhanh chóng trở bên giàu có và nhiều người trong số đó đã xây dựng nhà cửa khang trang, tạo dựng các công trình kiến trúc công cộng nổi tiếng tại Hội An.


Hội nhập và giao lưu thời sơ sử

Những di tích, di chỉ khảo cổ học trong những cuộc khai quật mấy chục năm nay trên địa bàn vùng Hội An cho thấy: Với niên đại cách nay khoảng 2,000 năm, chủ nhân của người vùng nầy đã có quan hệ giao lưu với những vùng lân cận và bên ngoài. Điều nầy đã được xác nhận do sự tiếp xúc, gần gủi và trùng khớp giữa một số hiện vật trong các di tích, di chỉ ở Hội An với các thể loại di tích, di chỉ cùng loại, cùng niên đại ở vùng trung du và vùng rừng núi xứ Quảng, cùng với số lượng lớn của những hiện vật gồm có: tiền đồng, đồ gốm, đồ trang sức, mà hầu hết có nguồn gốc hay mang phong cách Trung Quốc và Ấn Độ.

Về nhân văn học, tục chôn cất người chết trong những chum gốm vốn xuất hiện rất phổ biến tại những quốc gia thời cổ đại vùng Đông Nam Á hải đảo cũng như lục địa cũng đã tìm thấy tại Hội An với mật độ khá dày. Những loại "mộ chum" như thế hay cùng chung thể loại cũng đã tìm thấy ở Tabhin, Đại Lãnh, Quế Lâm, những vùng đồi núi hay trung du của đất Quảng. Sự gần gủi trong tục chôn cất người chết, những đồ tùy táng cho thấy: đã có sự khởi đầu trong quan hệ giao lưu văn hoá giữa vùng rừng núi, trung du và duyên hải, với nội địa và hải đảo.


Hội nhập và giao lưu thời cổ đại và trung đại

Cho đến thời kỳ Chăm Pa (thế kỷ II đến thế kỷ XIV), thì yếu tốgiao lưu - hội nhập văn hoá nầy mới định hình rõ nét hơn. Với vị trí nằm trên trục hàng hải nối liền các các trung tâm mậu dịch Đông Tây, là cửa ngõ thông thương với bên ngoài của miền Amaravâti, vốn nổi tiếng với các đặc sản quý: vàng, trầm hương, quế, hồ tiêu, sừng tê, tơ lụa, nước ngọt, để mua lại vàng bạc, gấm vóc, đồ trang sức, thủy tinh, gốm.

Những phát kiến gần đây cho thấy: Vùng đất Kẻ Chàm, Cửa Đại Chiêm, Chiêm Bất Lao, Pulo Ciam... từ lâu trở thành những địa chỉ hấp dẫn đối với thương thuyền xuất phát từ Địa Trung Hải, Trung Cận Đông, Ấn Độ và Trung Quốc. Những thương thuyền này đã mang đến ở tại cảng đô thị Hội An những yếu tố văn hoá mới có nguồn gốc từ các vùng đất xa xôi.

Tại khu di chỉ Bãi Làng - Cù Lao (Chiêm Bất Lao, Chiêm Bích La), đã tìm thấy những mảnh gốm Islam nằm chung trong tầng văn hoá với đồ gốm Chăm Pa, đồ gốm sứ Trung Quốc đời Đường, đồ thủy tinh dân dụng và trang sức nhiều màu, trong đó, một số có nguồn gốc Nam Ấn. Một di chỉ vùng ven sông khác thời Chăm Pa tại Hội An (Bầu Đà, Trảng Sỏi) cũng đã phản ảnh về sự giao lưu văn hoá với bên ngoài, mà bằng chứng cụ thể là sự có mặt một số lượng lớn các hiện vật có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số vùng khác ở Đông Nam Á.

Những chứng tích nầy cho thấy: Trước khi vào các trung tâm chính trị và tôn giáo của người Chăm Pa ở phía tây của Hội An (Trà Kiệu, Mỹ Sơn) các thương thuyền ngoại quốc đã ghé cảng Hội An, và ở đây, quá trình giao lưu hội nhập văn hoá đã diễn ra khá sâu sắc.Từ năm 1989, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại lòng đất Hội An 2 loại tiền đồng Trung Quốc là tiền Ngũ Thù (Tây Hán, thế kỷ II trước Công Nguyên) và tiền Vương Mãng (Đông Hán, thế kỷ I).

Phát hiện nầy đã nói lên rằng: Vào thời trước hay sau Công Nguyên, ngành kinh tế ngoại thương đã manh nha hình thành tại vùng sông nước Hội An. Trong khai quật, đã tìm thấy những chiếc vò sành có in những ô vuông theo kiểu "Kỷ hà ấn văn đảo", một kiểu hoa văn phổ biến thời Lục Triều Trung Quốc (thế kỷ III).

Kết quả của những công trình khảo cổ và khai thác những vùng nói trên, đã minh định rằng: Trước khi vào các trung tâm văn hoá, chính trị và tôn giáo của người Chăm Pa ở phía Tây Hội An (Mỹ Sơn, Trà Kiệu), các thương thuyền nước ngoài đã ghé qua cảng thị Hội An- và chính tại đây, quá trình giao lưu hội nhập văn hoá đã diễn ra khá mạnh mẽ; hiện tượng nầy mang tính phổ biến đổi các cảng thị nói chung (như Phố Hiến, Thanh Hoá, Phú Xuân, Nha Trang, Gia Định, Vũng Tàu...)


Giao lưu Chàm - Việt

Từ thế kỷ XV, hình thái và diện mạo văn hoá Hội An đã phong phú thêm lên. Giai đoạn nầy đã có bước chuyển hoá với sự hội nhập của các yếu tố văn hoá Việt, do các tộc người từ Đàng Ngoài mang vào. Như thế, quá trình giao lưu Chăm - Việt, Việt - Chăm đã diễn ra khá sâu sắc tại Hội An. Những di tích về tín ngưỡng, một số vị thần của người Chăm Pa (Ấn Độ Giáo) cũng đã được người Việt tiếp tục và tổ chức thờ cúng tại đây.

Ngoài ra một số phong tục, tập quán, những kinh nghiệm về ngành nghề, kỹ thuật hàng hải, từng bước cũng được chuyển giao cho những cư dân mới tại Hội An. Trong thời kỳ nầy, các thương thuyền Trung Quốc, Ả Rập, Ba Tư... đã từng ra vào hải khẩu Đại Chiêm để trao đổi hàng hoá, sản vật với cư dân Chăm Pa. Từ nguồn hàng hoá đa dạng, phong phú được bán mua, trao đổi tại Hội An, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: "Hàng hoá ở đây không có thứ gì là không có, nhiều đến nổi trăm chiếc tàu to lớn chở cùng một lúc cũng không thể hết được".

Trong thời Cham Pa, với tư duy hướng biển tích cực và với những phương tiện kỹ thuật đi biển khá tiến bộ, người Cham Pa đã xây dựng nơi đây thành một thương cảng, một Lâm Ấp Phố xây dựng thịnh đạt. Thương thuyền Trung Quốc, Ả Rập, Ba Tư... đã từng vào Đại Chiêm Hải Khẩu để trao đổi hàng hoá, sản vật với người Cham Pa.

Một số thương thuyền khác ghé đến Hội An để mua lương thực, nước ngọt uống, trên tuyến đường từ Ả Rập, Ấn Độ, Đông Nam Á sang Trung Quốc, và ngược lại. Những khai quật khảo cổ học gần đây tại Trảng Sỏi, Cù Lao Chàm đã cung cấp thêm những chứng cứ vật chất cho những nhận định trên đây. Còn cư dân bản địa thì chuyên bán những loại: trầm hương, ngàvoi, sừng tê, đồi mồi, tơ lụa, nước ngọt... để mua lại vàng bạc, gấm vóc, đồ trang sức, đồ thủy tinh, đồ gốm với kiểu dáng và phong cách mới.

Đô thị cổ Hội An HoiAn08
Cho đến ngày nay, ở Hội An, ngoài việc hiện tồn hàng chục giếng Chàm vẫn luôn tinh khiết, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện khá nhiều đồ thủy tinh màu có nguồn gốc Nam Ấn và di tích những mảnh gốm sản xuất từ Trung Quốc. Đó là hàng trăm mảnh gốm thời Đường (thế kỷ VII-X), được sản xuất từ các lò gốm nổi tiếng như Việt Châu (Triết Giang), Hình Châu, Định Châu (Hà Bắc), Tượng Âm, Trường Sa (Hồ Nam), Quảng Đông... Ngoài ra, còn có loại gốm Islam men xanh lam, với phong cách đặc trưng của khu vực Trung Đông ở thế kỷ IX-X.

Theo các nhà khảo cổ học trong và ngòi nước, tính đến nay, Hội An là nơi tìm thấy số lượng gốm Islam nhiều nhất Việt Nam.Qua những chứng liệu kể trên cho thấy: trong thời Chiêm Cảng - Lâm Ấp Phố, nhất là trong những thế kỷ IX-X, Hội An đã thể hiện đậm nét sự hội nhập gốm quốc tế, dù cho lúc đó nền mậu dịch hàng hải chưa mấy phát triển.

Trên bình diện văn hoá, sự giao lưu nầy đã tạo nên một sắc thái mới, mang tính nhân văn hơn, sâu sắc hơn và khai phóng hơn. Có thể tìm thấy điều nầy trong Gia Phả của một tộc người Hoa, gốc Quảng Đông cư trú tại Hội An có chép như sau: -" Tại địa phương Hội An và Hoa Phố buôn bán dễ dãi, sưu thuế nhẹ nhàng, nam canh, nữ chức, tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương đều muốn kiết cư lập nghiệp ở đây".

Đoạn trên đây trích trong Gia Phả tại nhà thờ tộc Châu người Hoa, số nhà 298 đường Cường Để, phường Sơn Phong. Những tư liệu Gia Phả khác cũng có nội dung tương tự.

Trong "Bản Tường Trình về sứ mạng mới với Vương Quốc Đàng Trong" (sau nầy đăng lại trong BAVH), giáo sĩ Chrisforo Bori, đến Hội An năm 1618, đã ghi lại cảm nghĩ của mình về cư dân Hội An – Đàng Trong như sau: (...) "Họ đến gần chúng tôi từng đoàn, hỏi chúng tôi cả ngàn câu hỏi, mời chúng tôi ăn với họ, tóm lại, cư xử với tất cả sự lịch thiệp, thân tình và văn minh... Vì lẽ, tính tình vui vẽ, lịch thiệp tự nhiên, vì tập quán dễ dàng này mà có được một sự hoà hợp toàn hảo giữa họ; họ cư xử thân tình như là anh em trong một nhà cả, trước khi họ gặp và biết nhau. Một người bị xem là hèn mạt, đáng chê trách, khi ăn một cái gì dù ít đến đâu nữa là không chia cho những người chung quanh mỗi người một miếng nhỏ. Bản năng tự nhiên của họ là tử tế, ưa làm điều thiện, nhất là đối với người nghèo, những người nầy không bao giờ bị từ chối khi kêu gọi sự giúp đỡ. Từ chối họ sẽ là thiếu bổn phận, như pháp luật, luân lý buộc họ phải làm như vậy. Kết quả là mỗi lần có vài kẻ đắm tàu không thể tự cứu sống trong một hải cảng Đàng Trong cho dù không biết tiếng địa phương, chỉ họ được một lời: "Doij".

Từ giao tiếp đến truyền đạo, các giáo sĩ Tây Phương đến Hội An đều cảm thấy dễ dàng, thoải mái trong ứng xử và thực hiện bổn phận của mình. Từ thế kỷ thứ XV, cùng với thời kỳ Phục Hưng của các nước Tây Âu, người Việt đã đến khi thác vùng đất Hội An, để rồi sau đó ít lâu, đã biến vùng cửa sông, ven biển vùng nầy trở thành cảng thị lớn lao bậc nhất của Đàng Trong - Việt Nam và khu vực.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
 

Đô thị cổ Hội An

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com