♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  _
PostSubject: Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.    Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  I_icon_minitime01.09.13 23:47

Thùy Dương

Dường như ai cũng được thiên phú tài năng nào đó, có thể được khai thác hoặc ở dưới dạng tiềm năng và Frank Abagnale Jr. không nằm ngoài quy luật đó. Cái tài của Frank là làm giả séc và đủ loại giấy tờ. Cái tài của Frank là đóng giả bất kỳ ai làm bất kỳ nghề nào. Với những tài đó, Frank đã chiếm đoạt được tổng cộng 4 triệu USD ở 26 quốc gia – một điều “vô tiền khoáng hậu” và đặc biệt nữa là chuyện đó diễn ra khi cậu mới chỉ 16 – 21 tuổi.


I - Dòng đời xô đẩy

Khi đóng quân ở thành phố Oran (Angiêri) trong Thế Chiến II, Frank W. Abganale Sr. (Frank cha) gặp và đem lòng yêu một cô gái trẻ xinh đẹp người Pháp tên là Paulette. Chẳng bao lâu sau, họ kết duyên vợ chồng và sau chiến tranh dọn tới sống ở ngoại ô New York (Mỹ). Tại đây, Frank Sr. đã gây dựng và điều hành một cửa hàng văn phòng phẩm có lợi nhuận cao trên đại lộ Madison. Một cô con gái và 3 cậu con trai lần lượt ra đời, trong đó Frank W. Abagnale Jr. chào đời ngày 27/4/1948.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  1zyx8wj
Frank lúc 16 tuổi.

Tuổi thơ của Frank trôi qua êm đềm. Cậu có mối quan hệ tốt với cha mẹ và đặc biệt gần gũi với cha. Tuy nhiên, khi đang ở tuổi thiếu niên, cuộc đời của Frank rẽ sang một hướng khác khi mẹ cậu quyết định rời bỏ cha cậu. Khi cuộc hôn nhân của cha mẹ kết thúc bằng một vụ ly hôn cũng là lúc cuộc đời Frank hoàn toàn thay đổi. Frank vẫn ở cùng cha tại Bronxville, New York. Cha con Frank rất thân thiết và thường dành thời gian ở bên nhau. Bố cậu thỉnh thoảng đưa cậu đi cùng trong những cuộc gặp bàn về công việc kinh doanh với các doanh nhân, chính khách lịch lãm. Frank học được rất nhiều điều trong những lần tiếp xúc với đối tác của cha và kiến thức của cậu cứ thế tăng dần lên.

Vượt trội hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa về mặt trí tuệ song Frank vẫn dính vào nhiều rắc rối trong thời niên thiếu. Vào thời gian cha mẹ ly hôn, Frank chơi bời với một nhóm thanh thiếu niên phạm pháp thường tham gia trộm cắp vặt. Cậu từng bị giam giữ trong trại tạm giam thanh thiếu niên. Bị bắt giam nhưng Frank vẫn không chừa thói quen chôm chỉa đồ của người khác. Không những thế, việc bị giam giữ còn đánh dấu bước khởi đầu trên con đường phạm pháp tinh vi của Frank.

Dù con trai có những hành vi không tốt nhưng cha của Frank vẫn tin tưởng giao cho cậu sử dụng chiếc ô tô hiệu Ford và thẻ tín dụng để mua xăng. Nhờ có xe, Frank kiếm được công việc bán thời gian là làm thư ký tại một nhà kho. Nhưng Frank không bằng lòng với điều này mà còn nung nấu nhiều kế hoạch khác.

Giống như nhiều bạn bè cùng tuổi, Frank luôn để mắt đến các bạn gái. Nhờ vẻ ngoài điển trai, cậu không khó khăn mấy khi thu hút sự chú ý của các cô bạn xinh xắn, nhất là khi cậu lại lái một chiếc xe thật "oách". Rồi Frank cũng bị cuốn vào các cuộc hẹn hò. Vấn đề duy nhất của cậu là không kiếm được nhiều tiền từ công việc bán thời gian. Trong đầu Frank lúc nào cũng nghĩ đến các cách kiếm tiền để bao các cô bạn gái. Không lâu sau, cậu đã có giải pháp cho vấn đề tiền bạc, đó là dùng chiếc thẻ tín dụng của cha – nạn nhân đầu đời của cậu.

Frank đã vạch ra một kế hoạch rất thông minh. Trong vài tháng liền, Frank đi khắp thị trấn mua nhiều đồ bằng chiếc thẻ tín dụng của cha. Cậu thỏa thuận với những người làm việc ở trạm xăng rằng cậu sẽ mua rất nhiều lốp xe, ắc quy ô tô và các phụ tùng khác bằng thẻ tín dụng. Các nhân viên ở trạm xăng sẽ bán giúp cậu. Cậu chỉ cần nhận một phần tiền mặt sau khi bán các phụ tùng đó, còn nhân viên trạm xăng bỏ túi số còn lại khoảng 50%. Đây rõ ràng là một giải pháp đôi bên cùng có lợi nên các nhân viên trạm xăng đồng ý ngay lập tức. Tuy nhiên, bên thứ ba là cha của Frank thì lại không hề lợi lộc gì. Ngược lại, ông đã "choáng" với hóa đơn xăng lên tới vài ngàn USD.

Sau lần lợi dụng chiếc thẻ của cha một cách láu cá, Frank phải dọn về sống với mẹ và ngay lập tức bị đưa vào một trường tư dành cho những thanh niên bất trị trong vòng 1 năm. Vào thời gian bị cậu con trai "moi" tiền gián tiếp, cửa hàng văn phòng phẩm của Frank cha cũng gặp khó khăn về tài chính. Hóa đơn phải thanh toán cho hành động dại dột của con khiến vấn đề tài chính của ông càng trầm trọng hơn. Cuối cùng, ông đã phải đóng cửa hàng.

Do áp lực từ vụ ly hôn của cha mẹ và việc kinh doanh của cha gặp khó khăn, Frank đã bỏ nhà năm 1964 khi cậu 16 tuổi. Về sau, Frank cho biết cậu rất hối hận vì đã lừa người cha mà cậu vô cùng yêu thương, kính trọng. Dù thế, đối với Frank, tiền đã và sẽ luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình mưu lợi cho bản thân. Từ đây, Frank dấn thân vào con đường trở thành một trong những kẻ lừa đảo siêu hạng nhất nước Mỹ.


II - Chuẩn bị "hành trang" làm phi công dởm

Rời nhà với một quyển séc và 200 USD trong tài khoản ngân hàng, Frank khởi hành đến thành phố New York. Cậu sống tạm với gia đình một người bạn mới quen trên chuyến tàu tới New York. Không lâu sau, Frank tìm được việc làm tại một công ty văn phòng phẩm nhờ kinh nghiệm từ công việc kinh doanh của cha.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  28ldoj8
Bộ đồng phục của hãng Pan American.

Kiếm đủ tiền để có một cuộc sống tươm tất khó khăn hơn Frank tưởng, đặc biệt là khi chỉ có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Lúc này, cậu ta nảy ra một ý tưởng để tăng khoản thu nhập 1,5 USD/giờ của mình. Frank quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh trên giấy phép lái xe để làm mình già thêm 10 tuổi. Mánh này xem ra có vẻ đáng tin vì Frank trông chững chạc hơn nhiều so với tuổi, cộng với chiều cao khoảng 1,8 mét và mái tóc ngả màu trước tuổi. Không dừng lại đó, Frank còn khai man về trình độ học vấn vì biết chắc điều đó sẽ góp phần làm tăng thu nhập. Tuy nhiên, Frank nhanh chóng nhận ra rằng dù có nói dối về tuổi và học vấn thì công việc hiện tại cũng chỉ có thể mang lại cho cậu một cuộc sống tằn tiện. Mà Frank lại muốn nhiều hơn thế.

Frank bắt đầu với quyển sổ séc. Thay vì làm việc kiếm sống, Frank bỏ việc và viết hàng trăm tấm séc giả mạo để rút hàng ngàn USD từ ngân hàng. Frank cũng thừa thông minh để hiểu rằng thế nào cảnh sát cùng tìm đến nếu cậu ở nguyên một chỗ. Do đó, Frank liên tục đổi chỗ ở và thay đổi tên.

Đang lúc băn khoăn không biết nên đi đâu và làm gì, Frank lại loé lên một ý tưởng khi nhìn thấy một vài tiếp viên hàng không và phi công vui vẻ bên ngoài khách sạn Commodore ở New York. Frank cho rằng nếu có được một bộ đồng phục phi công thì sẽ không bị ai nghi ngờ khi đi rút séc. Dù sao phi công cũng là một nghề đáng tin và được trọng vọng. Khi thấy khách hàng khoác trên mình bộ đồng phục này, nhân viên thu ngân ở ngân hàng sẽ ít có khả năng nghi ngờ khách hàng lừa tiền.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  2i9oxhj
Lôgô của hãng Pan American.

Từ lúc có ý tưởng "kiệt xuất" trên, Frank vạch ra một kế hoạch hành động tỉ mỉ. Cậu liên lạc với trụ sở hãng hàng không Pan American và thông báo mình bị mất đồng phục khi ở khách sạn tại New York. Nhân viên ở trụ sở không mảy may nghi ngờ và đã hướng dẫn cậu đến công ty chuyên may đồng phục cho hãng ở đại lộ số 5. Ngay hôm đó, Frank đã có trong tay bộ đồng phục phi công của Pan American sau khi khai bừa một số hiệu nhân viên. Vậy là bước đầu đã xuôi.

Để nâng cao độ tin cậy, Frank còn cố gắng kiếm cả thẻ phù hiệu của hãng Pan American. Sau khi kiểm tra danh bạ điện thoại và thực hiện vài cú điện thoại, Frank đã biết công ty 3M chuyên làm thẻ ra vào và thẻ phù hiệu cho một số hãng hàng không, trong đó có Pan American. Cậu đóng vai một nhân viên đi mua thẻ mới cho công ty của mình rồi liên lạc với công ty 3M. Khi gặp nhân viên kinh doanh của 3M, cậu thấy có một mẫu thẻ giống với mẫu của Pan American và yêu cầu 3M làm thử một chiếc thẻ mẫu với tên tuổi, ảnh của mình. Frank giải thích rằng làm như vậy để các nhân viên công ty cậu dễ hình dung về chiếc thẻ mà họ sẽ dùng. Tất nhiên, với lý do hợp lý như vậy, 3M đã làm cho Frank một chiếc thẻ gần giống với thẻ của Pan American, chỉ thiếu mỗi lôgô.

Với đầu óc thông minh như Frank thì vấn đề này quá dễ giải quyết. Cậu mua một chiếc máy bay mô hình của Pan American có dán lôgô hãng. Frank gỡ lôgô ra và cẩn thận dán vào thẻ phù hiệu. Chiếc thẻ hầu như không có một dấu hiệu giả mạo nào.

Cần thêm hai yếu tố nữa để trở thành một phi công Pan American là kiến thức về ngành hàng không và giấy phép của Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA). Cậu miệt mài đọc sách thư viện để thu thập tối đa các thông tin về ngành hàng không, phi công và thuật ngữ chuyên ngành. Frank còn giả mạo làm sinh viên đang thực hiện luận án nghiên cứu về phi công và hãng Pan American để tiếp cận với các nhân viên cũng như lãnh đạo của hãng hàng không này. Nhờ đó, cậu có một lượng thông tin khổng lồ, nắm bắt được các quy tắc, chính sách của Pan American, loại máy bay hãng này sử dụng…

Quan trọng hơn cả, Frank biết thông tin về một chế độ đặc cách dành cho một nhân viên hàng không. Theo chế độ này, nhân viên hàng không có thể đi trên chuyến bay của các hãng hàng không khác để thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Chi phí do hãng hàng không của nhân viên đó chịu toàn bộ. Thông tin này khiến Frank đặc biệt chú ý. Đóng giả một phi công có nghĩa là cậu có thể đi máy bay miễn phí trên toàn thế giới.

Về giấy phép FAA - một loại giấy phép cần phải trình trên các chuyến bay ra nước ngoài, Frank cũng không mấy khó khăn khi tự mình mày mò làm ra một chiếc trông như thật. Vậy là giờ cậu đã có đầy đủ "hành trang" để đóng giả một phi công Pan American một cách xuất sắc.


III - Chiêu lừa đảo dưới bộ đồng phục phi công

Frank giờ đã có trong tay một giấy phép FAA giả, một thẻ ra vào của Pan American, một khối lượng kiến thức về ngành hàng không, một bộ đồng phục phi công và sự táo bạo, liều lĩnh dấn thân vào một kế hoạch lừa đảo lớn. Sử dụng cái tên Frank Williams, cậu đã đến nhiều ngân hàng trong khu vực để mở tài khoản khi đang khoác trên mình bộ đồng phục phi công. Khi tới các ngân hàng ở New York, Frank luôn được các nhân viên ngân hàng đặc biệt quan tâm và nể trọng nhờ nghề phi công vẻ vang. Họ đâu có ngờ viên phi công đó chỉ là một chú nhóc con láu cá đang tìm cách lừa tiền của họ.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  T0iag5
Viên phi công “dởm” Frank Abagnale khi 18 tuổi.

Vào những năm 1960, ngành hàng không và những người làm trong ngành này rất được trọng vọng, đặc biệt là phi công – một vị trí có uy tín cao – và nhất là lại làm phi công của hãng Pan American danh giá. Thế nên, dù đến ngân hàng hay chỉ đi lại trên phố, ai cũng ngước nhìn Frank với ánh mắt ngưỡng mộ. Điều mà Frank thích nhất đó là sự chú ý của các cô gái xinh đẹp. Trong khi thường xuyên đến các sân bay để thu thập thông tin, Frank gặp rất nhiều nữ tiếp viên thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến cậu. Vẻ ngoài hấp dẫn cùng bộ đồng phục đã dẫn Frank vào vô số cuộc hẹn hò và những mối quan hệ chớp nhoáng. Khi hẹn hò cùng với các nữ tiếp viên, Frank không chỉ biết thêm về những phụ nữ lớn tuổi hơn mình mà còn nắm được vô số thông tin về ngành hàng không.

Rồi Frank cũng đủ tự tin để thử một chuyến bay miễn phí tới Miami. Cậu đã lên được chiếc máy bay của hãng Eastern Airline trong bộ đồng phục phi công sau khi khai một số thông tin về tên tuổi, số hiệu nhân viên và một số thông tin khác. Khi lên máy bay, cậu thậm chí còn vào được buồng lái. Tất nhiên, lúc nào Frank cũng phải trong tư thế sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của các phi công thật. Chỉ một sai lầm thôi cũng sẽ vạch trần bộ mặt thật và đủ để tống cậu vào tù.

Thế nhưng, các phi công không mấy chú ý đến cậu và chuyến bay hầu như suôn sẻ. Khi đặt chân đến Miami, việc đầu tiên Frank làm là thở phào nhẹ nhõm. Từ đó và trong suốt hai năm liền, hễ muốn đi đâu là cậu lại dùng phương pháp này. Trong khi đó, Pan American cứ trả chi phí cho cậu mà không hay biết. Về sau, hãng này tính toán rằng tổng cộng Frank đã bay 160.000 km trên 250 chuyến bay tới 26 quốc gia.

Kỹ năng lừa tiền bằng các tấm séc giả mạo đã trở nên tinh vi hơn là Frank nghĩ. Cậu không chỉ là một kẻ lừa đảo séc tài ba mà còn là một kẻ mạo danh xuất sắc. Tất cả là nhờ một cá tính mạnh mẽ, óc quan sát tinh nhanh và cả một quá trình nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng cho một âm mưu lừa đảo. Frank đã dày công nghiên cứu về séc một cách tỉ mỉ. Cậu luôn thay đổi số séc để nó có thể quay vòng và khiến nhân viên ngân hàng mất thời gian phát hiện. Nhờ đó cậu có thể rút tiền bằng vài tấm séc giả mạo liên tục ở cùng một ngân hàng. Cậu phát hiện ra rằng nếu thay đổi số séc, tấm séc sẽ được gửi đến một nơi nào đó. Càng gửi séc đi xa thì càng mất thời gian để lấy lại. Hơn nữa, lúc nào Frank cũng mở các tài khoản séc thật bằng tên giả, đặt cọc bằng tiền mặt và cung cấp địa chỉ thật nơi cậu đang sống hoặc số hộp thư bưu chính để nhận séc. Nhờ đó, quá trình giao dịch của Frank có vẻ đáng tin. Sau đó, Frank sẽ rút một lượng lớn tiền từ tài khoản bằng cách viết các tấm séc trị giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn USD vào một thời điểm.

Chiêu lừa này được Frank thực hiện ở khắp nước Mỹ và trên thế giới nên cơ quan chức năng khó lòng mà phát hiện ra. Khi mà các điều tra viên phát hiện ra séc giả mạo thì Frank đã cao chạy xa bay ở một nơi khác. Frank lúc nào cũng sẵn sàng chạy trốn để thoát khỏi lưới pháp luật. Cậu giữ hàng ngàn USD lừa đảo được trong các két gửi tiền an toàn trên toàn nước Mỹ để dùng trong trường hợp cần thiết.

Dù có trong tay tiền bạc, lúc nào cũng được phụ nữ chú ý và được đi khắp thế giới nhưng Frank không hạnh phúc. Cậu chán cảnh trốn chạy cảnh sát và rất cô đơn. Cậu nhận ra rằng phụ nữ quan tâm đến con người giả mạo của cậu và cậu không thể có một mối quan hệ nghiêm túc với cái tên giả. Cậu nhận ra rằng kiểu sống này sẽ không kéo dài mãi được và việc vào tù chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Cái ngày cậu bị nghi ngờ cũng đã đến. Trên một chuyến bay miễn phí tới Miami, khi máy bay vừa hạ cánh xuống hạt Dade, ba nhân viên đã chặn cậu ngay trên máy bay. Dù khăng khăng mình là Frank Williams và là một phi công nhưng cậu vẫn bị áp giải đến sở cảnh sát để thẩm vấn. Ở sở cảnh sát, Frank đưa cho các điều tra viên chứng minh thư giả và cho họ vài cái tên để đối chứng. May cho Frank là cậu đã quen biết một vài người trong ngành hàng không trong các chuyến bay miễn phí và những người này đã xác nhận với cảnh sát. Frank được cảnh sát xin lỗi và thả tự do.

Sau cú thoát hiểm may mắn này, Frank tạm rút lui một thời gian để đảm bảo an toàn. Cậu đến ở Atlanta, bang Georgia. Tại đây, cuộc đời cậu lại rẽ sang một hướng khác.


IV - Làm bác sĩ nhi, luật sư và giảng viên

Khi ở Atlanta, Frank quyết định thuê nhà trong vòng 1 năm tại một khu vực dân cư sang trọng. Lúc thuê nhà, Frank khai nghề nghiệp là bác sĩ nhi khoa đang đi nghỉ phép để thư giãn.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  5u30a8
Trường Đại học Brigham Young – nơi Frank diễn vai giáo sư.

Một ngày nọ, một bác sĩ mới chuyển đến khu dân cư đã bất ngờ tới thăm nhà Frank. Lúc đầu, Frank cũng lo lắng vì sợ bị phát hiện. Tuy nhiên, hai người lại không nói nhiều về công việc mà chỉ chuyện phiếm về phụ nữ. Bác sĩ nọ ngỏ ý mời Frank đến thăm bệnh viện nơi anh ta đang làm việc và Frank đồng ý ngay. Về sau, Frank rất hay đến bệnh viện này chơi và dần dần kết thân được với những nhân viên khác. Cuối cùng, cậu cũng có cơ hội tiếp cận thư viện y khoa và cậu đọc ngấu nghiến mọi thứ để tìm hiểu về nghề bác sĩ nhi.

Sự ham học hỏi và tính tình dễ chịu của Frank đã khiến giám đốc bệnh viện chú ý và hẹn gặp cậu. Frank đồng ý nhưng vẫn đề cao cảnh giác sợ ông giám đốc phát hiện ra thân phận. Trái với lo lắng của Frank, vị giám đốc mời cậu làm một công việc tạm thời là giám sát các thực tập sinh trong ca trực đêm do bác sĩ làm việc này đột ngột nghỉ. Sau một hồi thì Frank cũng đồng ý.

Frank đã phải vận dụng óc hài hước của mình để che lấp sự thật là cậu thiếu kiến thức cơ bản về nhi khoa. Nếu cậu không biết điều gì đó hoặc bị hỏi một câu khó, cậu sẽ đùa cợt và nói vòng vo, rồi “đá” câu hỏi sang cho các bác sĩ khác. Trí thông minh và óc hài hước quả thực rất có tác dụng. Không những che giấu được bí mật mà còn khiến Frank được yêu quý. Sở dĩ cậu vẫn được làm bác sĩ giám sát là vì trong vai trò này, cậu không phải khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhưng, cũng như những lần giả mạo trước, cậu biết rõ rồi mình sẽ bị lộ nếu cứ kéo dài trò chơi nguy hiểm này.

Ngày Frank nhận ra rằng bác sĩ không phải là một trò chơi cũng đến. Một đứa trẻ được đưa vào phòng cấp cứu do bị thương ở chân. Frank được gọi đến để hỗ trợ. Thay vì xử lý vết thương, cậu đã để các thực tập sinh làm công việc đó mà chỉ đứng ngoài giám sát tình hình. Cũng may là các thực tập sinh lại muốn gây ấn tượng với bác sĩ giám sát. Tuy nhiên, Frank đã suy nghĩ rất nhiều vì với vai trò là bác sĩ, cậu phải chịu trách nhiệm về mạng sống của bệnh nhân.

Ngay sau đó, cậu đã quyết định rời bệnh viện và nộp đơn thôi việc khi trụ được ở bệnh viện gần 1 năm. Frank chuyển đến bang Louisiana. Ở đây, cậu tình cờ gặp một nữ tiếp viên hàng không từng quen trong một chuyến bay cách đây vài năm. Frank vẫn không tiết lộ danh tính thật với cô gái mà thay vào đó, ba hoa rằng ngoài nghề phi công, cậu còn có bằng về luật dù chưa bao giờ hành nghề luật sư. Một lần, cô tiếp viên giới thiệu Frank với một luật sư làm trong văn phòng luật của bang. Vị luật sư này tỏ ra quan tâm đến Frank khi nghe cậu nói có bằng luật của trường luật Harvard. Ông khuyên Frank nên thi tuyển vào văn phòng tổng chưởng lý mà trước tiên chỉ cần trình bản sao học bạ. Với các kỹ năng làm giả siêu việt, Frank đã làm ra một cuốn học bạ giả mà cậu rất hài lòng.

Sau đó, Frank lại vùi đầu vào sách luật để chuẩn bị cho kỳ thi làm luật sư. Khi cảm thấy kiến thức của mình đã hòm hòm, cậu đăng ký thi với học bạ giả. Tất nhiên là Frank bị đánh trượt. Tuy nhiên, vào thời gian đó, bang Lousiana cho phép các thí sinh tham gia thi bao nhiêu lần cũng được. Sau mỗi lần thi, Frank rút được kha khá kinh nghiệm và thật ngạc nhiên, cậu đã thi đỗ trong lần thứ 3 và đàng hoàng có một giấy phép hành nghề luật sư.

Chẳng bao lâu sau, Frank nộp đơn xin việc tại văn phòng chưởng lý. Sau cuộc phỏng vấn, cậu được nhận làm trợ lý pháp lý cho bộ phận luật doanh nghiệp với mức lương hàng năm khoảng 13.000 USD.

Frank rất thích nghề này dù rằng trong thực tế, cậu chỉ là một người chạy việc vặt không hơn không kém, chuyên tìm tài liệu và thậm chí là pha cà phê cho sếp. Dù có được công việc này nhờ học bạ giả nhưng có vẻ như Frank đã tìm được chỗ thích hợp với mình. Song cảm giác an toàn giả tạo này không kéo dài lâu. Viên chưởng lý có một luật sư dưới quyền mới và anh này là sinh viên tốt nghiệp trường luật Harvard thực thụ. Frank bắt đầu cảm thấy áp lực, đặc biệt khi người đồng nghiệp mới cố gắng kết bạn với Frank vì nghĩ cậu cũng là cựu sinh viên Harvard. Frank cảm thấy không thoải mái khi bị hỏi quá nhiều câu hỏi về thời gian học luật ở Harvard. Cậu biết rằng nếu tiếp tục ở lại đây, cái kim cậu cố giấu sẽ lòi ra. Frank lại quyết định bỏ nghề luật và tìm nghề khác.

Frank lại nhớ cái thời làm phi công của mình. Lần này, cậu kiếm một bộ đồng phục phi công của hãng hàng không Trans World Airways (TWA) và làm một giấy phép FAA cũng như một thẻ phù hiệu mới. Một lần nữa, Frank lại được tự do đi lại khắp thể giới, tiếp tục mánh rút tiền từ các ngân hàng bằng những tấm séc giả mạo. Trong những lần đi đây đi đó, Frank đến thăm bang Utah và rất ấn tượng với vẻ đẹp của thiên nhiên và những người phụ nữ ở bang này. Cậu đặc biệt thích lui tới các trường đại học - nơi có nhiều nữ sinh duyên dáng, trẻ trung. Vì thế, Frank quyết định vào vai một giảng viên đại học. Tất nhiên, Frank không hề có kinh nghiệm hay bằng cấp sư phạm gì. Và cũng tất nhiên, Frank không hề có ý định để những "chuyện vặt" như thế ngăn cản mình.

Frank liên lạc với hiệu trưởng trường Đại học Brigham Young và hẹn gặp ông với tư cách là một giáo sư xã hội học. Frank tự giới thiệu mình từng làm hướng dẫn viên đại học trong hai năm trước khi bỏ nghề làm phi công. Cậu bày tỏ nguyện vọng muốn quay lại với nghề cũ và muốn làm việc tại Đại học Brigham Young. Sau buổi gặp gỡ ban đầu, ông hiệu trưởng rất ấn tượng với bề dày kinh nghiệm của Frank và ngoại hình của cậu. Ông quyết định phỏng vấn viên "phi công kiêm giáo sư xã hội học" này.

Với giấy ủy nhiệm giả mạo trong tay, Frank đến cuộc phỏng vấn đầy tự tin. Ông hiệu trưởng không mất nhiều thời gian để quyết định nhận cậu làm giảng viên dạy hai khóa học kéo dài 6 tuần trong mùa hè đó với mức lương 1.600 USD/học kỳ. Một lần nữa, Frank lại làm được những điều không tưởng. Cậu ngay lập tức bắt tay nghiên cứu về nghề mới và lại trở thành một "mọt sách" xã hội học.

Frank thành công xuất sắc trong vai giáo sư đại học. Những giờ học của cậu rất thú vị và luôn là tâm điểm của cả trường. Không những thế, đám sinh viên rất tôn sùng vị giáo sư trẻ tuổi điển trai. Tất cả khiến Frank cảm thấy vai mới của mình thật tuyệt. Nhưng đây chỉ là vai diễn tạm thời vì khi mùa hè qua, cậu đành kết thúc công việc với lời nhắn nhủ của ông hiệu trưởng là hãy quay lại khi nào trường ông cần tuyển một vị trí lâu dài.


V - Những cú lừa đảo ngoạn mục

Frank rời Utah và lên đường đến California, quay trở lại thứ mà cậu làm giỏi nhất, đó là làm séc giả. Lúc này, Frank đã gần 20 tuổi và có một gia tài kếch xù so với những người cùng trang lứa. Nhưng cậu vẫn hoàn toàn cô đơn. Trái tim cô đơn của Frank chỉ vui lên khi cậu gặp gỡ và đem lòng yêu một nữ tiếp viên trẻ. Mối quan hệ của họ sâu đậm đến mức họ đã bàn tới một đám cưới. Tuy nhiên, Frank bắt đầu cảm thấy không thoải mái vì người yêu không biết gì về thân phận thật của cậu. Cậu sợ một cô gái tốt như vậy sẽ không chấp nhận con người thật của mình.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  2lo2ayt
Hình ảnh nhân vật Frank cùng 8 nữ tiếp viên xinh đẹp được thể hiện qua phim.

Rồi Frank quyết định bước ra ánh sáng. Cậu tiết lộ với người yêu về bản thân và về nghề lừa đảo, giả mạo của mình, trong lòng hi vọng cô sẽ bỏ qua và chấp nhận mình một cách vô điều kiện. Frank thực sự choáng khi cô bạn gái thay vì tha thứ cho cậu lại đi báo cảnh sát và FBI. Frank chạy trốn và thoát khỏi tay cảnh sát trong gang tấc. Một lần nữa, cậu lại chỉ có một thân một mình và trái tim cô đơn vẫn hoàn cô đơn.

Frank tiếp tục chu du thế giới trong bộ đồng phục phi công và làm séc giả bất kỳ khi nào có thể. Trong một chuyến đi tới Pháp, cậu lại bắt đầu mối quan hệ với một cô tiếp viên hàng không. Sau khi biết cha bạn gái điều hành một xưởng in gia đình, Frank đã gặp ông và thuê ông in 10.000 séc trả lương cho hãng hàng không Pan American. Tất nhiên, bạn gái và cha cô không hề biết mục đích thực sự của Frank. Sau đó, Frank đã mang số séc này đến các ngân hàng trong khu vực và rút về một lượng tiền mặt lớn.

Frank rời Pháp về Mỹ. Khi đang đợi chuyến bay tại sân bay Boston, cậu đã bị cảnh sát tóm. Ngay lập tức, họ đưa cậu đến nhà giam để có thời gian thu thập đủ thông tin chứng minh rằng cậu chính là Frank Abagnale Jr. tai tiếng. Nhưng cảnh sát chưa kịp phát hiện ra chân tướng của Frank thì cậu đã được tự do nhờ bảo lãnh. Chỉ chậm một chút nữa thôi là cậu lọt vào tay một nhân viên FBI đang đến để bắt cậu. Sự cố này không những không làm Frank chùn bước mà còn khiến cậu liều lĩnh hơn.

Ngay sau khi rời nhà giam, Frank đã thuê một bộ đồng phục bảo vệ và đứng trước một một hộp gửi tiền ban đêm tại chính sân bay mà cậu vừa bị tóm vài giờ trước. Frank cầm một chiếc túi vải bạt lớn và chờ người có nhu cầu gửi tiền qua đêm. Có đến hàng chục người có nhu cầu và họ đều bị lừa bởi bộ đồng phục Frank đang khoác trên mình và chiếc biển ghi dòng chữ “Hộp gửi tiền ngừng hoạt động. Hãy đặt tiền tại chỗ nhân viên bảo vệ đang làm nhiệm vụ”. Khi chiếc túi đã đầy, cậu định vác lên ô tô nhưng chiếc túi quá nặng. Hai cảnh sát giúp Frank khiêng chiếc túi mà không hề biết rằng cậu đang ăn cắp tiền. Frank đã chuồn gọn với hơn 60.000 USD tiền mặt.

Có vẻ như Frank là một người bất khả chiến bại. Hầu như khi đã muốn làm việc gì đó, cậu chưa bao giờ thất bại, kể cả việc trốn cảnh sát và FBI. Cứ sau mỗi một kế hoạch, kỹ năng giả danh và lừa đảo của cậu lại tiến gần tới sự hoàn hảo. Cậu đã vạch ra một kế hoạch tiếp theo - kế hoạch thể hiện cái tài của một siêu lừa thế kỷ.

Đó chính là kế hoạch để làm sao rút được nhiều séc cùng lúc. Frank định tìm một phi hành đoàn gồm các nữ tiếp viên xinh đẹp tháp tùng mình trong các chuyến đi. Một mặt để rút được nhiều tiền hơn, một mặt để trông đáng tin hơn và tránh bị nghi ngờ.

Khi tới bang Arizona, Frank đã liên lạc với một người phụ trách sắp xếp việc làm tại một trường đại học. Trong cuộc nói chuyện, Frank đề cập đến việc muốn tuyển một đội ngũ sinh viên để làm đại diện quan hệ công chúng cho Pan American. Theo hứa hẹn của Frank, các cô gái được chọn sẽ có cơ hội du lịch miễn phí khắp châu Âu trong mùa hè. Họ sẽ được phát đồng phục hãng, được trả lương và có cơ hội làm việc cho Pan American sau khi tốt nghiệp. Đây đúng là cơ hội ngàn năm có một cho bất kỳ cô sinh viên nào. Với tiêu chí ngoại hình là số 1, Frank đã chọn được 8 cô gái xinh đẹp theo ý muốn. Cậu đã cùng họ chu du hơn một chục nước châu Âu, tham gia chụp ảnh giả vờ quảng bá cho Pan American để các cô gái không nghi ngờ.

Trong các chuyến đi, Frank làm giả séc thanh toán chi phí cho 8 cô. Số tiền ghi trên séc lớn hơn rất nhiều so với chi phí thực tế. Frank trả mọi hóa đơn và bỏ túi phần còn lại. Nhờ có đoàn nữ tiếp viên trẻ đẹp, mọi giao dịch của Frank cực kỳ suôn sẻ. Khi mùa hè kết thúc, các cô sinh viên về trường sau khi nhận lương và Frank bỏ túi xấp xỉ 300.000 USD.

Sau kế hoạch hoàn hảo trên, Frank quyết định giảm tốc trò chơi làm giả séc vì sợ bị bắt. Cậu chuyển tới Montpellier ở Pháp khi mới 20 tuổi. Cậu nhanh chóng ổn định trong một căn nhà mới ấm cúng và lại đổi tên thành Robert Monjo. Lần này, để giấu danh tính, Frank vào vai một nhà viết kịch bản phim Hollywood thành công.

Cuối cùng thì lần đầu tiên trong nhiều năm, Frank cũng có cơ hội sống một cuộc sống bình thường. Nhưng trong lúc đó, cảnh sát và FBI đang tiến gần Frank hơn bao giờ hết.


VI - “Hãy bắt tôi nếu có thể” và con đường phục thiện

Cuối cùng, họ cũng tìm thấy Frank khi cậu đang mua đồ ở một cửa hàng tạp phẩm gần nhà. Ngay lập tức, Frank bị tóm và dẫn tới đồn cảnh sát Montpellier. Sau cuộc thẩm vấn, Frank thừa nhận mình chính là Frank Abagnale Jr. nhưng từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến tội của mình. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, Frank bị xử trước một tòa án ở Pháp và hai ngày sau bị buộc một số tội, trong đó có tội lừa đảo với mức án 1 năm tù tại nhà tù khét tiếng Perpignan. Tuy nhiên, cậu chỉ phải ở đó 6 tháng và 6 tháng cũng là quá đủ khi mà cậu phải sống một cuộc sống không phải của người trong tình trạng kiệt sức vì bị suy dinh dưỡng và viêm phổi.

Sau 6 tháng, Frank được chuyển tới một nhà tù dễ chịu hơn ở Thụy Điển, khác xa với địa ngục Perpignan ở Pháp. Tuy nhiên, khi gần hết hạn tù, hộ chiếu của cậu bị hủy bỏ và phải chờ để trục xuất về Mỹ. Không muốn phải bỏ phí thời trai trẻ trong nhà tù, Frank quyết định tìm cách trốn.
Khi bị trục xuất về Mỹ, Frank được hộ tống trên một chuyến bay đến New York. Chỉ trong vòng 10 phút trước khi máy bay hạ cánh trên đất Mỹ, Frank đã tìm cách trốn thoát khỏi chiếc máy bay thông qua nhà vệ sinh – nơi thông với bụng máy bay. Sau khi bò xuống bụng máy bay, cậu đợi máy bay chạm đất rồi lợi dụng bóng tối nhảy khỏi máy bay.

Sau khi chạy thoát, Frank tìm đến nhà một người bạn cũ – nơi cậu cất một ít tiền bạc và quần áo. Frank chỉ ở đó một thời gian ngắn rồi đến Montreal để tìm hộp gửi tiền an toàn với hàng ngàn USD. Cậu định dùng số tiền đó để mua vé đến Braxin – một đất nước không có luật dẫn độ tội phạm. Khi chờ chuyến bay tới Nam Mỹ, Frank bị cảnh sát Canađa phát hiện và tóm gọn. Cậu lại rơi vào tay FBI và được chuyển tới nhà tù ở Georgia chờ xét xử. Một lần nữa, cậu lại liều lĩnh tìm cách trốn thoát.

Vào thời gian đó, nhiều nhà tù bị điều tra vì vi phạm nhân quyền. Các nhân viên mật vụ thường đóng giả tù nhân để thu thập thông tin về nhà tù. Nhiều cai tù thường đoán xem ai là tù nhân thật, ai là nhân viên mật vụ. Ngay từ lúc Frank đến nhà tù này, lính gác đã đoán cậu là nhân viên liên bang. Nhờ sự hỗ trợ của cô bạn gái cũ và nhờ sự cả tin của đám cai tù, Frank trốn thoát một cách dễ dàng. Cậu lập tức về New York và tới Oasinhtơn.

Khi đang ở một khách sạn tại Oasinhtơn, Frank phát hiện ra nhân viên FBI đang vây quanh khu vực phòng cậu. Không có nhiều thời gian để nghĩ cách thoát, cậu đành chọn một con đường mạo hiểm. Cậu đàng hoàng đi qua các nhân viên FBI súng ống đầy mình và lạnh lùng nói rằng mình cũng là nhân viên FBI. Cậu cho biết đang chờ một nhân viên khác và ra lệnh cho họ tiếp tục tìm kiếm tên tội phạm. Lạ thay, các nhân viên FBI đều hạ súng đang chĩa vào Frank và đi khỏi căn phòng cậu ở mà không hay biết vừa bị tên tội phạm xỏ mũi.

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  2lmkyvc
Frank Abagnale (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng thanh tra Joseph Shea (thứ hai từ phải sang) và các nhân viên FBI khác.

Nhưng Frank cũng không trốn mãi được. Cậu bị bắt lần cuối khi đang ẩn náu ở New York. Sau khi bị xét xử, Frank lĩnh án 12 năm tù nhưng được giảm án và tạm tha ở tuổi 26 sau khi ở tù được 5 năm.

Làm lại cuộc đời không hề đơn giản. Frank làm đủ thứ nghề với mức lương ít ỏi và thường xuyên bị sa thải sau khi bị phát hiện ra vết đen quá khứ. Nhưng rồi cậu cũng có cơ hội trả nợ cho xã hội và điều ngạc nhiên là cơ hội đó lại do chính FBI trao cho. Họ đã đề nghị cậu thuyết trình cho Học viện FBI về hoạt động của những tội phạm như cậu để tăng hiệu quả công việc. Quả thật, kiến thức và kinh nghiệm của Frank rất có ích cho FBI và các cơ quan thực thi pháp luật khác trong việc truy bắt tội phạm.

Sau này, Frank thành lập công ty Abagnale & Cộng sự ở Tulsa, bang Oklahoma, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp về việc phòng ngừa và phát hiện gian lận. Hơn 140.000 công ty, tổ chức đã áp dụng chương trình phòng chống gian lận của công ty Frank. Frank cộng tác với FBI hơn 35 năm và tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với thanh tra Shea cho đến khi ông này qua đời. Frank Abagnale hiện sống tại Charleston, bang Nam Carolina với vợ cùng 3 con trai.

Sau này, Frank có lần tâm sự: “Tôi coi quá khứ của tôi là phạm pháp, vô đạo đức. Đó không phải là một quá khứ tôi thấy tự hào. Giờ tôi tự hào vì có thể sống một cuộc sống khác, hỗ trợ chính phủ, khách hàng, hàng ngàn công ty và cá nhân đối phó với tội phạm lừa đảo”.

Cuộc đời và “sự nghiệp” lừa đảo của Frank đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim Hollywood nổi tiếng “Catch me if you can” (Hãy bắt tôi nếu có thể).

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  _
PostSubject: Re: Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.    Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  I_icon_minitime01.09.13 23:50


Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  23lnhf
Steven Spielberg, Leo DiCaprio, Tom Hanks and Frank Abagnale.


Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  Jsdirm
Frank Abagnale and Leonardo Dicaprio on the set of Steven Spielberg’s
movie about Frank’s early life as a con man, “Catch Me if You Can”.


Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  Rti51s
The proud Abagnale family includes from left:
Sean, Chris, Frank, Kelly, and Scott


Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  15qzo1g
The real Frank Abagnale
Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  34fe1x3


Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.  Nd7fcx

Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
 

Chuyện đời siêu lừa Frank W. Abagnale Jr.

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: 資料館★Tư liệu quán :: 資料★Tư Liệu-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com