♪ Smile Always ♪
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.



 
HomeLatest imagesSearchRegisterLog in

Share | 
 

 [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản

View previous topic View next topic Go down 
AuthorMessage
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản _
PostSubject: [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản   [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản I_icon_minitime10.09.09 1:15

懷文侯陳國瓚 Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản (1267-1285) là một nhân vật lịch sử, sống ở thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông. Ông đã có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai.

Chiến công

Tháng 10 năm 1282, các vua Trần mở hội nghị Bình Than để bàn kế chống quân Nguyên. Đại Việt Sử ký Toàn thư (ĐVSKTT) chép: Vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ :
- "Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương.


Tháng 4 năm 1285, vua Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết.

Ngày 10 tháng 5 năm đó có người về báo cho hai vua Trần là thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn...Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô.

Trong các sử sách của Việt Nam như Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Việt sử Tiêu án và các quyển sử soạn gần đây như Việt sử Tân biên của Phạm Văn Sơn, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Trần Hưng Đạo của Hoàng Thúc Trâm đều không thấy đề cập đến cái chết của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Chỉ có ĐVSKTT bản kỷ quyển V có viết: "...Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước Vương". Nhưng các quyển sử của nhà Nguyên lại có đề cập đến cái chết của ông. An Nam truyện của Nguyên sử 209 tờ 8a10 có ghi: Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đánh... Kinh thế đại điển tự lục trong Nguyên văn loại 41 tờ 27b 1-2 có viết:...Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị giết.

Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Quốc Toản đã đi vào lịch sử với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hi sinh mạng sống vì dân tộc của mình. Khí phách ấy đã được nói rõ trên lá cờ thêu sáu chữ vàng của ông; nguyên văn sáu chữ (phiên sang Hán-Việt) là:

Phá cường địch, báo hoàng ân (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản _
PostSubject: Re: [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản   [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản I_icon_minitime10.09.09 1:16

BÍ ẨN VỀ CUỘC ĐỜI TRẦN QUỐC TOẢN


Theo Hùng Sử Viet

Trần Quốc Toản, vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng ta được học trong các bài học lịch sử khi còn nhỏ, là một tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ Việt Nam suốt hơn 700 năm qua. Tuy nhiên có nhiều điều về vị anh hùng trẻ tuổi này mà chúng ta chưa biết, nhất là về cái chết của ông. Có phải ông đã mất năm 1285 trong cuộc kháng chiến chông quân Mông – Nguyên lần thứ hai như sử sách đã ghi? Vì sao ông lập được nhiều chiến công nhưng không được phong tước vương mà chỉ được phong tước hầu?

Bài học lịch sử thuở nào:
Chúng ta đã từng được học về Trần Quốc Toản trong các bài học lịch sử ở bậc Tiểu học như sau: Năm 1282 vua Trần Nhân Tông tổ chức hội nghị Bình Than họp mặt các vương hầu để bàn cách chống giặc Mông - Nguyên. Được tin, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng với Hoài Nhân vương Kiện cưỡi ngựa đến Bình Than tham dự. Nhưng đội quân thánh dực của vua Trần Nhân Tông ngăn lại không cho vào vì Quốc Toản còn nhỏ, chưa đủ tuổi bàn việc nước. Quốc Toản tức lắm, tay cầm trái cam bóp nát đi lúc nào không biết.

Sau đó chàng về tập hợp người thân và gia nhân của mình, mua vũ khí sắm chiến thuyền và luyện tập võ nghệ chờ ngày đánh giặc. Chàng cho may một lá cờ thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch báo hoàng ân", nghĩa là "Phá giặc mạnh báo ơn vua" để làm cờ hiệu riêng cho đội quân mình. Đội quân của chàng đã giúp tướng Trần Nhật Duật đánh lui quân giặc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và chàng cũng đã tử trận trong trận chiến này.

Cuộc đời Trần Quốc Toản:
Theo như kết quả những nghiên cứu gần đây, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và bà Trần Ý Ninh. Trần Nhật Duy là con trai vua Trần Thái Tông nên Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông, vị vua Trần đầu tiên của nước ta.

Khi quân Mông Cổ xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất (1257-1258), Trần Nhật Duy đang làm Tổng trấn biên giới phía Bắc. Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thánh Tông cử Trần Nhật Duy và vợ là Trần Ý Ninh cùng một số tướng lãnh sang giúp nhà Tống, vì lo rằng nếu Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống thì quân Mông Cổ sẽ kéo sang đánh Đại Việt lần nữa.

Trần Quốc Toản được mẹ sinh ra ở đất Tống vào năm 1267. Ông có nhiều bạn bè là con cháu trong hoàng tộc nhà Tống. Năm 1279, sau khi nhà Tống bị nhà Nguyên tiêu diệt hoàn toàn, một số người Tống kéo sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông – Nguyên. Một đội quân do hoàng tử Tống tên là Triệu Trung cầm đầu chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

Em của hoàng tử Triệu Trung là công chúa Triêu Ngọc Hoa cùng chiến đấu trong đội quân này. Trần Quốc Toản cũng cầm đầu một đội quân khác chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật. Sau đó Trần Quốc Toản và Triệu Ngọc Hoa yêu thương nhau và hai người thành vợ chồng. Vì lấy vợ Tống, cho nên mặc dù trung nghĩa và lập được nhiều chiến công nhưng Trần Quốc Toản chỉ được phong tước hầu (Hoài Văn hầu) chứ không được phong tước vương.

Nghi vấn về cái chết của Trần Quốc Toản năm 1285
Về cái chết của ông, theo chính sử Việt Nam ghi lại thì ông mất năm 1285 nhưng không nói rõ ông mất ở đâu, trong trận nào. Riêng các quyển sử của nhà Nguyên viết rằng ông chết trong trận đánh ở sông Như Nguyệt. Nhưng theo gia phả của hậu duệ Trần Ích Tắc là chú của Trần Quốc Toản ghi lại thì Trần Quốc Toản cùng vợ trở về Trung Quốc khởi binh khôi phục triều Tống.

Riêng gia phả của hậu duệ Trần Quốc Toản mang tên "Viêm phương Trần tộc Lưu phả" và mộ chí ở Trung Quốc vừa tìm thấy được có nói về người vợ Tống của ông là vị công chúa cuối đời Tống tên Triệu Ngọc Hoa. Trong gia phả và mộ chí này có nói rằng Trần Quốc Toản sống rất thọ và mất ở Tống chứ không phải chết trong trận đánh với quân Nguyên năm 1285 như chúng ta đã biết.

Ghi chú:
(1) Hoài Văn hầu: Hoài Văn là tước hiệu, hầu là tước hầu. Dưới thời nhà Trần, những người thuộc bà con dòng họ của vua thường được phong tước vương và hầu. Tước vương là tước cao nhất trong 5 tước quan đại thần mà triều đình ngày xưa đặt ra: công, hầu, bá, tử, nam.

(2) Trần Nhật Duật: là con của vua Trần Thái Tông với một người vợ thứ của vua. Trần Nhật Duật có tước Chiêu Văn vương.

(3) Trần Nhật Duy: có tước hiệu là Vũ Uy vương. Ông là con trai lớn tuổi nhất của vua Trần Thái Tông nhưng vì ông là con của một bà vợ thứ của vua nên không phải là con trưởng. Dưới thời vua Lý Thái Tổ, có một người anh của vua cũng được phong tước Vũ Uy vương.

(4) Trần Ý Ninh: Theo GS Trần Đại Sĩ thì bà là em gái của Trần Tử Đức. Hai người là con của ông Trần Hiến và bà Lê Thị Đạt. Khi Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ của mình là công chúa Thuận Thiên cho vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh, Trần Liễu “nổi loạn” đem quân tấn công triều đình. Trần Hiến chỉ huy binh lính của Trần Liễu tấn công phủ của Thái sư Trần Thủ Độ. Sau khi Trần Liễu đầu hàng, toàn bộ binh lính dưới quyền của ông bị sát hại trong đó có vợ chồng Trần Hiến – Lê Thị Đạt.

(5) Trần Thánh Tông: là vua thứ hai dưới thời nhà Trần. Trên thực tế ông không phải là con trai lớn hay con trưởng của vua Trần Thái Tông nhưng ông là con trai đầu của vua Trần Thái Tông với bà hoàng hậu Thuận Thiên nên được nối nghiệp cha. Con lớn tuổi nhất của vua Trần Thái Tông là Trần Nhật Duy nhưng vì ông là con của bà vợ thứ nên không phải là con trưởng. Về danh nghĩa, con trưởng của vua là Trần Quốc Khang nhưng thật ra Trần Quốc Khang là con ruột của Trần Liễu với bà hoàng hậu Thuận Thiên nên cũng không được nối ngôi.

(6) Theo GS Trần Đại Sĩ: “Hoài Văn trung nghĩa, đại công nhi bất vương do thú ư ngoại nhân": Hoài Văn hầu mặc dù trung nghĩa và lập được đại công, nhưng không được phong tước vương vì lấy vợ nước ngoài. Theo chính sử, chỉ có Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có một lần nói tới việc Trần Quốc Toản được phong tước vương “Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương.” Ngoài ra không thấy quyển sử VN nào nói tới chuyện này. Tôi viết theo GS Trần Đại Sĩ vì ông có xem gia phả của hậu duệ Trần Ích Tắc và Trần Quốc Toản.

(7) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên viết dựa theo quyển Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên nói về đoạn cuối cuộc đời của Trần Quốc Toản như sau: “Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương”.

(8) Theo An Nam truyện của Nguyên sử có ghi: "Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật Huyên sai Hoài Văn hầu đến đánh... Theo Kinh Thế Đại Điển Tự Lục trong Nguyên sử có viết :"...Đến sông Như Nguyệt, Nhật Huyên sai Hoài Văn Hầu đến đuổi thì bị giết".

(9) Gia phả này do GS Trần Đại Sĩ tìm đọc của hậu duệ Trần Ích Tắc hiện còn sống bên Trung Quốc. Theo GS Trần Đại Sĩ thì hai tài liệu này do cô Vũ Khánh Ngọc, du học sinh tại tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc tìm giúp ông.
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản _
PostSubject: Re: [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản   [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản I_icon_minitime10.09.09 1:17

Trần Quốc Toản - tuổi trẻ anh hùng



(ST)


Hội nghị Bình Than (1282) bàn kế hoạch chống giặc Nguyên của vương triều Trần, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản (1267-1285) không được tham dự do tuổi còn nhỏ, đã bực mình bóp nát trái cam trên tay. Sau đó, ông tự lập một đạo quân hơn nghìn người, lấy lá cờ thêu 6 chữ "phá cường địch, báo hoàng ân" làm cờ hiệu. Đội quân của người anh hùng trẻ tuổi đã đánh cho quân Nguyên nhiều phen khốn đốn. Sau khi Trần Quốc Toản hy sinh, vua đã tự tay làm văn tế và truy tước vương cho ông

Tin Quan gia mật truyền cho tất cả các vương hầu, trăm quan tháng 11-1282 về Bình Than bàn kế đánh phòng quân Thát làm Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản mừng rỡ. Tương truyền Hoài Văn hầu chính là con Hoài Đức vương Bà Liệt. Một vị vương mà khi còn là trai tráng đã từng làm đô lực sĩ kiêm đô vật của triều đình. Mang dòng máu thượng võ, chàng tuổi trẻ đó sớm có lòng yêu nước sôi nổi. Mấy năm nay, thấy sứ đi lại nghênh ngang trên phố phường Thăng Long, Hoài Văn hầu căm lắm. Bây giờ thì thời cơ đến rồi. Chuyến này đến Bình Than, nhất định Hầu phải xin bằng được Quan gia cho đánh.

Đến ngày, Hầu cùng Hoài Nhân vương Kiện, người tôn thất cùng tuổi, hăm hở nhảy lên lưng ngựa, nhắm hướng Bình Than ra roi phóng tới. Bình Than kia rồi! Cả hai vội xuống ngựa. Đi gấp, phóng nhanh, nên Hầu toát hết mồ hôi. Nóng và khát, Hầu vẫn giục Kiện rảo bước. Một đội quân Thánh dực bỗng tiến ra. Một người tiến lại dâng Hầu một quả cam vua ban và lễ phép mời Hầu quay lại. Hầu tức lắm, nói lớn:

- Ta là Hoài Văn hầu, còn đây là Hoài Nhân vương. Quan gia truyền tất cả vương, hầu đến đây dự họp. Sao ngăn ta lại?

Hầu quên khuấy mất là Hầu mới mười lăm. Là con nhà võ, người Hầu sớm vạm vỡ hơn những bạn cùng lứa. Nhưng dù sao, Hầu vẫn chưa phải lớn, chưa đủ tuổi để được dự bàn việc nước. Lệnh của Quan gia đã ban ra như vậy, Hầu không dám trái. Tuy thế, nhìn các vương, hầu trăm quan nối nhau tiến vào hội nghị, Hầu vẫn tức điên người. Hầu bậm môi, nắm tay. Lát sau, nhìn lại: quả cam vua cho đã nát lúc nào!

Hầu hậm hực rời Bình Than ra về. Nhưng rồi Hầu nghĩ: Quan gia đã không cho Hầu cầm quân của triều đình, vậy Hầu mộ quân lấy. Đằng nào thì cũng đánh giặc. Cứ đánh giỏi là được, là Quan gia phải cho đi theo. Hầu bèn về ấp Trang Liệt (Từ Sơn, Bắc Ninh) tập hợp các đầy tớ và những người thân thuộc được hơn một nghìn người, tự sắm sửa vũ khí, chiến thuyền chờ ngày giết giặc. Hầu lại cho thêu một lá cờ lớn đề sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân!" (Phá giặc mạnh, báo ơn vua) làm cờ hiệu riêng cho đội quân của mình.

Cuối tháng chạp năm Giáp Thân (tháng 1-1285), quân Nguyên Mông chia làm nhiều mũi xâm lược Đại Việt. Giặc bị chặn đánh quyết liệt ở khắp nơi. Nhưng thế giặc mạnh, chúng vẫn ồ ạt tiến mỗi lúc một sâu. Trong những ngày khó khăn ấy, đội quân có lá cờ thêu sáu chữ do Trần Quốc Toản dẫn đầu đã xuất hiện, đương đầu với giặc dữ, góp phần làm chậm bước tiến của quân thù. Công lao và tài ba đó của Hoài Văn hầu đã được Quan gia biết đến. Chính vì thế, khi đại quân ta phải tạm rút vào Thanh Hóa, Hoài Văn hầu đã được Quan gia cho đi theo hộ giá (bảo vệ vua) cùng với Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và nhiều vương hầu, tướng lĩnh khác.

Vào tháng tư năm Ất Dậu (6-5 đến 4-6-1285), quân Nguyên Mông bắt đầu khốn đốn. Thời cơ phản công đã đến. Hoài Văn hầu cùng các tướng lại theo Quốc công tiết chế, Thượng tướng Thái sư và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cưỡi thuyền vượt biển ra Bắc, tiến công vào các đồn trại của giặc dọc theo phòng tuyến sông Hồng. Trong khi Quốc công tiết chế cầm quân đánh vào cứ điểm địa đầu của phòng tuyến là đồn A lỗ (ở đoạn sông Hồng nối với sông Luộc) và Chiêu Văn Vương cùng các tướng vượt lên đánh vào cửa Hàm Tử (thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên) thì Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản theo Chiêu Thành Vương và tướng quân Nguyễn Khoái đem quân đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết (gần bãi Thiên Mạc, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Tại đây, quân giặc cố sống cố chết chống lại. Hoài Văn hầu tung hoành xông xáo, cùng quân, tướng ta đánh tan quân giặc. Thừa thắng, dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Thái sư, Hoài Văn hầu cùng các tướng khác và các thủ lĩnh dân binh các lộ do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền cầm đầu, đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ở Chương Dương (thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây). Phá vỡ mặt trận xung yếu này của giặc, Hoài Văn hầu vội dẫn đầu đội quân có lá cờ sáu chữ lao thẳng lên như một cơn lốc, vây đánh dữ dội đại bản doanh quân Nguyên ở Thăng Long. Quân kỵ lừng danh thế giới của giặc đã không thi thố được ngón gì trước đội quân cảm tử "chạy nhảy rất nhanh, đi lại như gió" của Hoài Văn hầu. Cùng với các mũi khác hợp vây Thăng Long, quân của Hoài Văn hầu đã đẩy Thoát Hoan và tên nguyên soái khét tiếng tài ba của đế quốc Nguyên Mông là A Lý Hải Nha vào tình cảnh "rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều hết, quan quân mỏi mệt, tử thương nhiều" như chính chúng đã thú nhận. Ít ngày sau, Thoát Hoan và A Lý Hải Nha phải mở một đường máu tháo chạy qua sông Hồng. Thăng Long được giải phóng. Hoài Văn hầu uy nghi trên mình ngựa, dưới lá cờ thêu sáu chữ tung bay, dẫn đoàn quân chiến thắng trở về.

Không kịp nghỉ ngơi, đoàn quân của Hoài Văn hầu lại được lệnh lên đường. Vượt sông Hồng, đoàn quân của Hầu rạp mình trên lưng ngựa. Ngựa phóng như bay đưa quân đi như gió. Có thế mới kịp vượt lên chặn đầu quân giặc!

Bấy giờ bọn Thoát Hoan, A Lý Hải Nha, Lý Hằng, Đường Ngột Đải, Giảo Kỳ, Lý Quán... đang dẫn đại quân nhằm hướng biên giới đông bắc mà chạy. Suốt mấy chục dặm, không thấy quân Đại Việt đuổi theo, cả bọn đã yên trí, thở phào. Đến bến đò Như Nguyệt, chúng sắp sửa qua sông. Bỗng ầm ầm. Tiếng võ ngựa, tiếng quân reo như có thiên binh vạn mã ập tới. Rồi từ trong đám bụi mù trời, lá cờ sáu chữ hiện ra lồng lộng trước gió. Quân giặc hoảng sợ, xô đẩy nhau mà chạy. Nhưng đến khi biết là quân của Hoài Văn hầu ít, bọn tướng giặc cậy đông, liều mạng thúc quân dừng lại chống đỡ. Một trận hỗn chiến đã xảy ra ác liệt. Quân giặc đông nhưng hỗn loạn nên không chống cự nổi quân ta, cuối cùng đành bỏ chạy. Hoài Văn hầu hô quân rượt theo. Trên đường đuổi đánh, chẳng may Hoài Văn hầu bị tử thương...

Được tin người anh hùng trẻ tuổi đã mất, vua Trần rất thương tiếc. Kháng chiến thành công, vua sai làm lễ tang. Vua thân làm bài văn tế và truy phong tước vương cho Trần Quốc Toản.
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản _
PostSubject: Re: [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản   [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản I_icon_minitime10.09.09 1:18

Quốc Toản đến Giảng Võ trường thì binh lính cách ngạch thân quân và du quân đầu đội nón ma lôi, gươm giáo, cung nỏ cầm chắc trong tay, đã đứng thành từng đô rất nghiêm chỉnh. Các tướng phiêu ky, trấn quốc, cận vệ, chư vệ nai nịt gọn gàng theo thứ bậc, đang đứng trước quân ngũ của mình.

Quốc Toản đang mải nhìn đoàn đội trao nhi hùng dũng mang các danh hiệu Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Đang vừa tiến vào Giảng Võ trường thì đã thấy Quốc công tiết chế uy phong lẫm liệt, cùng mấy viên tướng tùy tùng, tiến thẳng đến trước mặt binh lính.

Đây rồi những điều Quốc Toản băn khoăn mong đợi bấy lâu!

- Ta có mấy lời nhắn nhủ các ngươi Quốc công tiết chế sau lời an ủi tướng sĩ, cất cao giọng Các ngươi là tướng nắm giữ binh quyền, là lính các ngạch chung lo việc nước. Nay thấy sứ nguy qua lại tới tấp trên đường uốn tấc lưỡi cú vọ làm nhục triều đình, đem tấm thân chó dê khinh lờn tể phụ, chẳng lẽ các ngươi không thấy dã tâm của kẻ trùm mọi? Trong lúc quốc nạn này, nếu tướng không rèn dạy quân lính, tập tành cung tên thì khác nào giở giáo đón giặc, để tiếng xấu muôn đời.

Từng lời, từng lời Quốc công tiết chế nói như in và trí óc, khắc vào xương tủy Quốc Toản hởi lòng hởi dạ. Rõ ràng là Quốc công tiết chế đã mượn cuộc thi võ này để báo động thế nước lâm nguy, răn dạy quân sĩ luyện tập phòng giặc.

Có thế chứ! Vua quan nhà Nguyên cậy sức muốn cướp sóng nước Nam. Bắt ức vua ta phải sang chầu Hốt Tất Liệt, đòi ta phải nộp người có tài khéo nghề tinh, đòi vàng bạc châu báu, đòi mượn đường đánh Chiêm Thành thì ta phải sửa soạn đánh lại nó.

Tuy vậy, cứ nhớ hôm sứ nhà Nguyên là Sài Thung tới Thăng Long, ngang nhiên cưỡi ngựa qua cửa Dương Minh, tàn nhẩn đánh quân Thánh Dực ra cản, không thèm tiếp Tướng quốc thái úy, Quốc Toản vẫn còn bất bình thấy vua và các đại thần cứ nhún nhường nó mãi.

Quốc công tiết chế nói xong liền cho thi võ. Nhưng đứng xem mà Quốc Toản vẫn hoàn toàn bị cuốn hút vào những lời tiết chế vừa nói.

Suy nghĩ về bổn phận phải giữ lấy quốc thể, mường tượng ngày dân cả nước phải đương đầu với giặc Nguyên, mà linh tính như báo trước, không thể tránh khỏi, Quốc Toản mơ ước có cái sức mạnh thần thông, xông pha giữa muôn trùng giáo mác, chém tướng giặc như trở bàn tay.

Ngay chiều hôm ấy, Quốc Toản bày tỏ ý muốn được đánh giặc với chú Châu Thành vương.

Nghe cháu nói chân tình, Chiêu Thành vương can gián:

- Cháu còn bé chưa biết được việc quân quốc!

Quốc Toản tức muốn khóc:

- Cháu còn nhỏ thật, nhưng quân Nguyên mà sang đây cháu cũng đánh được nó.

Chiêu Thành vương bật cười rồi nghiêm mặt:

- Cháu ta có khẩu khí anh hùng, xứng với dòng dõi cha ông. Nhưng bây giờ cháu phải cố học. Võ có giỏi, văn có hay mới đánh giặc mau thắng được.

Nghe chú nói có lý nhưng Quốc Toản buồn rầu thấy chú cho mình là còn trẻ. Chẳng thà không nói với chú còn đỡ bực bội hơn.

Quốc Toản ở Kinh Đô đã quá ngày mẹ hẹn một tháng. Quốc Toản biết mẹ đang mỏi mắt trông chờ mình. Áy náy lắm, nhưng làm sao Quốc Toản rời Kinh đô lúc này được. Kể từ ngày xem đấu võ, nghe Quốc công tiết chế khích lệ tướng sĩ, lo bố phòng giữ nước. Quốc Toẩn tự thấy vận mạng mình gắn với vận mạng đất nước; mọi niềm vui nỗi buồn cũng từ đó bị chi phối. Ngày ngày Quốc Toản say sưa nhìn các đô tả hữu Thánh Dực, tả hữu Thần Dục, tả hữu Long Dực, tả hữu Hổ Dực chuyên cần thao luyện không mỏi. Không cứ quân lính, ngay trai tráng kinh thành cũng tự lập thành từng đô luyện võ, thi vật, mua ngựa, sắm gươm giáo, phòng khi giặc đến. Không phải chỉ có vua và triều đình mải đối phó việc quốc nạn mà là mọi người đều chung lo cho vận nước. Trên các ngả đường, chỗ nào cũng rộn vang tiếng búa. Các bễ lò rèn nổi lửa suốt ngày đêm. Các bô lão vừa xếp đồ đạc vào hòm xiểng vừa thúc giục con cháu gói gọn áo quần, kịp phòng nạn can qua.

Cả kinh thành đang gấp rút chống giặc!

Được mắt thấy tai nghe những diễn biến ấy, Quốc Toản tự hỏi: Các bậc bô lão, các trai tráng, các tay thợ rèn là những người chưa bao giờ bước chân đến chỗ lầu son gác tía, chưa bao giờ được cự bàn việc nước mà họ cũng lo lắng nghĩ kế giữ nước, huống hồ mình là bậc tôn thất sao lại không nghĩ được như thế? Khốn nỗi, Quốc Toản cứ bị coi là đứa trẻ. Không ai bàn việc nước với Quốc Toản. Nếu Quốc Toản có góp lời thì liền bị các vương hầu gạt đi mà rằng: Cháu còn nhỏ, chưa biết được việc quân quốc trọng sự. Mỗi lần như thế, Quốc Toản tức khí tự nhủ: Việc nước là việc chung. Đợi rồi xem ta có giết được giặc hay không?

Buộc vội con ngựa đã sùi bọt mép vào gốc cây bên đường, Quốc Toản áo đẫm mồ hôi, sắc mặt đỏ gay vì nắng, chạy xồng xộc xuốn bến Bình Than. Nhưng lập tức Quốc Toản bị quân Thánh Dực giữ lại. Nằn nì mãi không được, Quốc Toản đành phải lùi lại, thẫn thờ nhìn bến Bình Than vừa tủi thân vừa uất ức.

Chao ơi! Ngày hội sư mới long trọng làm sao! Những thuyền là thuyền; Thuyền đậu dài san sát, mang cờ hiệu của các vương hầu bốn phương tụ về.

Qua chấn song có rủ màng trúc của thuyền rồng, Quốc Toản thấy các vương hầu đang bàn việc với vua. Hình như vua đang nói điều gì hệ trọng lắm nên các vị vương hầu đều hướng về vua Thiệu Bảo không nhúc nhích. Chắc là không ngoài việc cho quân Nguyên mượn đường đánh Chiêm Thành hay chống cự lại. Rành rành là nó cậy sức muốn nuốt sống nước Nam. Vậy thì việc gì phải bàn đi bàn lại! Quốc Toản ước ao được xuống thuyền rồng tâu xin vua cho đánh. Không nói được ý mình, Quốc Toản bồn chồn không yên.

Đứng đây đến bao giờ nữa? Nhất định phải nói được ý mình. Cứ xuống xin vua cho đánh, rồi sau muốn ra sao thì ra. Lòng đã quyết, nhanh như chớp, Quốc Toản xô mấy người lính Thánh Dực chắn đường, chạy xuống bến viên tướng chỉ hay quân Thánh Dực cố chặn lại. Lập tức Quốc Toản tuốt gươm, mắt long lên giận dữ:

- Ta xuống bệ kiến bàn kế đánh giặc. Không giãn ra, ta chém.

Nể Quốc Toản là con nhà quốc thích, nhưng thấy Quốc Toản làm quá, viên tướng vừa ngạc nhiên vừa dằn giọng:

- Thánh chỉ đã cấm! Nếu Hài Văn khinh thường phép nước, anh em phải theo thượng lệnh!

Bất chấp lẽ phải, Quốc Toản vung kiếm múa tít, cố tiến xuống bến. Tiếng kêu thét náo động cả bến sông.

Nghe tiếng ồn ào, vua Thiệu Bảo cho đình buổi bàn cùng quần thần bước ra mạn thuyền. Thấy Quốc Toản đang đánh nhau với lính Thánh Dực, vua thất kinh hỏi Hưng Đạo Vương đứng kề bên:

- Hoài Văn hầu đang làm gì trên đó?

Hưng Đạo vương và mọi người không ai hiểu căn nguyên sự việc. Nhận ra cháu, Chiêu Thành vương hốt hoảng chạy lên bờ:

- Chết thôi! Coi thường phép nước cháu không sợ tội chết sao? Chú đã khuyên cháu về quê sao lại mạo muội đến đây?

- Biết vua họp bàn việc nước với các vị vương hầu, cháu tìm đến.

- Tự tiện đến đã không phải lại còn gây sự với quân Thánh Dực. Tội cháu lớn lắm.

Quốc Toản đáp:

- Cháu biết phép nước là trọng; nhưng khi quốc biến ai cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Nhưng chẳng hay vua và các vị vương hầu chủ chiến hay chủ hòa?

- Cũng có người nghĩ thế này thế khác. Còn đang bàn.

- Trời ơi! Quốc Toản nổi nóng ai chủ hòa? Dâng nước cho giặc sao?

Bất thình lình, Quốc Toản chạy như tên bắn xuống bến rồi nhảy lên thuyền rồng, quỳ trước mặt vua, nói lớn:

- Cho giặc mượn đường là mất nước! Xin bệ hạ cho đánh!

Có người gay gắt:

- Hoài Văn hầu làm loạn phép nước. Xin bệ hạ cho chém đầu làm gương.

Nhận ra tiếng Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, kẻ chủ trương cho giặc mượn đường, vua Thiệu Bảo lộ rõ sự khó chịu và, chính vì vậy, trái với lệ thường, vua thân đỡ Quốc Toản dậy, ôn tồn:

- Muốn trị được nước phải nghiêm quân lệnh với cả người thân. Tội Hoài Văn hầu đáng lẽ không dung. Nhưng tuổi nhỏ mà biết lo cho vua cho nước, trí ấy đáng khen. Tuy vậy, việc nước đã có người lớn lo. Em ta hãy về quê để chăm sóc mẫu thân.

Thương Quốc Toản đi xa mẹ, vua truyền cho Hưng Đạo vương lấy một quả cam đưa cho Quốc Toản và nói:

- Ai cũng có phần cam. Vậy cho em ta một quả.

Vẫn chưa dứt cơn kích động Quốc Toản gượng tạ ơn vua, quay gót lên bờ. Đằng sau nổi lên trận cười của các vị vương hầu, rõ nhất là của Chiêu Quốc vương. Quốc Toản bực mình quay đầu nhìn lại. Như trêu ngươi, cờ hiệu của Hưng Võ vương Hưng Trí vương, Hưng Hiếu vương, con trai Hưng Đạo Vương ngạo nghễ tung bay, nô giỡn với gió mạnh. Những người em họ ấy chỉ hơn Quốc Toản bất quá năm, bảy tuổi. Phải chăng vì cha ta mất sớm nên ta mới phải đứng chầu rìa nhục nhã thế này? Quốc Toản tủi thân tự hỏi.

Đám quân Thánh Dực thấy Quốc Toản cau có lên bờ cũng cố nín cười. Quốc Toản nghiến răng kìm cơn thịnh nộ: "Được rồi, ta sẽ chiêu binh mãi mã để xem ai giết được nhiều giặc!"

Khi sắp tháo cương ngựa trở về, Quốc Toảnh giật mình, quả cam quý vua ban đã bị bóp nát tự bao giờ.

Quốc Toản nằm ngủ trên sập gụ, đầu ngoẹo sang một bên. Trần mẫu đặt ngọn nến trên án thư, nâng đầu con đặt lại cho thẳng rồi ghé ngồi xuống chiếc đôn cạnh sập, bần thần ngắm đứa con trai duy nhất. Ngay hôm nghe con từ kinh về kể chuyện vua quan nhà Nguyên muốn phen nữa cướp nước Nam và xin được chiêu binh mãi mã, sắm sứa khí giới, tích lương thảo chờ giặc, có đêm nào Trần mẫu ngủ được ngon giấc đâu. Trần mẫu đã nghĩ kỹ rồi, lẽ nào Trần mẫu lại không khích lệ con thấy quốc sỉ mà làm thinh thấy quốc nhục mà cam chịu. Trần mẫu nào muốn con giữ được chữ hiếu mà mất chữ trung. Trái lại, thấy tuổi còn trẻ mà đã có chí lớn, Trần mẫu kiêu hãnh và tự hào. Điều mà Trần mẫu lo lắng là vì con còn nhỏ, như cánh hoa chưa chịu được sương gió.

Trần mẫu rùng mình nhớ lại gần ba mươi năm trước, quân giặc đông như kiến cỏ kéo sang đất mình. Chúng như bầy quỷ dữ, đí đến đâu là tàn phá, giết chóc, đến cây cỏ không mọc được. Khi đuổi được giặc rồi thì Kinh Đô biến thành tro bụi. Đức ông ngày ấy cũng xông pha nơi trận mạc, một mình Trần mẫu phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm đưa gia đình chồng chạy giặc.

Ngay giặc kéo sang ư? Chúng nó thì hung dữ mà con thì còn trẻ dại, liện có cự lại được chúng không. Nếu có mệnh hệ nào thì ta sống sao nổi.

Biết trả lời con thế nào đây? Nếu con hư thì phải khuyên răn can bảo. Đằng này, con xin đi phò vua giúp nước, lẽ nào lại dạy con làm trái đạo thánh hiền? Chú Chiêu thành vương cũng chẳng thấy về. Chợt nhớ ra viên gia tướng vẫn theo Đức ông đi trận mạc, Trần mẫu vời lên hỏi:

- Hoài Văn hầu muốn khởi binh đánh giặc, ông thấy thế nào?

Người tướng già kính cẩn:

- Công tử có chí lớn, tính đã quyết là hành. Con người ấy sẽ thành một tướng tài xuất chúng.

- Chẳng hay võ nghệ con ta ra sao?

- Các môn võ công tử đều không kém người. Chỉ có sức chưa giàu. Nhưng xin tôn phu nhân yên lòng. Tôi sẽ hết sức giúp công tử như khi giúp Đức ông.

Hai người bỗng giật mình nghe thấy Quốc Toản thét: "Kép gọng vó lên. Đánh vật mà chưa biết miếng. Kéo mạnh nữa lên".

- Con ta mê ngủ Trần mẫu nói và vội cầm cây nến định đánh thức Quốc Toản dậy.

Nhưng Quốc Toản vẫn đang ngủ say, miệng hơi nhoẻn cười. Trần mẫu ngắm mãi cái miệng tươi như hoa còn dễ hờn dễ khóc của con, lòng tràn ngập một tình thương vô tận.

Được mẹ cho tiền bạc, Quốc Toản mua mấy chục con ngựa đem phân phát cho gia nhân.

Nhưng lấy đâu ra quân bây giờ? Quốc Toản buồn rầu hỏi:

Người tướng già đáp:

- Trăm họ ai chẳng có lòng trung quân ái quốc, chỉ là vì mọi người chưa thấy công tử dựng cờ nghĩa đó thôi.

Quốc Toản sững sờ:

- Có thế mà ta không hiểu. Ta nhớ rồi, quanh vùng Võ Ninh này, có nhiều bô lão được vua mời đến điện Diên Hồng hỏi ý. Các vị bô lão ấy đã trăm người như một, khẳng khái tâu lên: "Xin đánh", làm rung chuyển cả tòa điện, thì nay sao lại không khuyên con cháu theo ta?

Từ đó ngày nào Quốc Toản cũng đi vào các thôn xóm nói rõ ý định chiêu quân đánh giặc với mọi người, nên số trai tráng đã lục tục đến xin theo. Còn phải có cờ nữa! Mà cờ ấy phải nói được trí ta, phải là lời thề quyết chiến, làm nước lòng quân sĩ. Quốc Toản bắt đầu căng óc suy nghĩ. Quốc Toản để tâm suy nghĩ trong khi ăn, trước lúc ngủ, cả trong giờ tập luyện. Nhưng, lúc nảy ra được câu này, lúc sinh ra ý khác mà Quốc Toản vẫn chưa ưng ý. Cho đến đêm nay, đã khuya lắm rồi mà Quốc Toản vẫn chong đèn vặn óc tìm ý. Trống đã điểm canh ba. Bỗng Quốc Toản đứng vụt dậy, toàn thân bừng bừng.

Phải rồi, Hai bàn tay Quốc Toản nắm chặt "Phá cường địch, báo hoàng ân". Quốc Toản phác một nét cờ bay rồi dùng bút viết sáu chữ trên tờ giấy rộng. Quốc Toản lùi lại ngắm hàng chữ, nét mặt rạng rỡ. Được lắm, lời đanh thép, ý hùng hồn, xứng hợp với chí ta.

Trần mẫu đã đến tự lúc nào Quốc Toản không hay biết.

- Thôi con ngủ đi kẻo khuya lắm rồi. Trần mẫu tiến lại, vừa xoa đầu con vừa nói.

- Thưa mẹ con sẽ dựng lá cờ đề sáu chữ này. Quốc Toản hồ hởi nói với Trần mẫu.

- Mẹ thấy cả rồi.

Trần mẫu chỉ nói vậy. Nhưng sự thật từ nãy Trần mẫu sung sướng đến ngỡ ngàng thấy mình chưa thật hiểu con sâu sắc, chưa biết những suy nghĩ vượt quá tầm vóc của con.

Thấy mẹ đăm đăm nhìn mình, Quốc Toản băn khoăn;

- Con có giáp trụ, binh thư của cha con để lại; con còn có gia tướng giúp sức. Mẹ đừng...

- Không Trần mẫu rơm rớm nước mắt cướp lời. Mẹ hiểu con, mẹ bằng lòng cho con đi đánh giặc rồi mà.

Lá cờ đề sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" phần phật tung bay trước dinh Trần Quốc Toản ở Võ Ninh.

Ai cũng trầm trồ khen ngợi người dựng cờ có chí khác thường. Vì vậy, chẳng mấy chốc, tin Quốc Toản dựng cờ nghĩa lan đi khắp vùng. Trai tráng, phần lớn cùng lứa tuổi với Quốc Toản, lũ lượt đến xin theo. Ấp Võ Ninh bắt đầu những ngày luyện võ tưng bừng náo nhiệt.

Một hôm Quốc Toản nói với người tướng già và đội quân hơn ngàn người của mình:

- Ta biết quân Nguyên cưỡi ngựa không cần cương, ngồi trên ngựa như ta đi dưới đất, có tài bắn trăm phát trăm trúng. Cho nên muốn đánh được nó, ta phải luyện thành tài hơn nó. Bây giờ anh em hãy coi ta bắn thử.

Nói xong Quốc Toản đeo cung tên, nhảy lên ngựa, phi xa đến khi nhìn lại điểm hồng tâm chỉ còn lại một chấm nhỏ, rồi dùng ngựa, giương cung bắn luôn ba phát.

Ba mũi tên đều trúng đích. Đoàn quân trẻ reo hò thán phục.

Người tướng già sung sướng nói:

- Công tử bắn đã giỏi, nhưng quân Nguyên còn vừa phi ngựa vẫn bắn. Vậy anh em hãy xem già này luyện tập đạt chưa? Người tướng già nhảy phắt lên mình ngựa, chạy xa hơn Quốc Toản. Rồi vẫn cho ngựa chạy, người tướng già không xoay mình, chỉ quay đầu lại, giương cung bắn ba phát liên tiếp. Ba mũi tên đều trúng đích và mạnh đến nỗi, cọc bia bị oằn sắp gãy.

Sau đợt reo hò dậy đất, Quốc Toản phấn chấn:

- Chúng ta sẽ phải luyện tập để mọi người đều bắn được như thế.

Thấy quân mình đã đông nhưng so với các vương hầu khác không thấm vào đâu. Quốc Toản áy náy không yên. Thấy vậy, người tướng già nói:

- "Quân cốt tinh không cốt nhiều". Vả lại, đánh kẻ giặc mạnh như quân Nguyên ta phải dùng "đoản binh chế trường trân" như Quốc công tiết chế vẫn chỉ giáo. Công tử không nên lo quân ít mà nên lo luyện cho giỏi, dũng khí cho cao, anh em coi nhau như ruột thịt.

- Ông đã vén cho ta một đám mây mờ. Quốc Toản gật đầu khen.

Sau đó, Quốc Toản chia quân thành từng ngũ, đô rất chỉnh tề. Quốc Toản đi khắp các ngũ, đô, ăn với họ một mâm, nằm với họ một chiếu, coi mọi người như ruột thịt.

Mộ tiếng đoàn quân trẻ, dân Võ Ninh và các hạt phụ cận đem trâu, rượu, gà, gạo đến khao quân. Nhiều thợ rèn cũng xin theo để rèn binh khí.

Ấp Võ Ninh cùng với đoàn quân trẻ đang náo nức chuẩn bị đánh giặc.

Đoàn quân mang lá cờ đề sáu chữ vừa xuống khỏi cái dốc ngay đầu trại Vĩnh Bình thì đột ngột dừng lại. Họ đã từ giã Võ Ninh ngay từ hôm được tin vua Nguyên cử Thoát Hoan thống lĩnh năm mươi vạn quân, xâm nhập vùng biên cương này. Họ phải dừng lại đột ngột vì quân do thám cho hay, thế giặc to lắm; quân triều đình vừa phải bỏ ải Khả Li, ải Nữ Vi và họ đang ở giữa vòng vây của giặc.

Quốc Toản mặc áo bào đỏ, cưỡi con ngựa trắng trở lại giữa hàng quân, cố giữ vẻ uy nghiêm của một viên tướng:

- Ta vì sợ không được quan tâm dùng nên băng rừng đi tìm giặc mà đánh. Nay giặc đã ở sát nách. Vậy ta hãy đánh vài trận cho giặc Nguyên khiếp vía, cho người lớn biết sức chúng ta.

- Công tử nói chí phải Các chiến sĩ trẻ hưởng ứng.

Bỗng lại có một lính do thám của Quốc Toản phi ngựa về:

- Thưa công tử! Phía trước có binh giặc đang kéo tới.

Quốc Toản vẫn nắm chặc đốc kiếm gia truyền, vội hỏi:

Chúng có bao nhiêu?

- Chừng năm trăm.

- Còn xa không?

- Không xa lắm, nhưng vừa đi chúng vừa cướp nên tiến chậm.

Quốc Toản, dõng dạc ra lệnh cho người lính do thám trở lại nghe ngóng động tĩnh, rồi ngắm nhìn địa thế.

Người tướng già đến bên Quốc Toản:

- Giặc tất vào trại Vĩnh Bình. Chi bằng công tử cho quân tiến nhanh vào trại trước, chọn thế hiểm để phục kích thì giặc đông mấy cũng tan.

Nghe ra, Quốc Toản thúc quân đi gấp.

Thấy tiền quân của Quốc Toản tiến vào trại, những người dân miền núi đang hối hả chạy giặc mừng lắm.

Một ông già tiến đến trước mặt Quốc Toản, nói một tràng tiếng lại. Người tướng già nhắc lại:

- Ông ta bảo công tử là vị cứu tinh của dân trại, vì các trai tráng ở đây đều theo chủ trại của họ đi đánh giặc, không ai ở lại giữ nhà cả.

Quốc Toản nắm tay ông già:

- Giặc đến cướp nước ta, chúng ta phải chung sức đánh lại.

Mấy ông già khác, vai đeo cung nỏ, vác từng bó tên cũng đến bên Quốc Toản. Một trong những ông già đó nói tiếng Kinh lơ lớ:

- Quan quân ở xa không biết cái núi cái khe ở đây đâu. Để chúng tao dẫn đường rồi đánh giặc một thể.

Quốc Toản sung sướng gật đầu rồi hướng về hàng quân:

- Giặc sắp kéo đến đây nộp mạng cho ta rồi. Lệnh cho mọi người không được để cho một thằng nào chạy thoát.

Nói rồi Quốc Toản chia quân đi phục trên các ngọn núi chung quanh trại Vĩnh Bình. Riêng Quốc Toản thì dẫn đội quân cung nỏ vòng ra chặn giặc.

Trời đã về chiều, Sương mù giăng kín núi rừng. Đứng cạnh ông già miền núi, Quốc Toản nhìn thấy quân giặc đang lọt vào thế trận của mình. Bao nhiêu là người và ngựa. Tới gần trại Vĩnh Bình, quân giặc bỗng dừng lại. Quốc Toản và đội cung nỏ, ngắm sẵn đường tên.

Sau phút rụt rè, quân giặc bắt đầu tràn vào trại, xông vào từng nhà. Hậu quân của chúng cũng đã ở ngay trong tầm tên của Quốc Toản. Lập tức Quốc Toản vẫy ta ra hiệu. Tiếng tù và rúc lên. Toán quân đầu tiên đã ngã gục dưới làn mưa tên dữ dội. Giặc Nguyên bị đánh bất thần kêu thất thanh. Những tên sống sót chạy trở vào, vấp phải những tên chạy ra, lột từ trên ngựa xuống.

Quân của Quốc Toản sức trẻ đang hăng lại dày công luyện tập, nên trèo núi nhanh như vượn, đã đến giáp mặt với giặc, vung kiếm chém giặc như chém chuối.

Viên tướng giặc liều chết mở đường máu rút lui. Nhưng chạy được một quãng chúng đã thấy lá cờ đại nổi lên sáu chữ kiêu hãnh và một viên tướng trẻ dẫn đầu đoàn quân ào ào xốc tới chặn đường.

Một tiếng thét lanh lảnh:

- Bại tướng! Hãy bỏ giáp qui hàng thì được toàn tính mạng!

Viên tướng giặc nhìn lên. Hắn hoa mắt nhận thấy địch thủ của hắn mặc áo bảo đỏ, cưỡi con ngựa trắng, trẻ và đẹp hơn cả những cô gái mà hắn từng gặp ở nước hắn.

Hoảng hốt, tên tướng giặc vội xuống ngựa quỳ phủ phục. Cả đám giặc ngót trăm đứa cũng lần lượt làm theo.

Nhìn cảnh tượng ấy, Quốc Toản suýt bật cười thành tiếng.

Trận địa trở lại im lặng. Theo lệnh Quốc Toản, quần áo giặc được thu lại để nộp cho Quốc công tiết chế, đã chất lại từng đống.

Nhân dân trại Vĩnh Bình đứng vây quanh lấy Quốc Toản. Ông già miền núi theo suốt trận đánh sung sướng cầm tay Quốc Toản:

- Quân mày đánh giỏi lắm. Cờ mày nghĩa hay lắm. Mày cũng đẹp hơn cả con gái trại tao.

Quốc Toản mỉm cười.

Kể từ ngày Quốc Toản dẫn đội quân hơn nghìn người của mình từ Lạng giang về hội sư ở Vạn Kiếp theo lệnh của Quốc công tiết chế, đã được gần nửa năm. Gần nửa năm ấy, Quốc Toản và đội quân của mình đã vượt qua bao thử thách phải chứng kiến bao cảnh đau lòng. Quốc Toản nhớ rõ, ngay sau ngày hội sư ở Vạn Kiếp, sau khi nghe lời hịch hùng hồn, khẳng khái, rung động lòng người của Quốc công tiết chế, toàn quân sôi sục tỏ rõ quyết tâm đánh giặc bằng các thích hai chữ "Sát thát" vào tay mình. Giặc đã ồ ạt tràn về phá vỡ thế trận Dực Khủy (Vạn Kiếp), quan quân phải lui về bảo vệ Kinh thành. Nhưng rồi Kinh thành cũng lọt vào tay giặc. Vùng Võ Ninh, quê hương Quốc Toản cũng ngập chìm trong bể máu. Cũng chính những ngày ấy, Quốc Toản được lệnh hộ giá hai vua Trần, chạy giặc vào Thanh Hóa. Nguy hiểm, vất vả thật nhưng đau lòng nhức óc nhất vẫn là những ngày Quốc Toản và đội quân của mình phải ăn đợi nằm chờ ở Thanh Hóa. Chẳng lẽ cứ ngồi đây nhìn giặc giết hại dân mình, tàn phá đất nước mình mãi sao? Dù biết Quốc công tiết chế đang thực hiện chiến sách của mình, nhưng Quốc Toản vẫn day dứt không yên. Chẳng dừng được, đã mấy lần Quốc Toản xin cất quân, quyết sống mái với giặc một phen cho hả giận, nhưng đều bị Tiết chế gạt đi.

Nhưng rồi cái ngày đợi chờ đợi đã đến. Sau khi có thêm đội quân của Phạm Ngũ Lão vào tăng viện, tướng quốc thái úy Trần Quang Khải đã đánh quân Toa Đô ở Nghệ An, nhưng rồi đạo quân này kéo ra Bắc để hợp cùng đại binh Thoát Hoan. Lập tức, quốc công tiết chế đã triệu các tướng lĩnh đến đại bản doanh, bàn kế đánh tan đội quân nhà nghề này.

Quốc Toản không bao giờ quên được ánh mắt lộ rõ sự tin tưởng khi Quốc công tiết chế cử Quốc Toản làm phó tướng cùng với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và tướng quân Nguyễn Khoái đem năm vạn quân đi chặn giặc ở cửa Hàm Tử.

Lá cờ đề sáu chữ bao ngày chờ đợi lại được tung bay trong trận thủy chiến lớn lao này. Cùng với các đội quân của Chiêu Văn vương, của Nguyễn Khoái, Quốc Toản đã dùng cách đánh táo bạo, cho thuyền quân mình áp vào thuyền giặc, rồi nhất loạt nhảy sang đâm chém, gạt chúng xuống sông.

Rồi cũng bằng cách đánh táo bạo, dũng cảm này, Quốc Toản đã cùng với Quôc công tiết chế và các tướng Lê Phụ Trần, Phạm Ngũ Lão, đánh thắng giặc ở trận Tây Kết, đuổi Ô Mã Nhi chạy ra biển, chém được Toa Đô tại trận.

Và, lúc này đây, đầu tháng năm, năm Ất Dậu (1285), Đội quân trẻ tuổi đã qua bao lần thử lửa, lại đang hăm hở tiến thẳng đến Thăng Long, sào huyệt cuối cùng của quân giặc, theo lệnh của Quốc công tiết chế. Tướng quốc thái uý Trần Quang Khải, thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, cũng đã đem đại binh tới, quyết thu phục lại Kinh Thành.

Dù vững tin ở thắng lợi, nhưng quốc Toản biết rằng quân của Thoát Hoan ở Thăng Long còn nhiều. Lại còn đội chiến thuyền của đại tướng A Thích ken đặc ở bến Chương Dương nữa.

Nhưng kế phá giặc đã bàn xong. Quốc Toản đem ba ngàn quân bí mật phục trên quãng đường giữa Thăng Long đến bến Chương Dương. Trần quang Khải cũng dẫn đại binh đến phục ở gần bến Chương Dương.

Muốn diệt được quân Thoát Hoan ở Thăng Long, trước hết phải đánh đội chiến thuyền của A Thích.

Thượng tướng Phạm Ngũ Lão đã đốc suất toàn bộ đoàn chiến thuyền xông thẳng tới bến Chương Dương, đánh thủy quân của A Thích. Vừa đánh vừa rút đến chỗ có phục binh của Trần Quang Khải. Phạm Ngũ Lão quay thuyền lại đánh. Quân A Thích bỗng nhiên bị vây chặt. Quân của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão tung hoàng ngang dọc, đánh tan đội chiến thuyền của A Thích, buộc A Thích phải dẫn đám tàn quân bỏ chạy về Thăng Long. Nhưng Phạm Ngũ Lão không đuổi theo mà lại đi đường tắt, bí mật mai phục ở chân thành Thăng Long.

Nghe tin A Thích thất trận, Thoát Hoan tức tốc cử Phàn Tiếp đem một vạn binh lính đi cứu. Nhưng quân của Phàn Tiếp đi được nửa đường đã thấy đội quân trẻ mang lá cờ đề sáu chữ, nổi hiệu lệnh chặn đán. Cố chống đỡ, nhưng quân của Phàn Tiếp không sao địch được đội quân dũng mãnh của Quốc Toản. Thế cùng, Phàn Tiếp đành phải chạy về Thăng Long.

Lúc này, được tin A Thích đang dẫn tàn quân chạy vào thành Thăng Long, Quốc Toản nhanh trí không cho quân đuổi theo Phàn Tiếp mà tạt sang chặn đánh A Thích. Bị tái đòn, quân A Thích không dám chống cự. A Thích cướp ngựa cùng đám tùy tùng chạy về Thăng Long, bỏ mặc đám quân đang bị Quốc Toản vây hãm tiêu diệt dần.

Đại quân của Trần Quang Khải và Quốc Toản đã lại gặp nhau và thừa thắng cùng kéo tới bao vây thành Thăng Long.

Thấy thế nguy, Thoát Hoan đành thân đốc toàn quân chủ lực trong thành cùng A Thích, Phàn Tiếp đánh ra, cố phá vây.

Trần Quang Khải giả thua chạy, lừa quân Thoát Hoan ra xa thành, rồi bất ngờ cho quân quay lại đánh vỗ mặt. Cùng lúc ấy, theo hiệu lệnh, Quốc Toản tung quân đánh tập hậu vào cánh quân của Thoát Hoan, và Phạm Ngũ Lão lợi dụng lúc giặc sơ hở dốc sức công thành. Đại quân Thoát Hoan, A Thích bị chẹn vào giữa và bị thua to, thây chết đầy nội. Thoát Hoan, A Thích buộc phải tìm đường lui về thành. Nhưng chúng kinh ngạc thấy quân của Phạm Ngũ Lão tung hoành đánh ra. Lại một phen nữa quân Thoát Hoan bị chết như ngả ra. Thoát Hoan hốt hoảng rụng rời mở đường máu rút chạy đến Đông Đô Đầu.

Trần Quang Khải, Quốc Toản đem quân vào Thăng Long cùng Phạm Ngũ Lão mở tiệc khao quân rồi cho người vào Thanh Hóa dâng biểu báo tin thắng trận. Hôm đó là ngày năm tháng năm, Ất Dậu (1285).

Lần thứ hai người tướng già giục Quốc Toản đi ngủ. Nhưng cũng như lần trước, Quốc Toản chỉ ậm ừ chiếu lệ rồi vẫn chóng đèn ngồi súy tưởng. Còn niềm vui nào bằng khi Kinh Đô đã được thu phục, ấp Võ Ninh đã thoát khỏi tay giặc, và cả nước sắp trở lại cuộc sống thanh bình. Quốc Toản không khỏi tự hào thấy mình đã lập được chút công, đươc vua và Tiết chế rất mực yêu mến. Tấm lòng vì vua vì nước thế là gần được toại nguyện. Và mẹ nữa Quốc Toản nao nao nhớ tới mẹ. Không biết mẹ đã trở về Võ Ninh hay còn chạy giặc nơi nào? Để mẹ phải vất vả, đơn chiếc, Quốc Toản không khỏi rầu lòng. Nhưng, chính mẹ cũng không muốn cho con trọng chữ hiếu mà mất chữ trung. Quốc Toản tự nhủ: đánh giặc xong sẽ về phụng dưỡng mẹ, bỏ những lúc xa cách, và đức hy sinh cao cả của mẹ rồi sẽ được báo đền trọn vẹn.

Có tiếng động ở ngoài hàng lang. Quốc Toản vội hướng ra khung cửa. Một người lính bước vào cúi đầu kính cẩn:

- Thưa tướng quân có mật lệnh của quốc công tiết chế gửi cho tướng quân.

Đỡ lấy chiếc bì có gắn sáp, Quốc Toản vội vã bóc ra đọc. Càng đọc nét mặt Quốc Toản càng rạng rỡ.

Thấy người tướng già đã có mặt, Quốc Toản sôi nổi:

- Vua và Quốc công tiết chế đã tính chỉ vài trận nữa sẽ diệt xong được giặc. Tiết chế đã cử quân đi chặn các ngả giặc có thể rút qua, và chúng ta được lệnh lên mạn phía bắc sông Nhị đón đánh bại binh Thoát Hoan.

Người tướng già vui vẻ khác hẳn ngày thường:

- Công tử cho khởi quân ngay đêm nay ư?

- Ta lên báo lại với Tướng quốc thái úy, rồi cất quân cũng chưa muộn.

Một lúc sau, giữa thành Thăng Long đang yên ắng, một hồi tù và rúc lên rộn rã.

Trong phút chia tay vội vàng, Trần Quang Khải âu yến nắm tay Quốc Toản:

- Binh Thoát Hoan còn tới chục vạn. Cháu đi phen này phải hết sức thận trọng mới được.

Quốc Toản khẳng khái:

- Phen này nếu không lấy được đầu Thoát Hoan cháu quyết không trở về.

Trần Quang Khải gật đầu rồi bần thần nhìn theo Quốc Toản dẫn đầu đoàn quân hối hả lên đường.

Mờ sáng hôm sau, Quốc Toản cùng đội quân trẻ của mình đã tới địa đầu ấp Võ Ninh. Quốc Toản không khỏi lo lắng và căm giận thấy quê hương mình xơ xác, cây cối bị cháy xém vàng úa. Trước mắt Quốc Toản, bao cảnh đổ nát, tan hoang đã phơi bày tội ác tầy trời của giặc.

Thấy viên dưỡng tướng của mình nét mặt rầu rầu, người tướng già nhỏ nhẹ:

- Công tử chớ phiền lòng. Thù này sẽ được trả. Ta chẳng đang đi chặn giặc đó sao?

Quốc Toản gật đầu ra roi ngựa. Đoàn quân trẻ rầm rập kéo đi.

Vượt qua bờ bắc sông Như Nguyệt, Quốc Toản cho quân dừng lại ăn uống; còn mình và người tướng già tức tốc phi ngựa đi ngắm địa thế đặt phục quân.

- Mồ chôn Thoát Hoan là chốn này đây Quốc Toản sau gần nửa buổi đi chọn địa thế vừa nói với người tướng già vừa chỉ vào đoạn đường lớn kề sát những dãy đồi rậm rạp, chạy tới ải Nam Quan Quốc công tiết chế có ý dặn ta đặt phục quân nơi này.

Người tướng già gật đầu:

- Đất này có cái thế rồng cuốn hổ chầu, rất lời cho công tử bày trận.

Biết tin đội quân mang lá cớ đề sáu chữ do một viên dũng tướng trẻ đốc suất đang ở trên đất mình, nhân dân địa phương thi nhau mang trâu, rượu, xôi ra khoản đãi. Các bô lão còn nằng nặc xin cho trai tráng làng được ra giúp sức.

Quốc Toản còn băn khoăn thì người tướng già đã nói nhỏ:

- Công tử đừng phụ lòng tốt của muôn họ.

Quốc Toản thầm khen: "Viên tướng già này bao giờ cũng góp những lời bàn đúng lúc". V.ì vậy, Quốc Toản phân chia ngay mấy trăm trai tráng vào các đô, cho quân mai phục trên các triền đồi và đào rất nhiều bẫy ngựa xung quanh đường. Hướng mai phục kéo thành một tuyến dài.

Nhưng đợi đến sáng hôm sau, quân giặc vẫn biệt vô âm tín. Sợ đợi lâu lòng quân dễ nản, Quốc Toản cứ ngồi luôn trên mình ngựa, đi hết nới này đến nơi khác để cổ vũ quân sĩ.

Gần trưa thì lính do thám về báo rằng: Tướng giặc là Giản Kỳ đã kép tới Đông Đô Đầu hợp quân với Thoát Hoan. Hiện chúng đang bị quan quân vây đánh. Có dấu hiệu chúng sắp rút chạy.

Quốc Toản phấn chấn phóng ngựa đi đôn đốc quân sĩ. Nhưng lại qua một đêm nữa, quân dân chen vai thích cánh sốt ruột chờ giặc. Lúc Quốc Toản đang tỏ nổi băn khoăn với người tướng già, thì từ mạn Thăng long, một thám mã phi như tên bắn thẳng tới nơi đặt phục binh. Thấy Quốc Toản, người lính nhảy vội xuống đất hấp tấp nói:

- Đại binh của Thoát Hoan đã rút chạy. Đội quân bắc cầu của chúng cách ta không xa.

Nhảy lên con chiến mã, Quốc Toản nói như thét với cánh quân đang hướng về phía mình:

- Đã đến lúc giao chiến. Anh em hãy ráng sức đánh cho Thoát Hoan biết uy danh của nước Nam ta!

Hàng loạt quân sĩ giơ cao cánh tay thích hai chữ "Sát Thát" đồng thanh:

- Chúng tôi xin thề quyết chiến!

Lúc ấy đã gần trưa. Nắng hè ngùn ngụt như đổ lửa. Quốc Toản sắc mặt đỏ gay vì nắng, vẫn ngồi trên con chiến mã quen thuộc, uy phong lẫm liệt.

Chợt Quốc Toản cho tìm người tướng già đến bên mình, giọng nói nóng nảy:

- Thoát Hoan là một tên tướng đốn hèn không bao giờ dám đi trước hàng quân. Nếu ta cũng phục ở đây sợ lỡ mất dịp chặn đầu hắn. Vậy ông thay ta đốc suất quân mai phục ở đây. Còn ta, ta sẽ dẫn một cánh quân nhỏ xuống chặn hắn ở phía trước.

Người tướng già vốn biết tính gan liều của Quốc Toản. Những lần dự trận với Quốc Toản, ông thấy rõ bao giờ Quốc Toản cũng đứng ở chốn mũi nhọn để đánh vỗ mặt vào quân giặc. Trận Tây Kết, Thăng Long đã rõ; trận Hàm Tử lại càng rõ hơn. Trong thâm tâm, người tướng già thán phục Quốc công tiết chế đã biết dùng người. Hiểu Quốc Toản nên tiến chế đã chọn để Quốc Toản chặn giặc ở đây, ngay mạn này, chứ không phải ở Vạn Kiếp, Chi Lăng hay nơi nào khác. Tuy thế, lần này người tướng già không khỏi lo lắng:

- Tôi hiểu rõ lòng công tử Người tướng già nói Nhưng Thoát Hoan còn lắm quân. Chúng cùng đường, phải rút chạy nên cũng cùng đường đường mà liều chết. Công tử chẳng nên tách khỏi đại binh như thế.

Quốc Toản giọng cương quyết:

- Ông đã vì ta mà lo xa cho ta. Nhưng chí ta đã quyết. Đừng trái lệnh ta!

Nói rồi Quốc Toản dẫn đội quân cung kiếm tiến mãi lại phía gần bờ sông chờ giặc.

Xế chiều thì giặc đã bắc xong cầu phao và tiền quân của Thoát Hoan bắt đầu xuất hiện. Qua rừng cây thưa, cánh quân cung kiếm của Quốc Toản đã nhìn thấy chúng lố nhố kéo đến đầy đồng nội. Rồi tiền quân của chúng bắt đầu qua cầu phao.

- Vẫn chưa thấy mặt thằng tướng Quốc Toản sốt ruột nói với quân sĩ khi thấy tên tướng tiên phong của Thoát Hoan vừa phì nộn vừa đần độn, đang đi ngang qua nơi Quốc Toản đặt phục quân. Nhưng chỉ một lúc sau, Quốc Toản đã trông thấy Thoát Hoan đi cuối cánh quân tiên phong, xung quanh dày đặc những tướng tùy tùng và võ sĩ hộ vệ.

Quốc Toản ướm dây cung rồi nâng cần cung ngắm Thoát Hoan. Nhưng không bắn được. Thằng tướng giặc này tham sống sợ chết đến nỗi nó cho quân đi vòng trong vòng ngoài vây kín.

Đợi Thoát Hoan đến ngang tầm mình, Quốc Toản vẫy ta ra hiệu. Lập tức, một hồi tù và dóng dả cất lên rồi tiếng trống thúc liên hồi nối tiếp khắp tuyến đường dài, làm náo động cả một vùng trời. Quốc Toản dẫn đầu đoàn ngựa chiến lao thẳng tới cụm quân vây quanh Thoát Hoan.

Trông thấy lá cờ đề sáu chữ do một viên tướng trẻ dẫn đầu đang xông vê phía mình, Thoát Hoan nhận ra ngay viên danh tướng tiên phong mà đã bao lần hắn nghe đồn đại về tính gan liều có một không hai này. Vì vậy, Thoát Hoan vừa ra roi ngựa vừa thất kinh thét quân sĩ:

- Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đó. Chạy mau khỏi nơi này.

Nhưng Quốc Toản đã kịp dẫn đội quân trẻ của mình lăn xả vào đám binh dầy đặc xung quanh Thoát Hoan. Phút chốc, Quốc Toản đã đánh giạt toán giặc Nguyên, mở đường xông tới gần Thoát Hoan. Bọn tùy tướng thấy chủ chúng lâm nguy, liền xúm lại đánh Quốc Toản. Quốc Toản tả xung hữu đột, vung kếm múa tít. Một tên tướng giặc rơi đầu, rồi tên thứ hai ngã nhào xuống đất. Tên đại tướng A Thích thấy Quốc Toản giết mất hai tướng của mình, liền bỏ Thoát Hoan phi ngựa sấn lại. Vừa thét quân sĩ giãn ra. A Thích đã vung quả chùy cán dài gáng như búa bổ vào đầu Quốc Toản.

Nhanh như chớp, Quốc Toản né tránh, rồi vừa nhảy xông lại đánh nhau với tên tướng đã có lần đọ sức ở ngoài thành Thăng Long, Quốc Toản vừa cười khanh khách:

- Đúng là điềm chết của Thoát Hoan nên mới sinh ra một tên đại tướng đi đánh trộm như nhà ngươi.

Quốc Toản và A Thích, một bên nhanh nhẹn sắc bén, một bên cậy sức khỏe; một bên kiếm một bên chùy, lăn xả vào nhau như hai con mãnh thú. Cánh quân trẻ của Quốc Toản cũng đã nhanh chóng dàn thành hàng đánh lui hết toán giặc này đến toán giặc khác để trợ chiến với chủ tướng của họ.

Một hồi lâu, A Thích đã nhễ nhại mồ hôi, quả chùy trong tay không còn linh hoạt nữa. Bỗng hắn gầm lêm một tiếng rồi thúc ngựa tháo chạy. Quốc Toản tức tốc phóng ngựa đuổi. Tưởng Thoát Hoan đã chạy thoát, Quốc Toản vô cùng tức giận. Nhưng kìa, hắn vẫn đang trong đám loạn quân phía trước. Trông cảnh tượng người, ngựa ùn lại, Quốc Toản mừng thầm vì biết đại binh của mình do người tướng già đốc suất, đã đánh bật giặc trở lại.

Hết đường tiến, giặc phi ngựa tản sang hai bên đường định chạy. Nhưng ngựa giặc thi nhau ngã gục và rống lên thảm thiết. Thoát Hoan biết Quốc Toản đánh bẫy ngựa nên không dám chạy tạt ngang. Hắn đành hô quân lộn trở lại, vượt cầu phao, chạy sang phía Phả Lại, bỏ ý đồ rút về ải Nam Quan. Thoát Hoan giận tái người khi thấy trung quân và hậu quân của hắn đang tự động rút chạy theo hướng đó.

Thấy quân của Quốc Toản vẫn lớp lớp xô về phía mình, Thoát Hoan khủng khiếp nghĩ đến cái chết đang chờ hắn. Cùng thế, Thoát Hoan thét tướng sĩ dốc sức đánh lại đội quân của Quốc toản. Cũng chỉ đến lúc này, Thoát Hoan mới nhận ra, đội quân của viên dũng tướng trẻ người Việt này rất ít. Hắn đỡ lo lắng và thúc quân đánh dấn.

Lại một lần nữa, Quốc Toản tung hoành ngang dọc, xé đội hình giặc xông tới Thoát Hoan. Để bảo vệ chủ tướng, Giản Kỳ vác đao ra chặn đánh Quốc Toản. Quốc Toản lại có dịp đánh nhau với một danh tướng khác của giặc.

Nhằm lúc Quốc Toản bận đánh Giản Kỳ, Thoát Hoan lách ngựa chạy tháo thân. Thấy vậy, Quốc Toản điên người dốc hết sức đánh Giản Kỳ. Đã thấm mệt, lại thấy đại binh của Quốc Toản từ đâu đang tràn xuống như thác lũ, Giản Kỳ bất thình lình cũng rút chạy. Lập tức, Quốc Toản thúc ngựa đuổi theo. Nhưng bỗng Quốc Toản lảo đảo trên ngựa. Một tùy tướng của Thoát Hoan nhân lúc Quốc Toản sơ hở, đã bắn trộm. Mũi tên ngập vào ngực Quốc Toản. Đội quân trẻ định lại đỡ chủ tướng của họ. Nhưng sau phút lão đảo Quốc Toản đã lại vừa thúc quân đuổi theo giặc vừa chuyển tay kiếm rút mũi tên đỏ nhuộm máu, tiếp tục đuổi theo Giản Kỳ. Máu Quốc Toản đầm đìa chảy xuống con ngựa chiến. Máu rây lên mặt đường theo hướng ngựa chạy. Và đến khi Quốc Toản kiệt sức, ngã nhào xuống đất, thì người tướng già cũng vừa đem đại binh tới.

Nhảy vội từ trên mình ngựa xuống đất, người tướng già ôm lấy Quốc Toản khóc rưng rức:

- Quân giặc đông như dòi bọ, tôi không tài nào chém hết chúng, kịp hộ sức với công tử để đến nông nổi này!

Quốc Toản cố cất đầu lên, hỏi:

- Giặc đâu?

- Chúng chết như rạ. Còn Thoát Hoan và đám tàn quân chạy như lũ chuột sang hướng Phả Lại cả rồi.

Quốc Toản nói, giọng đuối dần:

- Ở Vạn Kiếp cũng đã có binh ta chặn. Nhưng để chắc thắng, ông hãy vì ta cầm quân thay ta đuổi gấp. Ngừng lại để thở, Quốc Toản tiếp sau này ông về an ủi và chăm sóc mẹ ta thay ta. Được như thế ta chết cũng yên lòng.

Quốc Toản đưa mắt nhìn những chiến sĩ của mình đứng vây quanh, cặp môi Quốc Toản mấp máy như muốn nói điều gì, rồi trút hơi cuối cùng.

Người tướng già để một toán gia nhân của Quốc Toản ở lại trông nom, rồi bằng một giọng chắc nịch, ông hô quân nhằm thẳng hướng quân thù xốc tới.

Cả đoàn quân trước lúc đi đều ngậm ngùi nhìn lại lần cuối người chủ tướng dũng cảm, thân yêu chưa đầy mười bảy tuổi của mình. Đó là quãng trung tuần tháng năm năm Ất Dậu (1285)

Một tháng đã trôi qua. Sau lễ ăn mừng chiến thắng long trọng ở Kinh Đô, người tướng già vội trở về Võ Ninh ngay. Mặc dù đã chuẩn bị trước, nhưng vừa nhác thấy Trần mẫu tóc đã bạc quá nửa, người tướng già không cầm được nước mắt.

Trần mẫu cũng thấm vội dòng nước mắt, giọng buồn buồn:

- Chú Chiêu Thành vương đã nói cả rồi. Đau lòng lắm nhưng với ông, ta không giấu được niềm kiêu hãnh tự hào về đứa con duy nhất của ta làm đẹp thêm dòng dõi Đông A. Ngừng lại để nén xúc động, Trần mẫu tiếp ta còn được biết ông đã vì con ta mà đánh dồn Thoát Hoan chạy sang Vạn Kiếp lập được chiến công to. Điều ấy quý lắm.

Người tướng già thở phào nhẹ nhõm. Những điều khó nói, dễ xúc động nhất. Trần mẫu đã biết cả. Thấy Trần mẫu bình tĩnh chịu đựng đau đớn, trái với dự đoán của mình, người tướng già rất thán phục và thêm kính trọng bà mẹ quả cảm này.

Hiểu lòng người tướng già, Trần mẫu lảng chuyện:

- Lễ ăn mừng vua ta làm có to không?

- Thưa tôn phu nhân Người tướng già đáp Lễ ăn mừng lần này to hơn, long trọng hơn lần trước rất nhiều. Tuy vậy, vua vẫn căn dặn tướng sĩ không được lơ là việc quân, phòng giặc có thể đem lính sang phục thù. Trong buổi lễ người tướng già ngập ngừng vua đã sa lệ khi nhắc đế công tử. Tướng quốc thái úy cũng đã tuyên đọc việc vua gia phong cho công tử tước vương.

Trần mẫu thoáng vui:

- Việc sau thì hôm nay ta mới biết. Còn việc vua vật mình than khóc khi con ta chết thì chú Chiêu Thành vương đã cho hay.

Chợt người nữ tỳ vào báo có bô lão ấp Võ Ninh tới.

Trần mẫu vội bước ra án, vừa sửa soạn đón khách vừa nói:

- Gần tháng nay, chẳng mấy ngày không có các ông già tốt bụng ấy đến viếng thăm, chia buồn với ta.

Người tướng già cúi đầu xin lui. Cả ấp Võ Ninh chìm trong nắng hè rực rỡ.
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Mèo Âu
北公爵夫人
-鋒-

Mèo Âu

Posts : 1524
Join date : 2009-09-06

[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản _
PostSubject: Re: [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản   [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản I_icon_minitime10.09.09 1:19

Niên Biểu



  • 1267: Trần Quốc Toản ra đời. (Có khả năng ở đất Tống)
  • 19/3/1279: quân đội Tống bị đánh bại trong trận chiến cuối cùng, Nhai Sơn hải chiến (崖山海戰), chống lại người Mông Cổ ở đồng bằng sông Châu Giang (珠江三角洲). Một vị đại thần là Lục Tú Phu đã ôm vị hoàng đế nhảy xuống biển tự vẫn. (Một số người Tống đã sang Đại Việt lánh nạn và giúp nhà Trần đánh giặc Mông – Nguyên)
  • 10/1282: Hội nghị Bình Than bàn kế chống quân Nguyên, được tổ chức ở làng Bình Than, tổng Vạn Ti, vùng đất ngày nay là Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nơi họp có tính cách bí mật vì cần tránh tai mắt của bọn gián điệp đối phương. Vào thời Trần, con sông Thương cũng có tên là Bình Than.

  • Tháng 12 năm 1283, Vua triệu tập các bô lão khắp nơi về điện Diên Hồng để hỏi ý kiến nên hoà hay nên chiến. Tất cả các bô lão đồng thanh xin quyết chiến!
  • 1284年5月、皇帝フビライ汗は会議を開いた。
    日本か大越か。彼は金銀の国日本に執着していたが、戦略将軍の多数は海路より陸路を主張した。総勢50万の軍勢が大越に向く。失敗は許されなかった。
  • Cuối tháng chạp năm Giáp Thân (tháng 1-1285), quân Nguyên Mông chia làm nhiều mũi xâm lược Đại Việt. Giặc bị chặn đánh quyết liệt ở khắp nơi. Nhưng thế giặc mạnh, chúng vẫn ồ ạt tiến mỗi lúc một sâu. Trong những ngày khó khăn ấy, đội quân có lá cờ thêu sáu chữ do Trần Quốc Toản dẫn đầu đã xuất hiện, đương đầu với giặc dữ, góp phần làm chậm bước tiến của quân thù. Công lao và tài ba đó của Hoài Văn hầu đã được Quan gia biết đến. Chính vì thế, khi đại quân ta phải tạm rút vào Thanh Hóa, Hoài Văn hầu đã được Quan gia cho đi theo hộ giá (bảo vệ vua) cùng với Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và nhiều vương hầu, tướng lĩnh khác.
    - Ngày mồng 6 tháng giêng năm 1285, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quân Trần thua trận. Ngày 12, quân Nguyên đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân Đại Việt, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát" bằng mực vào cánh tay, tức lắm, giết hại rất nhiều. Quân Nguyên đến Đông Bộ Đầu. Ngày 13, quân Trần lại giao tranh với quân Nguyên. Ngày 28, Hưng Đạo Vương bàn xin Trần Quang Khải chặn đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An.
    - Mồng 1 tháng 2, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện và liêu thuộc là Lê Trắc đem theo quân đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh. Thổ hào Lạng Giang là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, tập kích quân Nguyên ở trại Ma Lục. Gia nô của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện tại đó. Thượng hoàng Thánh Tông sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan để lung lạc và tranh thủ thêm thời gian đối phó với địch.
    - Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng đánh nhau với quân Nguyên ở bãi Đà Mạc (nay là bãi Mạn Trù) bị bắt. Quân Nguyên hỏi ông: "Có muốn làm vương đất Bắc không?" Ông thét to: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc", rồi bị giết.
    Thế quân Nguyên rất mạnh, hai vua phải đi thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên, sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn để đánh lừa giặc.
    - Ngày mồng 1 tháng 3, hai vua Thánh Tông và Nhân Tông bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú. Lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức huyện Thuỷ Đường) vượt biển Đại Bàng (cửa Văn Úc ngày nay) vào Thanh Hóa. Thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên. Nguyên soái Toa Đô đem quân đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở châu Ô Lý (Quảng Trị ngày nay) rồi cướp châu Hoan, châu Ái (Thanh Hóa - Nghệ An), tiến đóng ở Tây Kết (khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay).
  • 4/1285: vua Trần Nhân Tông sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết. Quân Trần do Trần Nhật Duật chỉ huy giao chiến đánh thắng quân Nguyên ở Hàm Tử Quan (nay là xã Hàm Tử huyện Văn Giang, Hưng Yên).
  • 10/5/1285: có người về báo cho hai vua Trần là thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân giặc tan vỡ lớn...Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô.
    Tháng tư năm Ất Dậu (6-5 đến 4-6-1285), quân Nguyên Mông bắt đầu khốn đốn
  • Trận cuối cùng của Quốc Toản ở sông Như Nguyệt: ...Quan quân đến sông Như Nguyệt, thì Nhật Huyên (vua Nhân Tông) sai Hoài Văn hầu đến đánh. Theo sách Việt sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh thì khi Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn để cướp lại lương thực thì quân của Trần Quốc Toản và Trần Khánh Dư chống đỡ kịch liệt. Quốc Toản hăng hái cự địch, không may qua đời ngày 2-2 âm lịch.
Back to top Go down
http://dinhphong.forumn.org/
Sponsored content




[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản _
PostSubject: Re: [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản   [Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản I_icon_minitime

Back to top Go down
 

[Nhân vật] Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản

View previous topic View next topic Back to top 
Page 1 of 1

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
♪ Smile Always ♪ :: Lịch sử và Thần thoại :: Việt Nam :: Nhà Trần★陳朝-

Smile Always♪
http://meoau.ace.st
Copyright © 2009

Free forum | Sciences and Knowledge | History | ©phpBB | Free forum support | Report an abuse | Forumotion.com