♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?]

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] _
PostSubject: Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?]   Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] I_icon_minitime13.09.11 22:15

Lê Văn Thịnh (chữ Hán: 黎文盛, 1038?-?) người làng Đông Cửu, quê xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang, ngày nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ thủ khoa năm 1075 kỳ thi Minh kinh bác học thời Lý Nhân Tông - tức là thủ khoa về khoa cử đầu tiên của Việt Nam. Là người có tài năng, lại có công lao lớn nên làm quan tới chức Thái sư, nhưng năm 1096, ông bị ghép vào tội mưu phản giết vua, nên đã bị đi đầy. Hiện vẫn chưa xác định được ngày, tháng, năm sinh và mất của ông.


Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng, tự học hàng ngàn quyển sách về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Hàng đêm, ngồi trong mùng chong đèn đọc sách đúng hai canh đến ba canh mới đi ngủ.

Năm Canh Tuất 1070, vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở ngay kinh thành Thăng Long. Nho học bắt đầu có địa vị trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước Đại Việt kể từ đó. Đến năm Ất Mão 1075 niên hiệu Thái Ninh, vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cho mở khoa thi Nho học đầu tiên gọi là Minh Kinh Bác Học (Tam Trường). Thời này, mãi đến 1247 mới có đặt Trạng Nguyên, Bãng Nhãn và Thám Hoa. Lê Văn Thịnh đã đỗ thủ khoa trong số 10 người được chọn và được mệnh danh là :"Ông Trạng Khai Khoa". Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học. Đỗ đại khoa xong là có chiếu chỉ triều đình mời ông ra làm quan ngay; ông được vào cung dạy Lý Nhân Tông (mới 9 tuổi, lên ngôi năm Nhâm Tí 1072 lúc 6 tuổi)

Năm 1076, nhà Tống sai tuyên phủ sứ Quảng Nam (tên lộ của nhà Tống, sau chia làm Quảng Nam Đông lộ, tức tỉnh Quảng Đông và Quảng Nam Tây lộ, tức khu tự trị Quảng Tây ngày nay của Trung Quốc) là Quách Quỳ làm chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt để trả thù việc Lý Thường Kiệt và Tông Đản đã đem quân tấn công các châu Ung, Khâm, Liêm của nhà Tống năm trước để phủ đầu mưu đồ xâm lược của nhà Tống. Trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đem quân đánh tan được. Quách Quỳ lui quân, nhưng lại chiếm lấy châu Quảng Nguyên (các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay).

Năm 1078: mùa xuân, tháng giêng, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tống Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi thuần, xin trả lại các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, và những người các châu ấy bị bắt đi. Năm 1079, nhà Tống đem Thuận Châu trả lại (tức là châu Quảng Nguyên, nhà Tống đổi làm Thuận Châu), nhưng chưa trả những đất đai mà thổ dân dâng cho nhà Tống. Tháng 6 năm 1084, khi đó là thị lang bộ Binh, Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới. Tuy binh lực nhà Tống đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua tan tác, song vua quan nhà Tống chỉ đồng ý trả lại đất đai do người Tống xâm lược tại nơi biên thùy. Còn các đất đai do thổ dân nộp để thần phục nhà Tống là hai động Vật Dương và Vật Ác, họ không chịu trả lại. Viện lý những đất ấy là của thổ dân "tự ý" đem sát nhập vào nhà Tống chứ không phải là họ chiếm. Lê Văn Thịnh đã trả lời sứ giả Tống là Thành Trạc:

Đất thì có chủ, các viên quan giữ đất ấy đem nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay "tàng trữ" thì luật pháp cũng không cho phép, huống chi nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua.

Đại diện cho Đại Việt, Lê Văn Thịnh đã trả lời một cách cứng cỏi, đầy đủ lập luận. Đối với luật pháp nước nào cũng vậy, khi nhận một vật gì để canh giữ, nếu đem vật đó bán và hủy bỏ đi, tất nhiên phải có tội. Trong trường hợp này, các thổ dân - chỉ là những người được vua tin dùng, cho cai quản các châu quận ở nơi biên ải xa xôi. Việc tự tiện đem đất đai dâng cho nhà Tống, để xin phần phục, xâm phạm vào lãnh thổ của Đại Việt cũng như việc nhà Tống chiếm giữ đất ấy không thể là hợp pháp, minh bạch.

Luận cứ trên đây cho thấy nền pháp luật thời ấy đã có những bước tiến đáng kể, nên Lê Văn Thịnh đã phân biệt rõ ràng các khái niệm mà ngày nay gọi là khế ước ủy nhiệm, ký thác hay quyền sở hữu.

Nhà Tống cuối cùng phải trả lại 6 huyện 3 động. Người Tống có thơ rằng:

  Nhân tham Giao Chỉ tượng
  Khướt thất Quảng Nguyên kim


Tạm dịch:

  Vì tham voi Giao Chỉ
  Bỏ mất vàng Quảng Nguyên


Năm 1085, Lê Văn Thịnh được vua Lý Nhân Tông cho làm Thái sư.

Năm 1096, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, vua Lý Nhân Tông tha tội chết, an trí ở Thao Giang (tên trại thời Lý, thời Trần đổi là lộ, nay là vùng huyện Tam Thanh, Sông Thao, tỉnh Phú Thọ). Theo Việt Nam Sử Lược, thì ông bị đày đến vùng Lương Giang (Thanh Hóa).

Đại Việt sử ký toàn thư chép:

Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm (hồ Tây ngày nay), ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang... Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch.

Các sử gia cũng như nhiều nhà văn, nhà viết kịch sau này nhiều người không chịu tìm hiểu kỹ nguyên nhân sâu xa nên ngay như Ngô Sĩ Liên đã từng viết: Kẻ làm tôi, phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật. Cho đến gần đây, như Tào Mạt trong vở chèo bộ ba Bài ca giữ nước, còn xếp Lê Văn Thịnh vào hàng ngũ các nhân vật phản diện.


Một giả thuyết ngày nay

 - Năm 1071, nhà Lý đã có đạo luật định rõ khung hình phạt dành cho các tội Thập ác, trong đó có tội mưu phản; như vậy hình phạt đã áp dụng rất không bình thường khi Lê Văn Thịnh được tha tội chết. Cho dù có công lao lớn thế nào mà đã phạm tội giết vua thì không thể thoát khỏi tội chết. Rõ ràng ở đây có một ẩn ý gì đó không bình thường.

 - Nếu chỉ là một người không có tài kinh bang - tế thế, lại có nguồn gốc thấp hèn thì khả năng trở thành Thái sư là rất thấp. Chắc chắn ông phải có những việc làm mà vua thấy được tài năng của ông. Cho dù sử sách chỉ nhắc đến sự kiện ngoại giao với nhà Tống, nhưng việc này chưa đủ để có thể phong làm Thái sư, là một trong những chức vụ quan trọng nhất của một đất nước.

 - Thời kỳ trước đó nhà Tống có biến pháp, gọi là tân pháp do Vương An Thạch đứng đầu nhằm cải cách các chế độ kinh tế-xã hội, quân sự. Các cải cách này chắc chắn có ảnh hưởng tới Đại Việt, do mọi hình thức của các thể chế Đại Việt thời đó đều mô phỏng theo thể chế của nhà Tống. Cải cách của Vương An Thạch thất bại, phần nhiều là do các quan lại trong triều bị đụng chạm lợi ích thiết thân và Vương An Thạch đã phải hưu trí bắt buộc. Có lẽ Lê Văn Thịnh khi đó là Thái sư cũng đã muốn thực hiện những cải cách này tại Đại Việt và ông đã phải chịu kết cục bi thảm hơn Vương An Thạch.

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] Ran_than-Le_Van_Thinh
Con rắn thần bằng đá nguyên khối tương truyền gắn với huyền tích về Lê Văn Thịnh
Trong dân gian, người dân có quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề khác nhiều so với các sử gia chính thống. Hàng năm đến ngày sự lệ, cả 5 thôn Đông, Lai, Nghiêm, Miễu và Lai Lẻ trong xã Chi Nhị xưa đều rước Nghè để trình tế. Thành hoàng hay nghè Nhị Chi của làng chính là Thái sư Lê Văn Thịnh. Tại thôn Bảo Tháp, trong đền thờ Lê Văn Thịnh có một pho tượng kỳ lạ. Những người dân ở đây đã sửng sốt khi tìm thấy một pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rắn lớn (dạng rồng) trong tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" đã chìm sâu trong lòng đất hàng trăm năm nay. Pho tượng toát lên nỗi đau đớn, phẫn uất. Có lẽ nó chính là hiện thân của Lê Văn Thịnh, trạng khai khoa của nền quốc học Việt Nam, đã chịu hàm oan trong vụ án hồ Dâm Đàm từ thời nhà Lý. Người dân đã tạc pho tượng này để thể hiện nỗi oan khuất đó, và niên đại của pho tượng vào khoảng thời nhà Hậu Lê.

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] Le_Van_Thinh
Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại thôn xã Đông Cứu,
Gia Lương, Hà Bắc. Bài vị phía sau ghi: Lê Thái sư Đại vương
Công trình thờ cúng ông được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, có quy mô lớn với đủ các hạng mục Tiền tế, Tiền đường và Hậu đường. Các hạng mục trên đều được lát sàn gỗ. Do nằm ở giữa hai con sông, hàng năm đều bị ngập nước, nên trải qua thời gian Nghè đã phải trùng tu sửa chữa nhiều lần và vẫn được nhân dân địa phương bảo vệ chu đáo.

Ngày nay, Nghè Chi Nhị nằm ở trung tâm của thôn Bảo Tháp, mặt trước hướng nam nhìn ra đê Lai, kiến trúc theo kiểu chữ Công, gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian 2 trái Hậu đường, kết cấu vì theo kiểu chồng con tam kẻ trường, xà lòng. Nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở Nghè thể hiện trên các bộ vì, bức cốn, bẩy hiên. Những người thợ đã chạm nổi hình trang trí theo mẫu thức truyền thống với các hình: Long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai rất phong phú, sinh động mang dấu ấn nghệ thuật thời nhà Nguyễn.

Trong Nghè hiện nay còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật phong phú như: 2 ngai thời, tượng Thái sư Lê Văn Thịnh, bộ bát bửu, thần tích, 5 đạo sắc phong, đạo sớm nhất phong năm 1853, đạo muộn nhất năm 1924 và hệ thống bia đá khắc dựng từ thời Nguyễn, đôi câu đối, cuốn thư và nhiều đồ thờ bằng đồng, gỗ, gốm, sứ. Đó là những di sản văn hóa quý của cha ông để lại, góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử và nghệ thuật cho di tích này.

Trong số các địa phương ở Bắc Ninh có thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (Thập Đình và Đình Tổ), chỉ có Nghè Chi Nhị bảo quản được tượng Lê Văn Thịnh. Pho tượng được tạc vào thời Nguyễn, đặt trong khám thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy ở phần trang trọng nhất nơi Hậu cung của Nghè. Nghệ thuật tạc tượng, điêu khắc gỗ, sơn son thếp vàng rất điêu luyện, lột tả được chân dung thư thái của vị quan Thái sư tài năng, đức độ-người đã có công lao to lớn trong việc rèn dạy đấng quân vương thời niên thiếu, trong mặt trận ngoại giao, kinh bang tế thế với vương triều nhà Tống để đòi lại lãnh thổ thời Lý.

Tượng thái sư Lê Văn Thịnh góp phần quan trọng cùng các di sản văn hóa khác ở Nghè Chi Nhị và các đình, đền ở Bắc Ninh, giới thiệu phong phú hơn về danh nhân khoa bảng này, đặc biệt là đối với Bảo tàng Bắc Ninh. Nghè Chi Nhị đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa năm 2004.

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] _
PostSubject: Re: Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?]   Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] I_icon_minitime13.09.11 22:41

Nỗi hàm oan mang tên Lê Văn Thịnh
Theo như "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn, "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim đều cho biết khoa thi đầu tiên của nước ta là vào mùa xuân, tháng 2, năm Ất Mão (1075), với vị trạng nguyên đầu tiên của nước Việt là Lê Văn Thịnh, người xã Đông Cứu, huyện Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh).

Về vụ án Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây - Hà Nội) vào năm Bính Tý (1096), khi còn trẻ, tôi đọc sử đã bị ám ảnh bởi sự kiện này, rồi một số sáng tác thuộc loại hình sân khấu thời nay lại nhấn mạnh và điển hình hoá sự kiện này hơn nữa.

Tôi có nghe nói những năm qua đã có cuộc trao đổi tranh luận về vấn đề này, ở Bắc Ninh hiện đã có một số vở kịch và tiểu thuyết nhằm minh oan đối với Trạng nguyên Lê Văn Thịnh; về phần mình, tôi muốn góp thêm một tiếng nói về một hiện tượng đã được ghi một cách đột ngột trong sử ở vào thời đại Lý Nhân Tông.

Như chúng ta đều biết, thời đại Lý Nhân Tông là thời đại hùng mạnh về kinh tế và quân sự của nước Đại Việt, qua hai lần đại thắng quân Tống tại Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) vào năm 1075 và tại sông Cầu vào năm 1076. Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072 khi mới 7 tuổi, Ỷ Lan Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính từ năm 1073 cho đến cuối đời - Điều này được ghi rõ trong sử như sau: Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), Ỷ Lan Hoàng Thái hậu băng hà, thì tháng 2 năm 1117 sử vẫn ghi: "Tháng 2, định rõ lệnh cấm trộm trâu" Hoàng Thái hậu nói: "Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều kẻ trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước".

(ĐVSKTT - NXB KHXH - 1983 - trang 302)

Theo như sử ghi thì cách 5 tháng trước khi mất, tiếng nói của Ỷ Lan Hoàng Thái hậu vẫn đầy quyền lực trong triều đại Lý Nhân Tông. Sau đây, để tham khảo và suy ngẫm, tôi xin được chép lại một số sự kiện từ cuối thời đại Lý Thái Tông đến năm 1075, với những sự kiện có liên quan đến Ỷ Lan Hoàng Thái hậu và Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh (theo Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Khoa học xã hội - 1983).

* Quý Mão (1063): Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức (tức Lý Nhân Tông). Tục truyền rằng nhà vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp các chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lau. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân.

* Bính Ngọ (1066): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 25, giờ hợi, hoàng tử Càn Đức (sau này là Lý Nhân Tông) sinh. Ngày hôm sau lập làm hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong mẹ thái tử là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi. (trang 285).

* Kỷ Dậu (1069): Mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liêm, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!". Bèn quay lại đánh nữa, thắng được (trang 286).

* Canh Tuất (1070): Mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối (Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử), vẽ tượng Thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử), bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử tới học ở đây (trang 287).

* Nhâm Tý (1072): Mùa xuân, tháng Giêng, ngày Canh Dần, vua (Lý Thánh Tông) băng hà ở điện Hội Tiên.

Hoàng Thái tử Càn Đức (tức Lý Nhân Tông) lên ngôi ở trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ 1. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng Thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương là Hoàng Thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc (trang 288).

* Quý Sửu (1073): Giam Hoàng Thái hậu họ Dương, tôn Hoàng Thái phi (Ỷ Lan nguyên phi) làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương Thái hậu và 72 thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng phật, sao lại đến nỗi giết đích Thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? (...) Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy?

Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Đạo Thành lập viện Địa Tạng ở trong miếu Vương Thánh châu ấy ở giữa viện đặt tượng Phật và vị hiệu của Thánh Tông, sớm hôm thờ phụng (trang 289).

* Ất Mão (1075): Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh Kinh bác học và thi nho học tam trường, Lê Văn Thịnh được trúng tuyển cho vào hầu vua học.

* Giáp Tý (1084): Mùa hạ, tháng 6, sai thị lang bộ binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới.

Định biên giới, nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện 3 động. Người Tống có thơ rằng: "Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim" (Vì tham voi Giao Chỉ, bỏ mất vàng Quảng Nguyên).

* Ất Sửu (1085): Cho Lê Văn Thịnh làm Thái sư. Bấy giờ thiên hạ vô sự, hoàng hậu đi chơi khắp các núi sông, ý muốn xây dựng chùa tháp (trang 294).

* Bính Tý (1096): Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ). Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo kêu rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch" (trang 297).

* Đinh Sửu (1097): Mùa thu, tháng 8, sao mọc ban ngày. Bấy giờ trong nước giàu đủ, Thái hậu làm nhiều chùa Phật (trang 297).

"Đại Việt sử ký toàn thư" có lời bình chú rằng "Tục truyền Thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan" (trang 301).

Vụ án trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) xảy ra vào năm 1096 đối với Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh - vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Đại Việt, tính đến nay đã 912 năm. Từ đọc trong sử sách, đến việc về tận quê hương của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tiếp xúc với dân gian thấy câu chuyện về Lê Văn Thịnh khác hẳn như trong sử sách đã ghi. Trước và sau sự kiện 1096, trong sử không thấy ghi sự việc gì liên quan đến Lê Văn Thịnh với vụ án này, mà chỉ dẫn ra một sự việc khá hàm hồ là "Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch".

Thời đại Lý Nhân Tông mà Trạng nguyên Lê Văn Thịnh phò tá là một thời đại hùng mạnh, giàu đủ như trong sử đã ghi rõ. Một vị Thái sư, một Trạng nguyên giỏi giang thông thái như Lê Văn Thịnh không thể mượn phép thuật để mưu phản "giết vua". Thử hỏi, một mình ông đứng ra giết vua ở vào thời đại đó, để làm gì? Trước sau trong sử không hề ghi ông có hiềm khích, thù oán, xung khắc gì với triều đình, với vua và Hoàng Thái hậu - sử không hề ghi ông có phe nhóm, bè đảng và âm mưu gì.

Vậy Trạng nguyên Lê Văn Thịnh giết vua vì mục đích gì? 912 năm trôi qua, sự việc ở hồ Dâm Đàm vẫn treo trên đầu các thời đại một câu hỏi lớn. Hiện quê hương của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, nhân dân trong vùng sùng kính trân trọng ông tột bậc, có 2 khu di tích lập ra để thờ ông (ở Thuận Thành và Gia Bình), khu lăng mộ của ông đã được trùng tu nhiều lần đến nay rất quy mô và bề thế.

Người dân trong vùng truyền đi những giai thoại đẹp về vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt, và vụ án được ghi trong sử đã được Ỷ Lan Hoàng Thái hậu giải oan từ khi bà còn sống, được thể hiện qua pho tượng điêu khắc rồng hiện đang được thờ tại đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.

Đã gần 10 thế kỷ trôi qua, dấu xưa đã phôi pha chẳng còn bao vết tích. Ngay trong sử sách có nhiều điều bị thêm bớt, sửa chữa cách nay nhiều thế kỷ nên ngày nay có nhiều điều chúng ta chưa được rõ. Theo cố GS Trần Quốc Vượng trong lời đầu sách khi dịch "Việt sử lược" (thế kỷ XIV) cho biết: "Quyển sử đầu tiên của nước ta - cho đến nay được biết là sách "Đại Việt sử ký" do Lê Văn Hưu soạn, đời Trần Nhân Tông năm Nhâm Thân 1272. Sách ấy ngày nay không còn nữa.

Nó đã bị thêm bớt, sửa chữa, bao gồm vào sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (...). Những sách sử đời Trần còn lại đến ngày nay chỉ còn thấy hai bộ: Một là sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc soạn ở Trung Quốc vào năm 1333. Còn bộ sử thứ hai là một bộ sách nhỏ, gọi là sách "Việt sử lược". "Việt sử lược" là do một tác giả cuối đời Trần đã lược lại "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu (...). Theo Ngô Sĩ Liên, sách "Đại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển, mà nay phần còn lại trong "Toàn thư và Việt sử lược" không còn là bao. Điều đó chứng tỏ cả hai sách đã lược bớt Đại Việt sử ký rất nhiều".

Tôi chỉ là người yêu sử, nhân một cuộc du ngoạn viếng thăm đền thờ và quê hương Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt, cảm khái chép lại đôi điều trong sử sách, rất mong được các bậc học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử sớm làm sáng tỏ sự kiện năm 1096 trên hồ Dâm Đàm, trả lại những giá trị đích thực đối với vị Trạng nguyên đầu tiên của nước Việt - Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh.
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] _
PostSubject: Re: Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?]   Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] I_icon_minitime13.09.11 22:57

Vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh "hoá hổ, giết vua"

Năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) cho mở khoa thi tam trường để chọn người tài làm quan. Đây là khoa thi đầu tiên ở nước ta, người đỗ thủ khoa là Lê Văn Thịnh người huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là vị tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, làm quan đến chức Thái sư nhưng ai có thể ngờ rằng, hơn hai chục năm sau vị thủ khoa này mắc tội “hoá hổ, giết vua, mưu phản”, bị lưu đày tận miền sơn cước.

Các sách chính sử thời phong kiến đều chép chính thức sự kiện này và cho rằng Lê Văn Thịnh mắc tội phản nghịch là có thực.

Trong sách Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Sĩ Liên chép: “Người làm tôi, định cướp ngôi giết vua mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng Phật giáo”.

Lý Tế Xuyên, tác giả “Việt điện u linh” cũng than thở: “Lê Văn Thịnh tội nên xử trảm vua lại tha mà chỉ phạt lưu, chính hình như thế thật là lầm lỗi”.

Vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh được các nhà chép sử ghi lại như sau:

“Bính Tý (1096): Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ). Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo kêu rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch" (trang 297 - Đại Việt sử kí toàn thư).

Sách “Việt điện u linh” lại giải thích thêm: “Quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một gia nô người Đại Lý (Vân Nam) có thuật lạ: đọc thần chú xong biến thành hổ báo. Văn Thịnh cố dỗ để dạy mình thuật ấy, học được thuật rồi, liền lập mưu giết tên gia nô và dùng thuật hại vua để cướp ngôi”.

Sau khi “quăng lưới chụp vào thuyền kia, bắt được hổ và nhận ra là Lê Văn Thịnh! Nhà vua cả giận, sai lấy dây sắt xích lại, bỏ vào cũi, rồi đày lên miền Thao Giang (nay thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Vua khen Mục Thận có công, cất làm Đô uý và sau thăng tới Phụ quốc tướng quân. Khi mất tặng chức Thái uý, dựng đền tạc tượng thờ” (Sách Việt điện u linh).

Vậy có thật Lê Văn Thịnh mưu phản, giết vua cướp ngôi không? Tại sao vị Thái sư thông thái này lại có phép thần thông để đổi trời trong sáng thành mây mù, hoá được thành cọp?

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giải thích như sau: “Chuyện trên đây tiêu biểu cho sự mê tín có ảnh hưởng lớn đến chính trị triều Lý. Về thời tiết lúc đó, một trận mây mù thình lình xuất hiện bên hồ là một sự thường gặp. Nhưng với tâm thần hay bị xúc động như vua Lý khi thấy trời tối mà mình vẫn ở trên mặt nước thì đâm ra hoảng hốt. Có lẽ Lê Văn Thịnh cũng vì thấy trời tối nên vội vã sai người chèo thuyền nhanh ra để hộ giá vua về. Ngồi trên thuyền tròng trành không vững nên Văn Thịnh phải khom mình bám vào mạn thuyền. Hình dáng giống như con hổ. Mặt khác, có lẽ Văn Thịnh cũng tin vào các thuật và có tiếng sẵn là đã học phép hoá hổ. Nên kẻ nhìn thấy hình dáng con hổ lại càng nghi ông muốn hại vua”.

Vậy câu chuyện Lê Văn Thịnh là một sự hiểu nhầm hay chỉ là một màn kịch để loại bỏ công thần của vua Lý?

Lần trang sử cũ, ta thấy có nhiều bản án huyễn hoặc tương tự, không ít nhân tài quốc gia bị triều đình phong kiến huỷ diệt. Bản thân vua chúa vì lợi ích hoàng tộc thường hay thù địch, đề phòng và loại bỏ những tài năng xuất chúng sau khi đã lợi dụng họ trong một thời gian nhất định. Hàn Tín, trước khi bị Hán Cao Tổ giết ở Vị vương cung đã biết rằng kẻ dùng mình sẽ không tha mình khi đế nghiệp hoàn thành nên từng than thở: “Giảo thỏ chết, chó săn bị thịt, chim hết, cung bị xếp xó”.

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết trong Truyện Kiều:

 “Trăm năm trong cõi người ta
 Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.


Hoặc:

 “Có tài mà cậy chi tài
 Chữ tài liền với chữ tai một vần”.


Trở lại vụ án Lê Văn Thịnh, từ khi Lê Văn Thịnh thi đỗ thủ khoa và được bổ dụng làm quan, ông đã đem hết tài năng và trí tuệ của mình để phụng sự triều đình. Ông đã từng là thầy dạy của vua Lý Nhân Tông.

Năm Giáp Tý (1084), Lê Văn Thịnh lúc này giữ chức Thị lang Bộ binh được vua giao đến trại Vĩnh Bình để cùng với người Tống bàn việc cương giới và lấy về cho Đại Việt 6 huyện, 3 động. Đây là công lao rất lớn của Lê Văn Thịnh trong vấn đề hoạch định biên cương của Tổ quốc.

Năm Ất Sửu (1085), Lê Văn Thịnh được phong chức Thái sư - chức quan đại thần to nhất trong triều. Đất nước lúc này đang trong thời kì thái bình, dân an, nước mạnh. Lê Văn Thịnh không những có công lớn trong ngoại giao mà còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng luật pháp thời Lý.

Sau những thành công lớn lao của Lê Văn Thịnh hẳn ông đã trở thành một mối lo âu đối với vua quan bấy giờ. Vua lo sợ ngai vàng bị đe doạ, quan lo sợ địa vị bị phương hại. Vì vậy có kẻ đã dựng nên màn kịch “sự kiện hồ Dâm Đàm” để loại trừ mối nguy hại này.

Có phải vì thế mà dẫn đến vụ án oan khiên Lê Văn Thịnh?

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] LeVanThinh
Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh tại đền thờ thôn Bảo Tháp, (Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh)

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] RanLeVanThinh
Bức tượng rồng đá oan khiên trong khu đền Lê Văn Thịnh
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Sponsored content




Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] _
PostSubject: Re: Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?]   Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?] I_icon_minitime

Back to top Go down
 

Lê Văn Thịnh | 黎文盛 [1038?-?]

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam :: Nhà Lý★李朝-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com