♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117]

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] _
PostSubject: Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117]   Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] I_icon_minitime12.09.11 21:55

Ỷ Lan (Hán tự: 倚蘭, 1044–1117) là vợ vua Lý Thánh Tông trong lịch sử Việt Nam. Bà có rất nhiều đóng góp tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.

  • Tên đầy đủ: Lê Thị Yến
  • Tước hiệu: Nguyên Phi Ỷ Lan
  • Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu
  • Thụy hiệu: Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (靈仁皇太后)
  • Miếu hiệu: Phù Thánh (扶聖)
  • Chồng: Lý Thánh Tông
  • Con cái:
     - Hoàng thái tử Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông)
     - Sùng Hiền hầu - thân phụ của vua Lý Thần Tông
  • Hoàng tộc: nhà Lý
  • Thân phụ: Lê Công Thiết
  • Thân mẫu: Vũ Thị Tình
  • Sinh: 7 tháng 3, 1044 (?) tại Văn Lâm,Hưng Yên
  • Mất: 24 tháng 8, 1117 tại Thăng Long


Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tương truyền có tên là Lê Thị Khiết, còn có tên là Lê Thị Yến. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt ghi lại là Lê Thị Yến Loan, nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan. Theo tài liệu truyện thơ của Trương Thị Ngọc Trong, một cung tần của chúa Trịnh Cương thì bà có tên là Lê Khiết Nương.

Bà được cho là sinh ngày 19 tháng 2 năm Giáp Thân, Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất (tức 7 tháng 3 năm 1044). Một tài liệu khác cho rằng năm sinh của Ỷ Lan không rõ, sử sách chỉ ghi: Bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 - trên dưới 70 tuổi - thời Lý Nhân Tông.

Nguyên quán của Ỷ Lan ở trại trang Thổ Lỗi nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm Hưng Yên. Con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm bà 12 tuổi thị mẹ mất. Hai năm sau Lê Công Thiết lấy một người con gái họ Đồng làm vợ kế. Năm bà 16 tuổi cha cũng qua đời, nhờ bà mẹ kế nuôi dạy.


Giai thoại

Câu chuyện Ỷ Lan vào cung vua Lý đã trở thành một giai thoại nổi tiếng, nhưng có một vài chi tiết nhỏ còn mâu thuẫn.

Năm Quý Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Một sáng mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (theo một bài viết thì đó là hội cầu duyên ở hương Thổ Lỗi do triều thần của nhà vua mở) (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành) dân làng mở hội nghênh giá.

Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Đó chính là cô Yến. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan Cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Lý Thánh Tông phong cô là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan.


Nguyên phi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan

Trong cung Ỷ Lan được học hành. Khác với các cung phi khác, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc, mong chiếm được tình yêu của vua mà quan tâm đến hết thảy mọi công việc trong triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan, triều thần khâm phục Ỷ Lan là người có tài.

Khi sinh người con trai thứ nhất là Càn Đức (Bính Ngọ 1066), bà được phong là Thần phi, sinh người con trai thứ hai là Sùng Hiền hầu, bà được phong là Nguyên phi. Càn Đức được lập làm thái tử. Khi vua Lý Thánh Tông mất (1072), Càn Đức lên nối ngôi, tức là vua Nhân Tông, bà được phong là Linh Nhân Hoàng Thái hậu.

Thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) vốn là người tài trí, thấy bà đích mẫu (tức bà Thái hậu họ Dương ở cung Thượng Dương) được tham dự việc triều chính lấy làm buồn lòng và ghen tức vì cho mình là mẹ đẻ mà không được tham dự triều chính nên mới bảo vua rằng:

 Mẹ già khó nhọc nuôi con để có ngày nay, đến lúc phú quý thì người khác hưởng, ăn ở như thế thì đặt con mẹ già này vào chỗ nào?

Nhà vua tuy nhỏ bé nhưng cũng có hiểu biết chút ít rằng, mình không phải là con của Thái hậu Thượng Dương, bèn giam Thái hậu Thượng Dương và 72 người thị nữ ở cung Thượng Dương rồi bức bách bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông.


Nhiếp chính

Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính.

Lần thứ nhất
Năm Kỷ Dậu 1069, Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành, trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Ỷ Lan trông coi việc nội trị rất được lòng dân chúng. Trong nước tình hình ổn định vững vàng, nhân dân mang ơn, gọi là bà Quan Âm.

Lý Thánh Tông đánh giặc lâu ngày không thắng, bèn trao quyền binh cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về. Đến Mạt Liên (Có tài liệu ghi là Châu Cư Liên) (Tiên Lữ, Hưng Yên ngày nay), Lý Thánh Tông hay tin Ỷ Lan trị nước vững vàng, vua hổ thẹn quay ra trận quyết đánh cho kỳ thắng mới về. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của Lý Thánh Tông, có vai trò không nhỏ của Nguyên phi Ỷ Lan.


Lần thứ hai
Năm Nhâm Tý 1072, Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi (tức hoàng đế Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái phi, rồi Hoàng thái hậu. Ban đầu vợ chính của Thánh Tông là Thái hậu Thượng Dương làm nhiếp chính, nhưng sau đó Ỷ Lan đã dựa vào Lý Thường Kiệt giành lại quyền hành và bức hại Thượng Dương. Ỷ Lan cùng Thái úy Lý Thường Kiệt coi việc triều chính, điều hành quốc gia.

Hai lần chiến tranh với nhà Tống (1075 và 1077), vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về, trao lại chức Thái sư, cùng Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến.

Là một phụ nữ tài trí, lại được Lý Thường Kiệt ủng hộ nên Hoàng Thái hậu đã có những đóng góp tích cực vào cơ nghiệp nhà Lý.

Hoàng Thái hậu Ỷ Lan còn chăm lo đến việc mở mang dân trí, thi cử học hành. Bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò. Ngô Sĩ Liên có lời bàn: "Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy".

Là người rất am hiểu và hâm mộ đạo Phật, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý [8], mà đến nay mới biết được gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào Việt Nam.

Ỷ Lan còn được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác gia văn học thời Lý - Trần. Bà có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:

      Sắc không
 Sắc thị không, không tức sắc  
 Không thị sắc, sắc tức không  
 Sắc không quân bất quản  
 Phương đắc khế chân không.  
  Sắc là không, không tức sắc
  Không là sắc, sắc tức không
  Sắc không đều chẳng quản
  Mới được hợp chân tông.

Nhưng trong đời Ỷ Lan không phải không có tì vết. Sau khi vua Lý Thánh Tông qua đời, hoàng hậu Thượng Dương được sự ủy thác của Thái sư Lý Đạo Thành, đã tôn lên làm Thái Hậu, còn Ỷ Lan trở thành Thái Phi. Mãi 4 tháng sau, có Lý Thường Kiệt giúp sức, Ỷ Lan mới trở lại nắm quyền nhiếp chính. Bà đã xui vua bắt giam Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ vào lãnh cung, bỏ đói cho đến chết. Về cuối đời Ỷ Lan đã hối hận về hành động của mình, bà cho lập nhiều chùa để tỏ lòng sám hối và độ siêu sinh cho hoàng hậu Thượng Dương và các cung nữ.

Bà mất ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 đời Lý Nhân Tông (tức 24 tháng 8 năm 1117), thọ 74 tuổi. Bà được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Tại quê hương và nhiều nơi đã xây dựng chùa tháp, đền thờ bà. Cùng với những ngôi đền lớn thờ bà ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, hiện ở Hưng Yên có Ba ngôi: Đền Ghềnh, xã Như Quỳnh và chùa Hương Lãng, xã Minh Hải thuộc huyện Văn Lâm và Đền Bà tại Xã Nhật Quang Huyện Phù Cừ.
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] _
PostSubject: Re: Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117]   Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] I_icon_minitime12.09.11 22:21

Ỷ Lan Nguyên phi

Vào năm Quý Mão (1063), vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà vẫn chưa có con kế vị. Nhà vua rất lấy làm phiền não, thường đi cầu tự ở nhiều đền chùa. Một hôm, vua đi cầu tự ở chùa Dâu, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Được tin hoàng thượng ngự giá, già trẻ, gái trai các làng hai bên đường đều ra bái rước, chỉ riêng cô gái nghèo làng Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại, tên Nôm là Sủi), nay thuộc huyện Gia Lâm, dửng dưng. Vua Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai cấm vệ đòi đến hỏi chuyện. Thấy cô gái xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, ứng đối trôi chảy, vua bèn cho theo xa giá về kinh.


Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] 260di05
Ban thờ Quốc mẫu Nguyên phi Ỷ Lan, tại chùa Kim Cổ (Hà Nội)

Cô gái tên là Lê Thị Yến, nhưng dựa vào sự tích vua gặp cô gái nghèo làng Sủi đứng dựa gốc cây lan, nên được đặt tên là Ỷ Lan (ỷ nghĩa là tựa, hay dựa, còn lan là cây lan). Sau đó, Lý Thánh Tông cho dựng một cung riêng và cử một nữ học sĩ vào cung dạy. Ỷ Lan là người thông minh, lại sớm tối chuyên cần, nên chẳng bao lâu đã lầu thông kinh sử. Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, đặt tên là Càn Đức. Có người nối nghiệp, Ỷ Lan lại càng được sủng ái, Lý Thánh Tông phong làm Nguyên phi.

Năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân cùng Lý Thường Kiệt cất quân đi đánh giặc. Ỷ Lan được thay vua coi giữ triều chính. Sử chép, bà Nguyên phi trị nước rất giỏi, khiến nhân tâm hòa hợp, đất nước thanh bình. Trong khi đó, Lý Thánh Tông đi đánh giặc lâu ngày không thắng, phải hồi kinh. Nhưng khi mới về đến châu Cư Liên (nay thuộc vùng Tiên Lữ, Hưng Yên), vua hỏi han, thấy dân chúng hết lòng ca ngợi tài trị nước của Ỷ Lan bèn than thở: “Kẻ kia là đàn bà con gái còn vậy, ta lại tầm thường thế sao?”. Vua lại quay đi đánh giặc, lần ấy thắng to.

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), Lý Thánh Tông băng hà ở điện Hội Tiên. Thái tử Càn Đức mới lên bảy nối ngôi, tức là Lý Nhân Tông, đổi niên hiệu Thái Ninh, tôn mẹ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng Thái phi. Vì vua còn thơ ấu, bà Ỷ Lan thay quyền nhiếp chính, cùng Tể tướng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống xâm lược. Hai lần Tống sang, các năm 1075 và 1077, Lý Thường Kiệt cầm quân đánh giặc còn Hoàng Thái phi cùng Thái phó Lý Đạo Thành lo việc lương thảo.

Xuất thân nghèo, Nguyên phi Ỷ Lan thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân chân lấm tay bùn. Bấy giờ, ở nông thôn có nhiều phụ nữ vì nghèo khó mà phải bán mình hoặc đem thân thế nợ, không thể lấy được chồng. Bà xuất tiền trong kho, chuộc những người ấy và đứng ra dựng vợ gả chồng cho họ. Đối với người làm ruộng, từ bao đời, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp, bà nhiều lần tâu vua trị tội nặng những kẻ ăn trộm trâu. Tháng hai năm Đinh Dậu (1117), trước khi mất 5 tháng, bà còn khuyên vua: “Gần đây, người ở kinh thành và các làng ấp có kẻ chuyên nghề trộm trâu làm cho nông dân cùng quẫn. Có nơi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói việc ấy và triều đình đã từng ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước, sao triều đình vẫn cứ làm ngơ?”. Sau đó, Lý Nhân Tông hạ lệnh tầm bắt và trị bọn đạo chích. Thậm chí, ngay việc giết trâu dùng trong cỗ bàn khao vọng cũng bị hạn chế. Nhà Lý còn quy định, ở các hương cứ ba nhà lập một bảo để kiểm soát lẫn nhau, cùng chịu liên đới tội lạm giết trâu bò.

Ỷ Lan là người học rộng, am hiểu đạo Phật, ưa việc thiện, bà hưng công dựng nhiều chùa tháp. Bà có làm những bài kinh, câu kệ còn truyền đến ngày nay. Chẳng hạn:
     Sắc không
    Sắc là không, không tức sắc,
    Không là sắc, sắc tức không.
    Sắc không đều chẳng quản,
    Mới khế hợp chân tông.
    (Thơ văn Lý Trần, NXB Khoa học Xã hội - 1977)


Ngày 25 tháng bảy năm Đinh Dậu, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan mất, thi hài được hỏa táng theo nghi lễ nhà Phật. Vua dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, táng ở Thọ lăng Thiên Đức, nơi yên nghỉ của vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông tại quê hương (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Dân tôn là Phật Bà Quan Âm. Ngay cả khi bà còn sống, nhiều nơi đã lập ban thờ.

Đến nay, sau nhiều cơn binh lửa, trên cả nước còn 72 nơi có đền thờ Ỷ Lan. Đó là đền bên cạnh chùa Dạm, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh, chùa Báo Ân (Thanh Hóa), đền Như Quỳnh (Hưng Yên). Tại Hà Nội, có chùa Kim Cổ ở 73 Đường Thành, đền Yên Thái ở ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm, đền làng Sủi, xã Phú Thị, đền Dương Xá, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, chùa Hoàng Xá... Nhân dân gọi nơi thờ bà là đền Bà Tấm. Hằng năm, vào các ngày 19, 20, 21 tháng hai âm lịch, nhân dân 9 xã của tổng Dương Quang (từ xã Phú Thị, huyện Gia Lâm đến huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và những làng cấy ruộng hậu của đền đều lo tổ chức hội. Chính hội là ngày 19 tháng hai, tương truyền là ngày sinh của bà.

Ỷ Lan, người phụ nữ Việt Nam tài sắc, có công sinh hạ và nuôi dạy vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) - một vị vua kiệm ước, nhân ái và có tài. Hơn tám thế kỷ sau ngày bà qua đời, tháng 8-2005, con đường dài 4,4km từ Quốc lộ 5 đến dốc Lời, thuộc địa bàn hai xã Dương Xá và Đặng Xá, huyện Gia Lâm, đã được đặt tên là Đường Ỷ Lan.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] _
PostSubject: Re: Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117]   Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] I_icon_minitime12.09.11 22:48

LINH NHÂN THÁI HẬU :

SỰ QUAY VỀ MUỘN MÀNG?

Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] 2hqaqzp
Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan

Câu chuyện người con gái hái dâu tên Lê Thị Yến [1] làng Thổ Lôi tỉnh Bắc Ninh (sau này được nhà vua đổi tên là Siêu Loại) trở thành Ỷ Lan nguyên phi, vợ yêu cuả vua Lý Thánh Tông đã trở thành huyền thoại. Với dân gian Ỷ Lan là nguyên mẫu cuả cô Tấm thảo hiền trong truyện cổ tích Tấm Cám. Bắc Ninh vốn là nơi chuyên về nghề nuôi tằm dệt vải, là quê hương cuả những làn quan họ diễm tình và cũng là nơi sản sinh nhiều mỹ nữ trong đó không ít đã trở thành những vương phi sủng ái cuả các bậc vua chúa.


Nàng Tấm cuả chúng ta chắc hẳn phải xinh đẹp, thông minh và giàu ước mơ tham vọng. Sử kể rằng vua Thánh Tông đời Lý đã 40 tuổi chưa có con trai, vua bèn đến chùa cầu tự. Ngự giá đi đến đâu, dân làng đều dàn hầu hai bên đường để chiêm vọng. Lúc qua làng Thổ Lôi có người con gái hái dâu thấy xe vua đi, cứ đứng tựa gốc lan chứ không ra xem. Vua lấy làm lạ truyền gọi vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân (phu nhân tựa cây lan), sau sinh ra thái tử Càn Đức, Ỷ Lan được phong làm nguyên phi (đứng đầu các phi) [2].


Sở dĩ nàng có hành động khác thường vì nàng thừa thông minh để hiểu rằng nhà vua đang trông chờ phép lạ mà các hoàng hậu [3] và phi tần chốn hoàng cung đã không đáp ứng được, đó là sinh cho nhà vua một hoàng tử; một cô gái xinh đẹp và tràn đầy sức sống như nàng sao lại không ước mơ và tự tin rằng đây là duyên trời dành riêng cho mình. Có lẽ trái tim vị vua 40 tuổi đã rung động trước nhan sắc hồn nhiên tươi thắm cuả người con gái hái dâu nên không những không bắt tội khi quân mà lại cho là điềm lạ và lập tức đưa nàng về cung. Như một giấc mơ, chỉ trong phút chốc từ chốn dân dã nàng bước vào cung điện lầu son gác tiá, từ địa vị phu nhân, ba năm sau, khi sinh Càn Đức (tháng giêng Bính Ngọ-1066)4 trở thành nguyên phi.


Ỷ Lan không chỉ có công sinh ra Càn Đức để nối dõi ngôi vua mà còn có tài trị nước. Theo Toàn Thư vào năm Kỷ Dậu (1069) vua đi đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin nguyên phi giúp việc nôi trị vững vàng, lòng dân ca ngợi, vua nói: nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì sao? Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.


Nhưng tột đỉnh hạnh phúc ấy chỉ được 9 năm ngắn ngủi, tháng giêng Nhâm Tý (1072) vua Thánh Tông băng, thái tử Càn Đức 7 tuổi nối ngôi tức Lý Nhân Tông. Có lẽ nhà vua mất quá nhanh nên không kịp lập di chiếu trao quyền phụ chính cho ai, Lý Đạo Thành lúc đó giữ chức thái sư, hẳn nhiên chức phụ chính thuộc về ông và ông đã ủng hộ Dương hậu làm nhiếp chính [5]. Sử chép Nhân Tông tôn mẹ ruột làm hoàng thái phi và mẹ đích là Thượng Dương thái hậu buông rèm nhiếp chính.


Cuộc sống hậu cung chứa đầy những cơn sóng ngầm cuả ghen ghét và toan tính độc ác. Ỷ Lan được nhà vua sủng ái tất có lắm kẻ thù. Dương Hậu là một đối thủ đáng gờm nay được quyền nhiếp chính, còn bà là mẹ đẻ lại bị tước quyền, bị đẩy vào tình thế bất an, thử hỏi làm sao không bất bình lo sợ. Thái hậu còn trẻ, nếu cho rằng khi gặp vua Thánh Tông chừng 17-18 thì lúc này bà khoảng 26-27, số tuổi chưa đủ để bà có một suy nghĩ và hành động chín chắn, nên đã khóc với vua Nhân Tông “mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”.Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 72 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi buộc phải chết chôn theo Thánh Tông. Hoàng thái phi được tôn làm Linh Nhân thái hậu, cầm quyền nhiếp chính (Quý Sửu – 1073)6. Trong vụ đảo chính này có lẽ Ỷ Lan đã dựa vào Lý Thường Kiệt (là thái uý nắm giữ binh quyền), Lý Đạo Thành do can ngăn đã bị giáng chức đổi ra coi châu Nghệ An [7]. (Phải chăng tác giả truyện Tấm Cám đã mô phỏng hành động bức tử Thượng Dương thái hậu cuả Ỷ Lan mà hư cấu nên tình tiết nàng Tấm phỉnh gạt Cám để giết Cám?)


Linh Nhân thái hậu đã phạm một tội ác tày trời, đó là bức tử 73 sinh mạng nhằm củng cố quyền lực cuả mình, tội ác này đã làm mai một tiếng thơm cuả bà từ trước mà phải đợi đến 12 năm sau, qua sử sách ta mới thấy những chứng cứ rằng bà đã thành tâm sám hối tội lỗi cuả mình:

-Năm Ất Sửu (1085) bấy giờ thiên hạ vô sự, thái hậu đi khắp nơi, ý muốn dựng chùa xây tháp (Toàn Thư ghi nhầm là hoàng hậu).

-Tháng 8 năm Đinh Sửu (1097) thái hậu làm nhiều chùa tháp (Toàn Thư).

-Tháng 2 năm Quý Mùi (1103) thái hậu xuất tiền trong kho để chuộc lại con gái nhà nghèo bị cầm thế đem về gả cho những người goá vợ (Toàn Thư, Đại Việt sử lược).

-Năm Ất Mùi (1115) thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn 100 chùa (Toàn Thư, Cương Mục). Theo Đại Việt sử lược tháng 3 năm này chùa Sùng Phước ở làng Siêu Loại (quê thái hậu) hoàn thành.


Đại Việt sử lược ghi “Để sám hối việc đã lỡ lầm đó, Linh Nhân hoàng thái hậu lập nhiều chùa chiền thờ Phật và việc chuộc bần gia nữ”. Việt Sử Tiêu Án thì đánh giá việc sám hối làm phúc ấy là quá muộn. (trang 53 - bản điện tử)


Thời Lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn trong xã hội, các vua Lý đều rất sùng đạo, vua Lý Thánh Tông là bậc tu hành thuộc thế hệ thứ nhất cuả phái Thảo Đường [8]. Tất nhiên Ỷ Lan cũng mộ Phật thương người, nhưng do tham sân hận mà đã gây nên tội ác. Khi tham vọng và sự trả thù đã được thoả mãn thì Phật tánh trong bà xuất hiện làm cho bà không thể có những giấc ngủ yên lành. Cứ cho Thượng Dương thái hậu là người đáng bị trừng phạt nhưng cớ sao lại bắt 72 cung nữ vô tội phải chết oan? Bà là người hiểu rõ luật nhân quả, sự báo ân trả oán trong kinh Phật nên lại càng muốn chuộc lỗi. Tuy nhiên vì thời gian thái hậu buông rèm nhiếp chính kéo dài đến 12 năm, cũng là thời gian Đại Việt phải giải quyết những cuộc chiến tranh với nhà Tống ở phương bắc (1075-1077) và Chiêm Thành ở phương nam nên bà chưa thể có những công trình to tát để chứng minh sự thành tâm sám hối dù có thể thái hậu đã từng lập đàn giải oan cho các vong hồn bị bà bức hại.


Hẳn do nhân lành tiền kiếp, trong sự quay về này Linh Nhân thái hậu đã được nhiều vị thiền sư danh tiếng đời Lý Nhân Tông - thường được nhà vua và thái hậu vời vào cung để giảng kinh hay đàm đạo - trợ duyên như Giác Hải, Không Lộ, Chân Không, Mãn Giác, Thông Biện… mà gần gủi và có ảnh hưởng lớn đối với bà là Đại sư Mãn Giác và Quốc sư Thông Biện.


Đại sư Mãn Giác (1052-1096) tên Trường, con cuả viên ngoại lang Lý Hoài Tố (trước họ Nguyễn, được vua đổi sang họ Lý), năm 20 tuổi (1071) được chọn vào cung hầu thái tử, học rộng hiểu nhiều, thích chú tâm vào thiền học, rất được thái hậu yêu mến. Trong khoảng Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) Sư dâng biểu xin xuất gia (có thể ý chí xuất gia càng mãnh liệt khi chứng kiến sự bức tử - NV) và khi đạt đạo đã được vua và thái hậu lúc mới lưu tâm đến thiền học mời về ở chùa gần cung Cảnh Hưng để tiện việc hỏi han. Mãn Giác là người được vô sư trí (trí tuệ không do thầy dạy) nên rất được vua và thái hậu trân trọng gọi là Trưởng lão [9]. Sư là người đầu tiên dẫn dắt con đường tu hành cho thái hậu và hướng dẫn cách giải oan các vong hồn. Đại sư Mãn Giác đã từng tháp tùng cuộc tuần du cuả thái hậu năm Ất Sửu (1085), ý cuả thái hậu muốn để Sư chọn những vị trí thích hợp cho viêc xây chùa dựng tháp [10].


Sau Đại sư Mãn Giác thì Quốc sư Thông Biện (?-1134) là người được thái hậu thường xuyên đến trai tăng để hỏi han về Phật học. Sư họ Ngô, hiệu là Trí Không. Do kính phục sự uyên bác về Phật pháp, thái hậu đã phong Sư làm Tăng lục, ban cà sa tiá và hiệu Thông Biện đại sư. Về sau thái hậu triệu Sư vào cung, phong làm Quốc sư, hỏi han yếu chỉ cuả thiền [11]. Sự thông tuệ và đức độ cuả Quốc sư đã làm thái hậu thấm nhuần lẽ vi diệu cuả giáo lý Đức Phật.


Những hành động từ bi cuả thái hậu tuy một phần là muốn chuộc tội và cầu phúc cho con [12], nhưng cái chính là nhờ ảnh hưởng cuả đạo Phật. Bà đã hiểu rõ nguồn gốc mọi tội lỗi là từ vô minh, đời người vô thường, vinh hoa phú quý chỉ phù vân, cái tâm an lạc mới đáng quý. Thái hậu từng có bài kệ Ngộ đạo “Sắc là không, không là sắc, sắc không đều không bận, mới hiểu được chân không” [13].


Như vậy, từ khi vua Thái Tông chính thức trị vì, Linh Nhân thái hậu đã giốc tâm vào việc tu học. Bà đã góp công đức để Phật giáo phát triển cũng như làm nhiều việc thiện để sám hối những lầm lỡ trước đây cuả mình. Dưới ảnh hưởng cuả thái hậu, Lý Nhân Tông cũng là vị vua sùng đạo, nhân từ, thương dân. Những năm thiên tai, mất mùa đói kém, nhà vua thường tha tội nhân, giảm tô thuế… Trong suốt thời gian nhiếp chính cuả Linh Nhân thái hậu và trị vì cuả Lý Nhân Tông, ngoài chiến công thắng Tống oanh liệt, đất nước ta thanh bình, dân cư no ấm.


Thái hậu Linh Nhân đã ra đi thanh thản vào mùa thu tháng 7 năm Đinh Dậu (1117) khi mà trước đó vào mùa xuân năm này bà vẫn còn minh mẫn và với tấm lòng thương dân vô hạn đã nhắc nhở vua Nhân Tông định rõ lệnh cấm giết trộm trâu để nông dân được yên ổn cày cấy làm ăn [14].


Sám văn Từ Bi Thuỷ Sám Pháp có dạy:
    “Hà nhân vô tội
    Hà giả vô khiên
    Phàm phu ngu hạnh
    Vô phi thị tội”


Tạm hiểu là:
    “Ai mà không phạm tội
    Ai mà chẳng lỗi lầm
    Kẻ phàm phu hành động ngu si
    Cho nên ai cũng phạm tội”.


Là một chúng sinh, Linh Nhân thái hậu cũng không tránh khỏi lỗi lầm. Thế nhưng "Vô biên thắng phước giai hồi hướng” (kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện), sự quay về Bến Giác với tâm vô ngã cuả Linh Nhân thái hậu không phải quá muộn màng, ngược lại đã khiến chúng ta phải suy gẫm và ngưỡng mộ.



____________________________________________________________

Chú thích

1. Theo dân gian

2. Theo” Ngự chế Việt sử tổng vịnh” cuả Dực Tông Anh hoàng đế. (Việt sử tiêu án thì chép” Nhà vua đi du quan đến làng Thượng Lôi (làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thấy một người con gái hái dâu đứng nấp vào đám cỏ tranh…Theo Toàn thư và Cương mục thì người con gái hái dâu nép vào đám cỏ lan)

3. Theo Đaị Việt sử lược vua Lý Thánh Tông lập 8 hoàng hậu.

4. Theo Toàn Thư ngoài Càn Đức, Ỷ Lan còn sinh thêm hoàng tử Minh Nhân vương (không rõ tên) vào tháng 2 Mậu Thân (1068).

5. Theo Hoàng Xuân Hãn - Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao triều Lý trang 84

6. Toàn Thư ghi nhầm 76 thị nữ

7. Hoàng Xuân Hãn – Sđd. Về sau Lý Đạo Thành được phục chức ở bên cạnh thái hậu để giúp đỡ

8. Thiền uyển tập anh trang 153 - bản điện tử -Lê Mạnh Thát dịch

9. Thiền uyển tập anh - phần Đại sư Mãn Giác trang 51-52 (bản điện tử)

10. Hoàng Xuân Hãn – Sđd trang 466-467

11. Thiền uyển tập anh - phần Quốc sư Thông Biện trang 48-49-50-51 (bản điện tử)

12. Vua Lý Nhân Tông không có con trai, về sau lập con cuả Sùng Hiền hầu là Dương Hoán làm thái tử

13. Thiền uyển tập anh trang 51 - bản điện tử

14. Toàn Thư ghi tháng 2 (trang 117 - bản điện tử), Cương Mục ghi tháng 3 (trang 150 - bản điện tử)

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Sponsored content




Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] _
PostSubject: Re: Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117]   Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117] I_icon_minitime

Back to top Go down
 

Ỷ Lan | 倚蘭 [1044–1117]

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam :: Nhà Lý★李朝-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | Sciences and Knowledge | History | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com